Tôi là tác giả bài viết "Sao không để trẻ Việt học phát âm chữ cái là Ây, Bi, Xi?". Bài viết của tôi chủ yếu nói về hai vấn đề chính: Một là có cần dạy trẻ em Việt đánh vần không? Hai là nên phát âm các chữ cái tiếng Việt như thế nào?
Chúng ta có cần bắt đầu việc dạy nói, viết tiếng Việt bằng cách đánh vần không? Tôi tán thành quan điểm của một trí thức Việt kiều với vấn đề này là không cần. Vì khi xem xét hai trường phái chữ viết chủ yếu trên thế giới hiện nay, trường phái sử dụng chữ cái gốc la-tinh (châu Âu, Mỹ, Úc, Canada, một số nước Nam Mỹ...) và trường phái sử dụng chữ viết tượng hình (Trung Quốc, các nước Ả rập, Hàn Quốc, Nhật, Campuchia, Lào...) thì dường như không có nước nào bắt đầu việc dạy sử dụng ngôn ngữ bằng hình thức đọc và viết, đánh vần như ở Việt Nam.
Tôi từng trực tiếp chứng kiến trẻ em Mỹ và Đức học ngôn ngữ Anh và Đức ở trường. Chúng học đọc, viết thông qua nhìn và ghi nhớ từng từ rời (bao gồm một nhóm các chữ cái) qua sách tập đọc có hình minh họa, kết hợp với việc nghe và phát âm mẫu của từ đó. Sau đó, các em dần dần ghép các từ thành câu, chứ không đánh vần.
Điều này thì những ai đã từng học ít nhất một ngoại ngữ (Đức, Anh, Nga, hay tiếng Hoa, Nhật, Hàn....) đều có thể tự kiểm chứng, khi nhớ lại mình đã bắt đầu học ngôn ngữ thứ hai như thế nào. Chúng ta chẳng phải vẫn học ngôn thứ hai (Anh, Hoa, Đức, Nhật, Pháp, Hàn...) mà đâu có cần phải học ghép vần?
Ở Việt Nam hiện đã và đang có rất nhiều bà mẹ dạy con đọc sớm qua các phương pháp Glenn Domann và Montessori. Qua đó tập trung khai thác giai đoạn “cửa sổ vàng” của trẻ em. Phương pháp này, tôi thấy rất đúng.
Hiện ở nhiều nước như Mỹ, Trung Quốc... cũng công nhận các phương pháp này và cũng đã có Hiệp hội Montessori Quốc tế (AMI). Chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi phương pháp dạy chữ viết cho trẻ em Việt Nam. Vì trẻ em chưa đến tuổi đi học ở trường vẫn có thể học đọc sách và học đọc trực tiếp tiếng Việt không qua giai đoạn đánh vần. Giống như người lớn học tiếng Anh, Nga, Đức, Pháp, Hoa, Hàn hay Nhật mà thôi.
Về cách phát âm chữ cái tiếng Việt, tôi nhận thấy, ngay trong cách phát âm tiếng Việt truyền thống cũng có một số vấn đề, chẳng hạn các chữ K (ca) với C (cờ) và Q (quờ)... “Quan trọng” hay “Kuan trọng“; “Kon gà” với “Con gà”; “iêu” với “Yêu”; “da” với “gia”... thì khi phát âm cũng có khác gì nhau đâu?
Bởi vậy, khi chúng ta đã chấp nhận dạy trẻ học đọc hay viết mà không qua đánh vần thì việc ta phát âm các chữ cái A (a), B (bê), C (xê) hay A (ây), B (Bi) và C (xi) thì cũng không quá phiền hà, chỉ là quy ước thôi. Bởi trong đời người, khi sử dụng ngôn ngữ Việt, chúng ta vẫn không tránh khỏi các từ có âm (nói, nghe) một đằng, chữ viết một nẻo.
Nếu trẻ trước khi biết chữ, từ 8-14 tháng đã biết nói những từ đầu tiên mẹ, bố... thì sau đó ít lâu, khi ta bảo chúng hãy đọc chữ “bố” rồi đưa cho chúng xem chữ bố bao gốm hai chữ cái “bi” và “ô” (có thêm dấu sắc), hay từ “ba” (bao gồm chữ “Bi” và “Ây”) thì cũng đâu có vấn đề gì. Có khác chi khi chúng ta học ngoại ngữ, vẫn tra từ điển để tìm phiên âm của các từ lạ?
Trẻ con Việt học chữ bằng các phương pháp Glenn Domann hay Montessori có bao giờ cần phải hỏi: Mẹ ơi, tại sao cái chị chữ “ba” lại phải gồm có hai bạn chữ cái “bi” và “ây”, mà không phải là các bạn “B (bờ) và A (a)"? Ngôn ngữ chẳng qua cũng chỉ là một loại thói quen, nhiều khi “Phi-logic (illogical)”, chấp nhận được, vì đó là ngôn ngữ.
Khi bắt đầu học ngoại ngữ, tôi nhiều khi bị thầy mắng vì cứ hay thắc mắc tại sao từ đó viết thế này, mà em phải đọc thế kia. Nhiều người Việt vẫn hiểu lầm, khi cho rằng các dân tộc khác cũng đánh vần khi học chữ, chẳng hạn khi nói chuyện với nhau, họ thỉnh thoảng yêu cầu người đối thoại hãy “spell” (tạm gọi là “đánh vần”). Thực ra là liệt kê số lượng và thứ tự các chữ cái trong một từ nào đó, mà nghe có vẻ mập mờ về mặt ngữ âm, nhưng việc “đánh vần” ấy không nhất thiết ảnh hưởng đến việc phát âm của cả từ đó.
Chẳng hạn như: từ Nine (En-ai-En-i) và Night (En-ai-âych-ti), hoặc khi cần phân biệt “tonight” (đêm nay) với “two nights” (hai đêm)... Dù vậy, khi trẻ con của họ học chữ thì vẫn được dạy đọc thẳng từng từ qua việc nhìn chữ viết (hình ảnh) rồi nghe phát âm (hay xem phiên âm quốc tế) của từ đó.
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.