Là tuyến huyết mạch ở Đồng bằng sông Cửu Long, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51 km có nhu cầu mở rộng cấp thiết nhất. Hiện nay, lưu lượng phương tiện trung bình 23.000-25.000 lượt xe mỗi ngày đêm. Ngày cao điểm, lễ tết đạt gần 40.000 lượt xe, trong khi công suất thiết kế 25.000 xe một ngày đêm.
Tháng 7, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả đề xuất lập dự án đầu tư xây dựng giai đoạn 2 theo phương thức đối tác công tư PPP. Theo đơn vị này, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 đã đầu tư phương thức PPP với quy mô 4 làn xe hạn chế, tổng vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng. Khi thực hiện giai đoạn 2 mở rộng lên 6 làn xe, hai làn khẩn cấp theo phương thức PPP sẽ có tổng mức đầu tư dự kiến 11.500 tỷ đồng, trong đó nhà nước chi trả một nửa, còn lại là vốn xã hội hóa.
Phương thức PPP có lợi thế là các nhà đầu tư giai đoạn 1 và giai đoạn 2 tổ chức thu phí chung trên tuyến đường, không phát sinh chi phí bù doanh thu theo hợp đồng dự án. Phương thức này sẽ giảm phần vốn nhà nước, đáp ứng tiến độ khai thác sớm, giảm chi phí từ ngân sách cho duy tu công trình.
Nếu đầu tư công tuyến cao tốc giai đoạn 2, nhà nước dự kiến phải chi khoảng 11.800 tỷ đồng để đầu tư mở rộng đường và thanh toán một phần cho nhà đầu tư giai đoạn 1 để bù phần hụt doanh thu do không thể thu phí. Phương án này khó thực hiện trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách hạn hẹp.
Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, Trung Lương - Mỹ Thuận là dự án cao tốc cần được mở rộng cấp bách nên đã giao đơn vị chức năng lập hồ sơ dự án để trình cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Với hai đoạn tuyến cao tốc ở miền Trung là Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan đi qua Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đang khai thác hai làn xe, lãnh đạo Ban Quản lý đường Hồ Chí Minh (đại diện chủ đầu tư giai đoạn 1) cho biết đang nghiên cứu mở rộng lên 4 làn xe bằng vốn ngân sách nhà nước để đồng bộ giai đoạn 1 đã được triển khai theo phương thức đầu tư công.
Ban lập các phương án đầu tư mở rộng hai đoạn cao tốc này theo quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh (có làn dừng khẩn cấp) hoặc 4 làn xe hạn chế (không có làn dừng khẩn cấp) và tính toán tổng vốn để trình các cơ quan có thẩm quyền quyết định. Nếu được bố trí đủ vốn, chủ đầu tư đặt mục tiêu hoàn thành dự án năm 2026.
Về lý do các dự án này cần được mở rộng lên 4 làn xe, lãnh đạo Ban cho hay, cao tốc Cam Lộ - La Sơn và La Sơn - Túy Loan được nghiên cứu từ năm 2012 và trong bối cảnh ngân sách nhà nước hạn chế nên giai đoạn đầu chỉ được bố trí hai làn xe. Đến nay, để đồng bộ các tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 với 4 làn xe ở cả hai phía bắc và nam, hai đoạn cao tốc qua miền Trung này cần được mở rộng lên 4 làn xe để không tạo thành "nút cổ chai".
Về nguồn vốn mở rộng cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết hiện chưa xác định nguồn vốn do cơ quan quản lý địa phương mới đề xuất mở rộng. Trước mắt, Bộ sẽ rà soát các tuyến cao tốc được địa phương đề xuất mở rộng, tính toán lại lưu lượng, xem xét các nguồn vốn hiện có và lập dự án đầu tư, sẵn sàng thực hiện ngay khi cơ quan có thẩm quyền bố trí được nguồn vốn.
Đánh giá về huy động vốn để mở rộng 4 tuyến cao tốc, PGS. TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Nhà đầu tư hạ tầng giao thông (VARSI) nhận định, trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn khó khăn thì cần đẩy mạnh huy động xã hội hóa. Ví dụ, hai trong 4 cao tốc trên là đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận, Cao Bồ - Mai Sơn có thể huy động PPP vì đây là các tuyến có lưu lượng phương tiện lớn, khả năng thu hồi vốn tốt.
Theo ông Trần Chủng, do dự báo lưu lượng xe thấp và thiếu vốn ngân sách nên một số dự án cao tốc phân kỳ giai đoạn đầu hai làn xe hoặc 4 làn hạn chế. "Tuy nhiên, càng đầu tư phân kỳ thì càng tốn kém và không đảm bảo tiêu chuẩn cao tốc", ông Chủng nói.
Để không tái diễn tình trạng đường vừa khai thác đã mở rộng, ông Chủng cho rằng, ngân sách nhà nước dành để làm hoàn chỉnh các tuyến đường lưu lượng thấp, thay vì phải phân kỳ đầu tư. Nhà nước cũng cần có chính sách thu hút vốn PPP để giảm áp lực cho ngân sách. Ví dụ, các đoạn cao tốc Bắc Nam như Cao Bồ - Mai Sơn, Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết đều có thể huy động xã hội hóa, thay vì đầu tư công như thời gian qua.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, các đoạn cao tốc mới khai thác, chưa hết thời gian bảo hành đã phải chuẩn bị mở rộng cho thấy tầm nhìn của các đơn vị lập và thẩm định dự án còn hạn chế. Khi các tuyến cao tốc đầu tư phân kỳ sẽ bộc lộ nhiều bất cập, như thiếu làn dừng khẩn cấp gây mất an toàn giao thông và phải mở rộng sớm. Do vậy, theo ông Longg, không nên chạy theo thành tích cần có 5.000 km đường cao tốc để nhiều dự án phải phân kỳ đầu tư.
"Bộ Giao thông Vận tải cần coi đây là bài học, phân bổ nguồn lực đầu tư công vào dự án thật sự cấp thiết, không đầu tư dàn trải", ông Long nói.