Ngồi lặng lẽ ở góc sân công viên dõi theo từng động tác trượt nhảy của cô con gái đầu lòng, ông bố Nguyễn Anh Quân cho biết có 2 cô con gái song sinh đều theo học môn này. Bé lớn tên Minh Phương lúc mới sinh bị nghẹt đường thở nên ảnh hưởng đến hệ thần kinh vận động khiến nửa cơ thể bên trái rất yếu. Năm 4 tuổi bé mới tập tễnh đi được. Gia đình chạy chữa nhiều nơi nhưng kết quả cải thiện rất chậm. Suốt 8 năm qua, vợ chồng anh phải thường xuyên thay nhau đưa con đi tập vật lý trị liệu để tăng khả năng vận động, ngôn ngữ.
Minh Phương thích thú khi thực hiện thành công những pha trượt nhảy khó. Ảnh: Trần Ngoan. |
Anh Quân luôn tìm tòi nhiều tài liệu về các phương pháp điều trị chứng bệnh liên quan đến thần kinh vận động với hy vọng giúp con gái phục hồi nhanh. Một lần tình cờ ông bố trẻ đọc được nghiên cứu về tác dụng của môn trượt patin đối với sức khỏe trẻ em, đặc biệt giúp cải thiện khả năng cân bằng động, anh quyết định đầu tư cho con học môn này song song với tập vật lý trị liệu. "Chỉ cần có thể bước đi bằng đôi giày patin thì khả năng vận động của đôi chân trần sẽ vững hơn nhiều", anh tự nhủ.
Từ đó vợ chồng anh Quân mời riêng một huấn luyện viên đến nhà để dạy cho 2 cô con gái trượt patin mỗi ngày 45 phút. Ban đầu bé Minh Phương gặp rất nhiều khó khăn khi làm quen với đôi giày trượt gắn bánh xe khá nặng nên hay bị ngã. Mỗi lúc như thế, mọi người luôn ở bên động viên giúp em đứng dậy bước tiếp. Anh Quân chia sẻ: "Tôi luôn tâm niệm việc học patin với con gái không chỉ để giải trí, vận động thể thao mà còn là phương pháp vật lý trị liệu. Sợ con dễ nản chí nên tôi phải luôn theo sát và động viên".
Huấn luyện viên Nguyễn Phúc Thịnh, chủ nhiệm Câu lạc bộ Dạy trượt patin tại gia là người trực tiếp đào tạo học viên Minh Phương. Anh cho biết đối với một đứa trẻ bình thường chỉ cần vài tiếng đồng hồ tập luyện đã có thể sử dụng tốt đôi giày patin. Bé Minh Phương yếu thần kinh hệ vận động, đi lại bằng chân trần không vững thì việc gắn thêm đôi giày trượt vào chân khiến em càng khó di chuyển hơn. "Ban đầu tôi hơi ái ngại vì tình trạng sức khỏe của em rất yếu ớt, có thể bị thương do té ngã trong quá trình tập luyện. Tuy nhiên khi nghe bố cháu giãi bày nguyện vọng, tôi quyết tâm giúp em ấy", thầy giáo chia sẻ.
Để đảm bảo an toàn của con, vợ chồng anh Quân đã nhờ thầy giáo tư vấn chọn giày, đồ bảo hộ và nón bảo hiểm chất lượng nhằm hạn chế chấn thương khi tập luyện. Mấy ngày đầu, huấn luyện viên phải mất vài tiếng đồng hồ chỉ để tập cho Minh Phương đứng vững trên đôi giày. Sau đó thầy tập từng bước đi chậm rãi, nhẹ nhàng cùng các động tác cơ bản. Bản thân cô bé sau khi tập cảm thấy mệt mỏi, ê ẩm nên có chút chán nản. Nhờ sự động viên của cha mẹ, thầy giáo và em gái, sau hơn 2 tháng khổ luyện, Phương có thể đi được trên quãng đường xa và đam mê hơn. Em còn mạnh dạn chủ động rủ bạn bè tập.
Huấn luyện viên Nguyễn Phúc Thịnh hướng dẫn từng động tác cho cô học trò đặc biệt. Ảnh: Trần Ngoan. |
Từ những bước đi tập tễnh, sau 2 năm kiên trì tập luyện, đến nay Minh Phương có thể sử dụng tốt đôi giày patin và thực hiện được một số động tác trượt nhảy khó hơn. "Suốt 2 năm qua cháu có rất nhiều thay đổi. Mỗi ngày đi học về cháu đều khoe những động tác khó đã thực hiện được. Niềm vui lớn nhất của gia đình là thấy cháu ngày càng khỏe mạnh, tự tin, học hành tốt và mạnh dạn hơn trong cuộc sống", anh Quân chia sẻ.
Theo huấn luyện viên Thịnh, nhiều nghiên cứu chứng minh thể dục thể thao mang lại rất nhiều lợi ích cho trẻ, giúp cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần. Một nghiên cứu của tổ chức Perceptive Motor Skills thực hiện trên 400 trẻ từ 3 đến 5 tuổi những đứa trẻ thường xuyên vận động có cơ thể cân đối, sự nhạy bén và khả năng phối hợp tốt hơn những em chỉ tập một tiết thể dục mỗi tuần. Trẻ tập thể dục thường xuyên có chỉ số IQ cao hơn những đứa trẻ suốt ngày ngồi trong lớp. Do đó các nhà khoa học khuyên nên tập cho trẻ rèn luyện thể chất càng sớm càng tốt.
Người Việt Nam thuộc nhóm lười vận động nhất thế giới với chỉ hơn 15% người tập thể dục nhiều hơn 30 phút mỗi ngày. Tình trạng này gây ra rất nhiều hệ lụy như béo phì, bệnh tật, chậm phát triển hệ cơ, xương, khớp, đây cũng là lý do khiến người Việt lùn nhất châu Á. Để cải thiện vấn nạn này, huấn luyện viên Phúc Thịnh cho rằng cha mẹ và thầy cô nên khuyến khích trẻ vận động từ 45 đến 100 phút mỗi ngày. Thay vì chơi games, ngồi máy tính, cha mẹ hãy cùng trẻ ra ngoài chơi, xem các bạn khác nhảy aerobic, trượt patin, đá cầu, bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ... Khi đó trẻ sẽ dễ dàng bị "lôi cuốn một cách tích cực" vào các hoạt động thể chất yêu thích.
Thời gian qua, câu lạc bộ của thầy Thịnh đã đào tạo hơn 500 học viên đủ mọi lứa tuổi, từ những em bé hơn một tuổi đến các cụ trên 70 tuổi chọn môn này để cải thiện sức khỏe. Nhiều học viên bị khuyết tật vận động, béo phì, thần kinh yếu, tự kỷ đều học thành công và phản hồi tốt về hiệu quả giảm cân, bớt bệnh, năng động hơn. Sau một thời gian trượt thành thạo, học viên có thể dùng đôi giày patin như phương tiện giao thông để đến trường, đi lại trong khu xóm, thăm bạn bè... khá tiện lợi.
Huấn luyện viên lưu ý, học viên cần trang bị trang bị giày và đồ bảo hộ chất lượng tốt, vừa vặn và được giáo viên đào tạo bài bản từ đầu thì sẽ không lo bị chấn thương khi chơi patin. Đặc biệt, mũ bảo hiểm rất cần cho những bé dưới 5 tuổi, mới tập trong 3 tuần đầu và trẻ lớn khi thực hiện những pha nguy hiểm.
Một buổi tập patin của cô bé thiểu năng vận động
Trần Ngoan
tranngoan@vnexpress.net