- Ông có thể phân tích dấu hiệu đầu tư nước ngoài rút vốn hiện nay?
- Hiện có những biểu hiện cho thấy dòng vốn nước ngoài, cả gián tiếp và trực tiếp, đang rút về để cứu nền kinh tế trong nước họ. Các nhà đầu tư nước ngoài đang có biểu hiện bán cổ phiếu của họ trên thị trường chứng khoán VN để mua USD rút về trong nước. Họ mua ngoại tệ nên đã đẩy tỷ giá đồng ngoại tệ lên và làm sức mua của VNĐ yếu đi.
- Việc các nhà đầu tư nước ngoài bán nhiều hơn mua trên thị trường chứng khoán những ngày qua là có liên hệ với sự lên giá của đồng USD?
- Đúng vậy. Tôi cho rằng đó là biểu hiện chính của cơn sốt USD những ngày qua.
- Cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế châu Á năm 1997-1998 bắt nguồn từ việc nước ngoài rút vốn ồ ạt?
- Tình hình chúng ta hiện nay khác với tình hình lúc xảy ra cuộc khủng hoảng châu Á 1997-1998. Khi ấy, Thái Lan gặp khủng hoảng vì họ huy động vốn ngắn hạn, cổ phần, cổ phiếu của nước ngoài quá lớn nên không có khả năng thanh toán lúc bị rút vốn ồ ạt. Độ mở của nền kinh tế nước ta lúc đó chưa lớn và vay vốn nước ngoài chưa nhiều nên ta chưa chịu tác động nhiều của cuộc khủng hoảng 1997-1998. Còn hiện nay độ mở của nền kinh tế khá lớn, tổng giá trị xuất nhập khẩu đã vượt quá tổng giá trị GDP. Vốn nước ta cũng phụ thuộc nhiều vào vốn nước ngoài nên kinh tế thế giới, kinh tế bên ngoài gặp khó khăn chúng ta cũng chịu tác động xấu.
- Ông có lo ngại về việc đầu tư nước ngoài rút vốn hiện nay?
- Nếu cứ để nước ngoài rút vốn nhiều và thành phong trào trong bối cảnh nhập siêu thì sẽ có khó khăn nhất định.
- Chúng ta cần có giải pháp gì đối với vấn đề này, nhất là giám sát nguồn vốn rút ra?
- Giải pháp thì cần nhưng phải đánh giá, phân tích kỹ. Cái gốc của vấn đề hiện nay là nền kinh tế thế giới đang suy yếu nên các nhà đầu tư nước ngoài phải bảo vệ quyền lợi thiết yếu của mình ở nước của họ nên phải rút vốn về để tránh đổ vỡ ở trong nước. Rút vốn về là do ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới nên ta khó có thể ép họ được. Tuy nhiên, chúng ta có thể có hai cách để khắc phục. Thứ nhất, tạo tâm lý tin tưởng cho nhà đầu tư nước ngoài bằng sự ổn định của tình hình kinh tế, tài chính. Thứ hai, phải làm tăng lợi suất của thị trường chứng khoán để nhà đầu tư nước ngoài thấy rằng rút vốn về không lợi bằng để lại ở VN. Chúng ta cũng phải chuyển hóa đồng tiền bằng cách đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ trong nước để bảo đảm thu nhập, việc làm, ngân sách và chống lạm phát.
(Theo Người Lao Động)