Sau cú điện thoại của cô giáo, anh công nhân Thỏa phóng như bay đến trường. Khi đó anh, cũng như người xung quanh chỉ nghĩ cùng lắm cô con gái Hoàng Thị Linh Nhi bị gãy xương, bó bột dăm bữa nửa tháng là khỏi. Nhưng tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP HCM, gia đình cảm thấy "khó hiểu" khi mãi bác sĩ không bó bột cho con.
Một tuần sau ca mổ lấy xương xét nghiệm tế bào, bác sĩ thông con gái anh bị gãy xương dạng bệnh lý, do một khối u ở xương đùi phải.
"Vợ tôi khụy xuống nức nở. Tôi cố gắng không khóc mà nước mắt cứ chảy ra. Đầu tôi ong ong, tai ù lúc bác sĩ nói trăm người bị ung thư xương chỉ có 5 người sống. Tôi chẳng còn nạp được gì vào đầu nữa, chỉ hỏi như một cái máy: 'Thế con gái tôi sống được bao lâu?", anh Thỏa, 40 tuổi nhớ lại.
Nhưng vợ chồng anh nhanh chóng chấp nhận thực tại và quyết định truyền hóa chất luôn tối hôm đó. Lúc này điều họ lo là phải nói thế nào để con không bị sốc. Nhưng lúc này, Nhi động viên lại bố mẹ, rằng "có bệnh thì phải chữa".
Đang từ cô bé luôn học giỏi trong top 10 của khối, nay bị bệnh Nhi phải nghỉ học để đi truyền hóa chất. Đến đợt ba, em mệt không thể nhấc được cơ thể, muốn cầm bút để vẽ cũng không nổi, ăn vào ói ra, miệng đắng ngắt. Sự lạc quan, vui vẻ thường ngày của em cũng phải chịu thua bệnh tật. "Bác sĩ ơi, cháu không truyền được nữa đâu. Cho cháu về", Nhi nói.
Sau kỳ nghỉ Tết dương lịch, được bạn bè, người thân động viên, cô bé hồi lại sức và tiếp tục hóa trị. May là kết quả kiểm tra cho thấy khối u đã đáp ứng thuốc có điều, lúc này bác sĩ đưa ra phương án khả quan nhất là cắt chân.
Đó là ngày buồn nhất của cả nhà. Chị Mai Thị Liên vỗ về con gái: "Con người cần nhất là bộ óc. Giống như Nick Vujicic dù không có chân tay, hay Stephen Hawking bị xơ cứng teo cơ, vẫn trở thành những người tài giỏi". Nghe mẹ khuyên một hồi, cô bé lại mỉm cười ngay: "Thôi tàn phế miễn được sống. Sau này con cắt chân, mẹ mua cho con chân giả đẹp như chân thật để con đi".
Sự hiểu chuyện của con càng khiến anh Thỏa, chị Liên quặn lòng. Họ đi hỏi bác sĩ xem còn cách nào giữ lại chân. Bác sĩ vào gặp riêng Nhi, giới thiệu về phương pháp đặt khung kéo xương. Có nghĩa cắt đi phần xương ung thư, dùng hệ thống đinh và nẹp sắt cố định chân lại, để nuôi xương dài ra. "Phương pháp này rất đau đớn, không phải ai cũng thành công, con sẽ chỉ duỗi thẳng chứ không co được", bác sĩ nói và sau đó gọi vào một nữ điều dưỡng của bệnh viện đã lắp chân như vậy.
Nhìn thấy chị vẫn đi lại và làm việc được, cô bé đáp ngay: "Chân con được như thế này là quá tốt rồi. Bao nhiêu đau con cũng chịu được". Chính khoảnh khắc đó đã gieo niềm tin vào Linh Nhi được đứng trên đôi chân mình. Để rồi trải qua những tột cùng đau đớn, em vẫn chưa từng một lần lung lay.
Ngày 12/1/2019, Linh Nhi mổ lắp khung kéo xương. Từ lúc đó em chỉ nằm một chỗ. Chân mới giống như một lồng sắt, khiến em chỉ mặc được một ống quần, ống kia phải xẻ tận bẹn, sinh hoạt vô cùng bất tiện. Mỗi tháng, bố mẹ thay phiên chăm Nhi ở viện hơn 20 ngày, mỗi ngày phải vào 4 cữ thuốc. Tiêm truyền nhiều khiến ven "nhỏ như sợi chỉ", quanh những điểm cắm kim sưng lên tê buốt.
"Có một đêm hơn 1h sáng, hai cô điều dưỡng loay hoay chọc tới lần thứ 7 vẫn không tìm được ven. Mỗi lúc cô giơ kim con bướm chuẩn bị đâm xuống, tôi nhắm mắt, che mặt vì sợ. Thế mà Nhi thì vẫn cắn răng chịu đựng", chị Liên lạnh gáy nhớ lại.
Sau 17 tháng nằm liệt một chỗ, phương pháp này thất bại do xương bị nhiễm trùng, nếu không tháo bỏ sẽ hỏng luôn phần xương còn lại. Anh Thỏa, chị Liên tiến thoái lưỡng nan, nếu giữ chân cho con chỉ còn cách ra nước ngoài cấy xương nhân tạo. Song đồng lương công nhân của cả hai vợ chồng chỉ được 11 triệu đồng/tháng. Để chữa trị cho con họ đã phải bán mảnh đất tích cóp bao năm mới mua được và đã tiêu hết trong hơn một năm qua.
Tình cờ một ngày anh Thỏa đọc được bài báo về cô nữ sinh Lê Thị Hòa, thay xương kim loại tại Bệnh viện K Tân Triều. Hai bố con lại khăn gói ra Bắc. Tại đây chỉ trong 19 ngày, Linh Nhi trải qua hai ca đại phẫu tháo và ghép khớp gối bằng kim loại. "Sau mổ 3 ngày, Nhi đã đứng lên được. Cột mốc ấy một lần nữa gieo vào đầu con niềm tin một ngày sẽ đi lại được", anh Thỏa nói.
Song, một lần nữa chân Nhi lại bị sưng, phá ra mụn mủ. Lần này em bị nhiễm trùng sâu, ăn lên khớp háng. Để xử lý viêm xương mãn tính, cô bé tiếp tục trải qua 3 ca mổ, trong khoảng từ tháng 10/2020-1/2021 để rửa khớp kim loại bị nhiễm trùng, tại Bệnh viện Nhi đồng TP HCM. Ai nhìn em cũng thương "đứt từng khúc ruột", Linh Nhi vẫn kiên cường đến mức xin bác sĩ: "Bác cứ mổ sống cho con. Con chịu đau được".
Thực ra, cô bé ghét cảm giác thuốc mê khiến em nói sảng, cơ thể không còn phải là của mình và "em sợ mình không bao giờ tỉnh lại nữa".
Đầu năm 2021, giáo sư Trần Trung Dũng và ekip tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh (Hà Nội) đã hội chẩn quyết định thay toàn bộ xương đùi cho Linh Nhi. Nhưng trước khi đi đến ca mổ lịch sử, cô bé 15 tuổi phải phẫu thuật tháo khớp cũ.
Anh Thỏa còn nhớ như in sáng 10/3, tức là 20 ngày sau ca mổ tháo khớp - người con gái tím dần, lạnh ngắt và mất đi ý thức. Bao năm đi theo con từ Nam ra Bắc, chưa bao giờ người cha sợ hãi như lúc này. Con vào phòng cấp cứu, anh bất lực ngồi chờ 6 tiếng đằng đẵng. Lướt qua trong đầu anh là hình ảnh cô con gái với mái tóc đen dài, luôn lạc quan và chưa bao giờ ganh tỵ với ai. Lần đầu tiên người cha gục xuống khóc nức nở.
Có một thoáng chốc, anh hối hận khi nhớ đến lời chất vấn của người thân, đồng nghiệp: "Tại sao lại để cho cô gái bé nhỏ phải trải qua nhiều lần chết đi sống lại và hao tiền tốn đến vậy", "Chi phí bỏ ra có hiệu quả không?", "Con mày không chết vì ung thư mà chết vì kiệt sức đấy", "Vợ chồng mày điên cả rồi", "Làm cha kiểu gì mà suốt ngày mang con đi mổ"...
"Rất nhiều thắc mắc tôi không trả lời được. Tôi chỉ biết rằng con gái ước giữ lại đôi chân thì người làm cha như tôi sẽ làm mọi cách thực hiện ước muốn cho con", anh nói.
May mắn Linh Nhi qua cơn nguy kịch. Ngày 8/4 vừa qua, em trải qua ca mổ thay toàn bộ xương đùi. Chỉ sau 2 ngày, em đứng lên được tập đi. Các y bác sĩ đánh giá ca mổ rất thành công.
Sau mổ một thời gian, bố con Linh được xuất viện về nhà, song anh Thỏa không đưa con về vội. Ám ảnh vì những ca mổ và lần nhiễm trùng khiến anh không dám rời xa bệnh viện. Hàng ngày người cha đẩy con gái từ phòng trọ lụp xụp tới bệnh viện tập vật lý trị liệu. Thấy con tự đi dài hơn, vững hơn, chỉ số viêm ngày một giảm, người đàn ông đã dám mỉm cười.
Đêm cuối tháng 5, bố con Linh Nhi gọi điện khoe giáo sư Dũng rằng em được học sinh giỏi dù một năm học trên giường bệnh. "Nhi đã sống và giữ lại được chân. Tất cả là nhờ kiên định niềm tin vào y bác sĩ và khoa học", anh Thỏa từng giãi bày với bác sĩ Dũng trong một bữa cơm thân mật gần đây.
Ngày hôm nay, Hoàng Thị Linh Nhi đã tự đi được 500 mét. Em tin chắc ngày mai sẽ bước xa hơn. Bởi phía trước còn là ước mơ khoác lên mình chiếc áo blouse, để tái sinh nhiều cuộc đời khác...
Video Linh Nhi tập đi sau mổ:
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng.
Thêm một sự chung tay của quý vị là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước.
Mời xem thông tin về chương trình tại đây.
Phan Dương