Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) vừa đề xuất ý tưởng phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) tại khu vực Hàng Xanh. Ý tưởng này xuất phát từ việc CII được Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi giao nghiên cứu từ phiên họp ngày 8/2.
Cụ thể, dự án TOD Hàng Xanh (có tài liệu nói từ đúng là Hàng Sanh) có tổng diện tích nghiên cứu khoảng 51,4 ha. Đây là khu vực sẽ có tuyến metro số 3A và metro số 5 cùng một số tuyến giao thông công cộng khác. Tổng mức đầu tư sơ bộ dự kiến khoảng 216.000 tỷ đồng, tức hơn 8,5 tỷ USD.
![](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2025/02/10/z6304350761415-aa7e93f14fea0a5-3121-5724-1739178372.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=2vabd_6NZ9N0g17HCY6PNA)
Mục tiêu CII đặt ra là giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc giao thông, tăng cường kết nối tại các khu vực trọng điểm như Hàng Xanh, ngã 5 Đài Liệt Sỹ và cầu Bình Triệu. Doanh nghiệp sẽ nghiên cứu ứng dụng giao thông xanh, giao thông số nhằm tối ưu hóa việc di chuyển và giảm thiểu tác động môi trường, triển khai phương tiện vận chuyển không người lái... Dự án hướng đến phát triển không gian đô thị ngầm, khai thác tối đa tiềm năng để tạo lập trung tâm vận chuyển công cộng, đồng thời kết nối giao thông công cộng bao gồm tuyến metro theo quy hoạch.
Song song đó, chủ đầu tư sẽ xây dựng các công trình điểm nhấn, chung cư cao tầng, mảng xanh và các công trình công cộng nhằm nâng cao tính thẩm mỹ, tiện ích đô thị. Dự án cũng phát triển các khu vực văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục, trung tâm thương mại và dịch vụ. CII sẽ thực hiện tái định cư tại chỗ cho người dân bị ảnh hưởng.
![Phối cảnh sơ bộ một phần dự án TOD Hàng Sanh (Bình Thạnh, TP HCM). Ảnh: CII](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2025/02/10/z6304350949460-03ff00e7ba1adb6-3979-5663-1739178372.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=GcbHJrD9SysIG6JumDXgbw)
Phối cảnh sơ bộ một phần dự án TOD Hàng Sanh (Bình Thạnh, TP HCM). Ảnh: CII
Đây mới là ý tưởng ban đầu và sẽ được doanh nghiệp này nghiên cứu hoàn chỉnh. Sau đó, họ sẽ báo cáo, đề xuất Sở Giao thông vận tải để tổng hợp và tham mưu cho UBND TP HCM.
Trước mắt, lãnh đạo thành phố đề nghị CII chủ động sử dụng nguồn vốn của mình để thuê đơn vị tư vấn hoàn chỉnh ý tưởng. Liên quan đến chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư, thành phố muốn doanh nghiệp đền bù theo giá thị trường, hỗ trợ sinh kế cho người bị ảnh hưởng và tái định cư tại chỗ.
Khu vực Hàng Xanh đang có các tuyến giao thông chính như Điện Biên Phủ, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Quốc lộ 13, Đinh Bộ Lĩnh hay Nguyễn Xí. Đây đều là các con đường có mật độ giao thông dày dặc, thường xuyên xảy ra nạn kẹt xe, thậm chí tê liệt vào giờ cao điểm.
CII là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực hạ tầng giao thông. Tại TP HCM, tên tuổi của công ty gắn liền với dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội giai đoạn 2, dự án đầu tư hạ tầng trong khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện trục Bắc - Nam trong khu đô thị mới Thủ Thiêm. Gần đây, họ cũng muốn tham gia đấu thầu cho dự án mở rộng đường cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận với tổng vốn sơ bộ gần 38.700 tỷ đồng.
Năm trước, doanh thu CII giảm nhẹ 1,6% về hơn 3.040 tỷ đồng. Hơn 84% đến từ hoạt động thu phí giao thông. Doanh nghiệp này còn được biết đến là chủ đầu tư của dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Nhờ giá vốn hạ bớt, lợi nhuận sau thuế cả năm vẫn tăng gần 73% lên khoảng 639 tỷ đồng.
Tất Đạt