Một vài phụ huynh không giấu nổi ngạc nhiên, vì sự hàm ơn thông thường chỉ có một chiều từ phía người nhận học bổng. Học bổng này là một phần của chương trình "10.000 nhân tài" được tài trợ bởi chính phủ trung ương và chính quyền các địa phương, cấp cho học sinh quốc tế. Nhờ đó, các bé được hưởng nền giáo dục hàng đầu thế giới của Phần Lan, và được chu cấp toàn bộ học phí, các bữa ăn trưa tại trường và nhiều quyền lợi khác giống như học sinh bản địa. Trong tương lai, các bé sẽ được tiếp tục miễn phí đại học, mở rộng cơ hội kiếm tìm công việc hay khởi nghiệp tại đất nước hạnh phúc nhất thế giới.
Dành ra hơn 10 năm nay nghiên cứu về nền giáo dục của các quốc gia phát triển, để cùng con tìm cơ hội du học, tôi biết ơn sự hào phóng hiếm có của chính phủ cùng người đóng thuế Phần Lan. Tôi cũng biết nỗ lực không mệt mỏi của Peter nhiều năm qua, để có được sự đồng thuận trong chương trình học bổng sáng giá này. Anh phải chứng minh được hiệu quả của những đồng tiền đầu tư hôm nay để có một tương lai tốt hơn cho đất nước. Mà, tương lai vốn bất định và mơ hồ, còn chi phí thì rất thật và không hề nhỏ.
Tôi ghi nhận và biết ơn về những điều tốt đẹp đến với con. Nhưng là người cha, tôi cũng hiểu được giá trị của con trai mình, và những gì cháu có thể làm để đáp ứng kỳ vọng từ Peter cũng như đất nước Phần Lan. Hơn 16 năm có con trên đời để làm bạn, tôi hiểu được những nỗ lực của con mỗi ngày trên giảng đường, những giọt mồ hôi rơi trên sân bóng.
"Cám ơn bạn, tôi rất biết ơn vì món quà đặc biệt này", Peter trả lời tôi, trong sự ngỡ ngàng của đông đảo phụ huynh. Tôi biết đó là lời cám ơn chân thành.
Cũng giống như các quốc gia phát triển khác, nhân lực và tài năng sẽ trở thành vấn đề quan trọng nhất cho tương lai, cho nền kinh tế tri thức. Theo Viện nghiên cứu Korn Ferry, tới năm 2030 - thời điểm con tôi dự kiến tốt nghiệp đại học, thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 85,2 triệu chuyên gia, dẫn tới mất 8.500 tỷ USD cho nền kinh tế. Riêng ngành công nghệ thông tin, vốn là nền kinh tế mũi nhọn của Phần Lan, con số tương ứng là 4,3 triệu người và 445 tỷ USD trên toàn cầu. Theo chiều ngược lại, những công nhân có trình độ thấp sẽ trở nên dư thừa khi công việc chân tay dần được thay thế bởi robot. Giải pháp tối ưu khuyến nghị cho mọi chính phủ và doanh nghiệp, theo Korn Ferry, không có gì khác ngoài việc thu hút, đào tạo, và giữ chân nhân tài từ hôm nay.
Là doanh nhân thành đạt được biết tới như người đứng sau thành công của games Angry Bird cũng như nhà đầu tư của dự án đường hầm dưới biển trị giá 25 tỷ USD, nối liền Phần Lan và Estonia, với tham vọng thu hút nhân tài khắp nơi, tạo ra Silicon valley trong lòng châu Âu, hơn ai hết Peter hiểu được giá trị của nguồn nhân lực hiện tại và tương lai. Từ chính nhu cầu của doanh nghiệp, cộng với sức ảnh hưởng cá nhân toàn cầu, anh được chính phủ Phần Lan ủy quyền trong chương trình trao tặng học bổng này. Điều đó đủ để anh thực lòng cám ơn những học sinh Việt Nam, trong đó có con tôi, như những hạt giống được ươm mầm.
Có cả hai cậu con trai đều được hưởng tuổi thơ đúng nghĩa, luôn đứng ngoài cuộc đua điểm số và chưa từng là những con "mọt sách", nhưng đều giành được học bổng du học từ cấp ba, tôi thường được bạn bè tham vấn cách làm bạn cùng con. Tôi thực sự ngạc nhiên về hiệu ứng "con nhà người ta" trong phần đông bậc cha mẹ. Cỏ bên kia đồi luôn xanh, và họ luôn tìm thấy điều tốt đẹp chỉ ở con nhà hàng xóm. Mỗi đứa trẻ, với tôi, đều là duy nhất, và luôn mang trong mình những điểm mạnh vượt trội riêng có. Điểm số hay thành tích học tập tuy đáng quý, nhưng hoàn toàn không phản ánh năng lực hiện thời và khả năng thành công trong tương lai.
Truyền thống khoa bảng của Việt Nam được cộng hưởng với những hiệu ứng của mạng xã hội, của truyền thông vô hình trung đẩy cha mẹ vào một cuộc đua thành tích học tập của con. Cái giá phải trả, là thời gian, sức lực và tuổi thơ của đứa trẻ, còn những tấm huy chương gắn lên ngực cha mẹ. Sự sáng tạo cá nhân luôn được đánh giá cao nhất trong nền kinh tế tri thức lại bị bào mòn bởi sự cưỡng ép theo khuôn mẫu.
Sẽ không có hình mẫu chung nào đảm bảo sự thành công cho một đứa trẻ. Nhưng chắc chắn, để con cái tự tin bước chân ra thế giới, cha mẹ phải là người đầu tiên chấp nhận con mình như nó vốn có, kiếm tìm điểm mạnh để phát huy, và hướng con theo những giá trị mà thế giới hiện đại đang kiếm tìm. Khi đó, mỗi đứa trẻ sẽ trở thành một vốn quý thực sự, và có quyền lựa chọn những cơ hội đang mở ra trước mắt, mà suất học bổng chẳng hạn, chỉ là một bước chân đầu tiên trên con đường dài.
Ngô Trọng Thanh