Nhiều độc giả chia sẻ những kỷ niệm dở khóc, dở cười khi bị giáo viên Văn phê "chưa hiểu ý tác giả" thời học phổ thông:
Tôi là học sinh giỏi văn quốc gia thế nhưng có lần tôi bị 6 điểm vì "Chưa hiểu ý tác giả"...do một cô giáo dạy thay. Khi được 6 điểm tôi kinh ngạc lắm vì hầu như bài nào của tôi cũng 9 điểm trở lên.
Tôi mới ấm ức nói với đứa bạn và bạn này đi mách lại cô giáo thế là cô bảo ghi văn mẫu chứ làm gì có chuyện tự viết mà hay như thế? Sau cô giáo này ra một đề văn sáng tạo để thử tài, từ đó về sau cô mới biết tài của tôi và không dám chấm cảm tính nữa.
Trong quá trình học môn Văn ở bậc phổ thông, điểm văn của mình đã có thời điểm ở hai thái cực khác nhau. Năm trước cô giáo không thích sáng tạo thì chỉ cho điểm trung bình "vớt" kèm lời phê: "Không có khả năng cảm thụ văn thơ", năm sau cô giáo khác khuyến khích sáng tạo thì lại cho điểm giỏi. Vậy nên theo tôi điểm không quá quan trọng, bây giờ tôi luôn khuyến khích con tư duy sáng tạo, chấp nhận điểm không cao.
Môn Văn dạy cách sử dụng từ ngữ, diễn đạt ý kiến. Nhưng nhiều năm nay, các thầy cô lại hiểu khác, cho nên mới dẫn đến những chuyện tức cười. Không phải khoe khoang, ngày xưa tôi đi học, phần tiếng Việt tôi gần như luôn được điểm tuyệt đối, thế nhưng phần viết của tôi luôn chỉ được 2-3 điểm. Cho dù cấu trúc, bố cục bài viết, sắp xếp ý, đoạn văn, câu cú của tôi chỉn chu. Việc này đã đẩy tôi rời xa môn Văn. Thôi thì, các tác phẩm thì em đọc và cảm nhận, còn môn Văn là của thầy cô hết.
Cái bất hợp lý của giáo viên văn là hãy nêu suy nghĩ, cảm nghĩ của mình về bài văn hay bài thơ, nhưng khi học sinh làm theo cảm nghĩ, suy nghĩ của mình thì bị chấm bị lạc đề.
Có một câu chuyện mà cố nhà văn Nguyễn Khải từng chia sẻ: Cô giáo giao cho con trai ông bài tập về nhà là phân tích bài 'Mùa lạc' của chính ông, Nguyễn Khải đã dành cả buổi tối phân tích chính tác phẩm của mình rồi đưa con trai nộp cho cô. Thật bất ngờ, khi trả bài, cô giáo thẳng tay cho bài văn đó hai điểm với lời phê mà đọc xong, "cha đẻ" của "Mùa lạc" cũng phải choáng váng: Dùng từ sai, em không hiểu ý tác giả.
Ngày xưa tôi là dân khối A, cứ bài văn nào mà miêu tả hay đòi phân tích ý thơ hay đoạn văn là tôi luôn đạt 3-5 điểm vì không thể viết nổi quá 1,5 trang. Nhưng đến năm cấp 3, khi có loại văn tự luận, tôi luôn đạt 8-9 điểm.
Thậm chí điểm văn tự luận của tôi còn cao hơn dân khối C-D, vì văn tự luận là do tôi viết ra bằng chính cảm xúc và hiểu biết của mình chứ không phải cái mà tôi phải đọc và ép phải đoán ý của người khác.
Việc đánh giá bài làm văn thì phụ thuộc vào cảm tính và cảm xúc của giáo viên dạy văn rất nhiều. Khi còn là học sinh cấp ba tôi may mắn khi giáo viên dạy văn khuyến khích học sinh sáng tạo, có quan điểm mới lạ. Và theo tôi điều đó mới giúp văn học phát triển, vì văn học không thể có công thức cứng nhắc được.
Là một người thường viết lách, độc giả Kelly Trinh chia sẻ quan điểm:
Tôi là một người viết và trong mỗi tác phẩm của mình, tôi luôn có một câu dẫn là "Nhân vật, nội dung thuộc về người viết nhưng cảm nhận, đánh giá thuộc hoàn toàn về độc giả". Tôi sẽ không buồn hoặc bắt ép độc giả phải nhìn nhận, suy nghĩ giống mình.
Nếu vài người có cách nhìn khác, đó là sự khác biệt. Nếu phần đông đều nhìn trái ngược với dụng ý của tôi khi đặt ngòi bút xuống thì lỗi là do tôi truyền đạt chưa tốt. Không một đại văn hào hay tác giả nào có quyền ép buộc độc giả phải cảm thụ đúng theo ý định khắc họa nhân vật, xây dựng nội dung của mình, đây là hành động chuyên quyền phản nghệ thuật.
Tất cả các tác phẩm hư cấu, cảm thụ luôn mở rộng và tự do. Những tác phẩm viết về nhân vật thật thì nếu độc giả nhìn nhận sai, hoặc do người viết chưa đủ trình độ hoặc chúng ta có nhiệm vụ phân tích, hướng dẫn họ nhìn nhận đúng trở lại chứ không phải là ép buộc, định hướng.
Tôi sẽ nói chuyện như hai người bạn với con tôi nếu chúng cho rằng Chí Phèo là một kẻ vứt đi nhưng tôi tuyệt đối không áp đặt rằng Chí Phèo đáng thương, là nạn nhân, rằng chúng phải có nghĩa vụ cảm thông. Có lẽ đã đến lúc chúng ta nên học cách tôn trọng cảm xúc của những đứa trẻ vì chúng cũng là một cá thể độc lập.
Độc giả Mạnh Cường cho rằng văn mẫu là để tham khảo và trí tưởng tượng của học sinh nếu vượt qua quy chuẩn, giới hạn sẽ là "không hiểu bài" chứ không phải sáng tạo:
1+1=3 có sáng tạo không và đáng được bao nhiêu điểm? 1+1=2 là bất biến nhưng viết, trang trí 1+1=2 lại có muôn ngàn kiểu khác nhau. Cũng giống như viết thư pháp vậy, có nhiều cách viết một chữ nhưng không được phép viết nó thành chữ khác hay chữ vô nghĩa.
Làm văn cũng vậy, dàn bài, văn mẫu là dùng hướng dẫn học sinh cách làm một dạng văn mà sau này chúng sẽ gặp trong thực tế. Mọi người cứ nói giáo viên chấm theo văn mẫu làm hạn chế sự sáng tạo của học sinh. Nhưng nếu chép y nguyên bài văn mẫu thì sẽ được điểm 10 hay sao, tôi không tin.
Môn văn cũng giống như xây căn nhà, có những bước cơ bản phải theo và có những thiết kế theo ý riêng từng kiến trúc sư. Nếu bạn dựa theo bộ khung của văn mẫu, thêm thắt hoa lá cành, chọn dùng từ đắt giá thì sẽ dược điểm cao. Nếu thiếu bộ phận nào đó của văn mẫu, làm trái ngược hay sai ý của tác phẩm gốc thì đó không phải là sáng tạo mà là không hiểu bài.
Tất nhiên cũng có những cô giáo, thầy giáo máy móc chấm bài văn như chấm toán là do họ bị gò bó bởi đáp án chấm đề. Nếu để các thầy cô chấm theo cảm nhận của họ thì cũng vẫn có tranh cãi vì cảm nhận mỗi người khác nhau.
Ngày xưa (tôi 50 tuổi), chúng tôi làm gì có văn mẫu mà tham khảo, chỉ được hướng dẫn làn dàn bài nên ai giỏi văn, ai kém là dễ dàng phân biệt, đọc lên là khác biệt ngay.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.