Ngày 12/1, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam 2023.
Trong kịch bản 1, kinh tế năm nay có thể tăng trưởng 6,47%, gần sát với mục tiêu 6,5% mà Chính phủ đề ra. Ở kịch bản 2, với điều kiện kinh tế thế giới lạc quan hơn, GDP Việt Nam sẽ tăng 6,83%, cao hơn mục tiêu của Chính phủ. CIEM nhận định, nếu Việt Nam tiếp tục cải cách nhanh, tăng năng suất, kịch bản 2 có thể đạt được.
Chỉ tiêu | Kịch bản 1 | Kịch bản 2 |
Tăng trưởng GDP | 6,47 | 6,83 |
Lạm phát bình quân | 4,08 | 3,69 |
Tăng trưởng xuất khẩu | 7,21 | 8,43 |
Cán cân thương mại (tỷ USD) | 5,64 | 8,15 |
Gần đây, một số tổ chức quốc tế cũng đưa ra dự báo tăng trưởng cho Việt Nam. Cụ thể, HSBC tỏ ra thận trọng với mức 5,8%; World Bank đưa ra con số 6,3% với đánh giá Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải do hoạt động xuất khẩu sang các thị trường chính chậm lại; còn Standard Chartered lại lạc quan với mức đánh giá GDP có thể tăng đến 7,2%.
Theo CIEM, so với các năm trước, triển vọng kinh tế năm nay có thể chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố hơn như khả năng kiểm soát sự lây lan của các biến thể virus corona, các dịch bệnh mới; mức độ thắt chặt tiền tệ ở các nền kinh tế chủ chốt nhằm xử lý áp lực lạm phát; xung đột Nga - Ukraine có thể kéo dài; khả năng đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới...
Trước đó, Chính phủ cũng đánh giá, tăng trưởng kinh tế sẽ gặp nhiều thách thức trước nguy cơ suy thoái toàn cầu, còn trong nước, các yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ tăng lạm phát rất lớn, việc kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực khó khăn...
Do vậy, CIEM cho rằng, trong năm 2023, Việt Nam càng phải lưu ý các yêu cầu đổi mới để cải thiện chất lượng tăng trưởng. Theo đó, khung chính sách cho đổi mới sáng tạo cần được hoàn thiện hơn nữa, có thể thí điểm các ý tưởng, mô hình kinh doanh mới trên nền tảng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh... Cách thức cải cách cũng cần phải đổi mới quyết liệt hơn.
Đức Minh