Pháp luật lao động hiện hành không có quy định nào bắt buộc người sử dụng lao động phải tăng lương hằng năm cho người lao động.
Tuy nhiên, theo điều 103 Bộ luật Lao động năm 2019, chế độ nâng lương, nâng bậc, phụ cấp, trợ cấp và các chế độ khuyến khích đối với người lao động được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định của người sử dụng lao động.
Do đó, bạn cần xem lại nội dung trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể (nếu có) hoặc công ty có quy định nào về việc tăng lương cho người lao động; để từ đó, bạn sẽ biết chính xác việc không tăng lương là đúng hay sai.
Trường hợp có thỏa thuận về việc tăng lương cho người lao động và bạn thỏa mãn các điều kiện để được tăng lương mà công ty không thực hiện việc tăng lương như đã cam kết thì bạn nên ý kiến đến công ty để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Căn cứ khoản 1 điều 6 và khoản 2 điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, nhà chức trách sẽ phạt tiền từ 5 đến 50 triệu đồng với người sử dụng lao động là cá nhân có hành vi không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động; trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức sẽ bị xử phạt tiền gấp đôi so với cá nhân vi phạm.
Ngoài việc bị phạt tiền nêu trên, người vi phạm còn buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt theo điểm a khoản 5 điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Luật sư Phạm Thanh Hữu
Đoàn luật sư TP HCM