Theo khoản 1, 2 Điều 131 Luật Đất đai năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/08/2024) về nguyên tắc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất thì đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý. Đối với tài sản gắn liền với đất là nhà ở, công trình xây dựng được đăng ký theo yêu cầu của chủ sở hữu.
Với quy định nói trên, pháp luật không bắt buộc bạn phải đăng ký bổ sung ngôi nhà vừa xây xong vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trường hợp bạn có nhu cầu đăng ký bổ sung nhà ở vào giấy chứng nhận thì bạn nộp hồ sơ (Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản, bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...) tại Chi nhánh của tổ chức đăng ký đất đai tại nơi có đất theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 136 Luật Đất đai.
Tuy nhiên, do bạn đang thế chấp quyền sử dụng đất tại ngân hàng để vay tiền nên hiện thời bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang được ngân hàng quản lý. Bạn không thể yêu cầu ngân hàng cung cấp cho bạn giấy chứng nhận để bạn thực hiện thủ tục đăng ký biến động bổ sung nhà ở.
Do vậy, trường hợp bạn vẫn muốn đăng ký quyền sở hữu nhà ở vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì bạn chỉ có thể thực hiện sau khi đã xóa chấp. Luật không bắt buộc phải đăng ký biến động nhà ở nên sẽ không có chế tài nào được áp dụng đối với chủ sở hữu nhà ở sau khi hoàn công.
Về rủi ro, hầu hết các hợp đồng thế chấp hiện nay đều quy định tài sản được hình thành sau khi hợp đồng thế chấp được ký kết cũng được coi là tài sản thế chấp. Do vậy, trường hợp bên vay không trả được nợ đầy đủ và đúng hạn thì không những ngân hàng có quyền phát mại quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất tại thời điểm thế chấp mà còn có quyền phát mại cả các tài sản hình thành sau thời điểm thế chấp.
Để hạn chế rủi ro, người vay cần thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ trong hợp đồng tín dụng cũng như hợp đồng thế chấp để tránh việc bị phát mại tài sản, thu hồi nợ.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty luật Bảo An, Hà Nội