Theo quan điểm của tôi, một người được đào tạo bài bản tại nước ngoài, có tích lũy được một số vốn ban đầu và có dòng tiền thặng dư để tiết kiệm hàng tháng, khả năng gia tăng thu nhập và tăng trưởng tài sản cao trong giai đoạn tới là rất tích cực. Việc lập ra được kế hoạch tài chính trong dài bạn, bao gồm cả việc mua nhà và lập gia đình sẽ rất cần thiết để bạn đạt được các mục tiêu đề ra, đồng thời tăng trưởng tài sản bền vững.
Ở độ tuổi 26, bạn đang trong giai đoạn xây dựng nền tảng tài sản (20-30 tuổi). Trong giai đoạn nền tảng này, chúng ta nên tập trung phát triển chuyên môn để có sự nghiệp vững chắc và gia tăng thu nhập, đầu tư đa dạng vào các phân lớp tài sản, tận dụng đòn bẩy và quản lý chi tiêu tốt hơn. Ngoài ra, bạn cũng nên quan tâm đến đảm bảo an toàn tài chính thông qua việc xây dựng quỹ dự phòng và có bảo hiểm nhân thọ để đảm bảo cho sự ổn định trong việc tạo thu nhập và tích lũy đầu tư.
Giai đoạn tiếp theo từ 31-45 tuổi là thời điểm để tích lũy và tăng trưởng tài sản. Cùng với sự tăng trưởng về thu nhập, bạn sẽ cần gia tăng tỷ trọng đầu tư và quản trị vốn theo chu kỳ kinh tế. Xét về nhân khẩu học tài chính, bạn là người trẻ tuổi, chưa có gia đình, chưa có người phụ thuộc về tài chính, thu nhập ổn định và có sự tăng trưởng tốt trong tương lai. Bạn có khả năng chấp nhận rủi ro tốt nên có thể hướng tới mức lợi nhuận kỳ vọng vào khoảng 12-15% mỗi năm.
Giả định bạn đã có bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe, đã trích lập quỹ dự phòng có giá trị 3 tháng chi tiêu thiết yếu, chúng ta có thể xem xét chọn phương án đầu tư cho nguồn vốn đầu tư 1 tỷ đồng và thặng dư hàng tháng 50 triệu đồng như sau.
Lớp tài sản thứ nhất là bất động sản, phân khúc căn hộ hình thành trong tương lai là phù hợp. Cùng với việc phát triển chuyên môn để gia tăng thu nhập, phần thặng dư tiết kiệm hàng tháng, bạn có thể dùng như chi phí lãi vay để sử dụng đòn bẩy tài chính trong bối cảnh lãi suất rẻ như hiện tại đề đầu tư vào phân khúc căn hộ chung cư hình thành trong tương lai.
Với một căn hộ giá 4 tỷ, bạn có thể sử dụng nguồn vốn tự có và một phần tiết kiệm hàng tháng để chi trả theo tiến độ cho đến 30% giá trị căn hộ và vay 70% giá trị còn lại. Việc sử dụng đòn bẩy tài chính cho 2,8 tỷ đồng, trong 25 năm, lãi suất 7% ưu đãi trong 2 năm đầu, khoản gốc lãi phải trả hàng tháng sẽ khoảng 25 triệu đồng. Chi phí lãi vay chiếm tỷ trọng khoảng 50% thặng dư.
Ở lớp tài sản thứ hai là cổ phiếu hoặc chứng chỉ quỹ, bạn cân nhắc đầu tư tích sản khoảng 20 triệu đồng mỗi tháng. Đây là kênh tiềm năng khi thị trường chứng khoán đang ở vùng giá hấp dẫn, khả năng đạt lợi nhuận cao khi đảm bảo chu kỳ đầu tư trong 2-3 năm tới.
Khi chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc đầu tư chứng khoán, bạn nên đầu tư vào các quỹ mở. Đây là hình thức đầu tư phù hợp để bạn có thể tập trung vào phát triển chuyên môn cho mục tiêu gia tăng thu nhập và phát triển sự nghiệp.
Phần tiền còn lại, bạn có thể gửi tiết kiệm. Tuy lãi suất không vượt trội, kênh này vẫn là lớp đệm tài sản, có tính thanh khoản cao và giúp tái cơ cấu nhanh khi cần thiết.
Quá trình đầu tư và tích lũy sẽ có mức tăng trưởng vượt trội hơn nếu bạn có thể gia tăng thu nhập và thặng dư trong thời gian tới. Vận dụng chu kỳ kinh tế, khi gặp những điều kiện thuận lợi, bạn có thể chuyển đổi từ phân khúc chứng khoán sang các lớp tài sản khác có kỳ vọng tăng trưởng trong dài hạn cao hơn như bất động sản vùng ven. Chuyển đổi kịp thời các phân lớp tài sản vào các thời điểm tăng trưởng cao nhất của phân lớp tài sản đó là phương thức tối ưu hóa hiệu suất đầu tư và quản trị rủi ro tài chính.
Phương án đầu tư trên có các ưu điểm như đa dạng hóa danh mục phù hợp với nhân khẩu học tài chính, tận dụng chu kỳ tăng trưởng kinh tế của các lớp tài sản khác nhau cho mục tiêu tối ưu hiệu suất.
Gia tăng thu nhập và tích lũy đều đặn qua các kênh đầu tư đa dạng và phù hợp với chu kỳ kinh tế sẽ là cách để tăng trưởng tài sản nhanh chóng và bền vững nhất. Chúc bạn đạt mọi kế hoạch về tài chính và cuộc sống trong tương lai.
Nguyễn Minh Thành
Chuyên gia Hoạch định tài chính cá nhân
Công ty Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT