![]() |
Bức ảnh duy nhất của Mohammad Omar. |
Ngay cả vào thời điểm quan trọng, khi hàng trăm giáo sĩ Hồi giáo họp bàn cách trả lời tối hậu thư của Mỹ (ngày 19 và 20/9), Mohammad Omar cũng không xuất đầu lộ diện mà chỉ cử người tới đọc một bài phát biểu, trong đó có đoạn: “Đất nước của chúng ta tạo nên một hệ thống Hồi giáo thực sự trên thế giới và vì lý do này, kẻ thù coi Afghanistan là cái gai trong mắt, tìm mọi cớ để tiêu diệt chúng ta. Osama bin Laden là một trong những cớ đó”.
Tuy sống ẩn dật như vậy, Omar vẫn nắm quyền lực tối cao tại Afghanistan, mảnh đất bị chiến tranh tàn phá đến mức người dân sống không khác gì thời Trung cổ. Trung thành một cách xơ cứng với đạo Hồi - đó là sức mạnh giúp ông ta tồn tại, và chính đức tin này đang thống trị đời sống nhân dân Afghanistan. Phụ nữ bị cấm đi học, cấm đi làm và phải che kín từ đầu đến chân, nhất là khi xuất hiện ở nơi công cộng. Tất cả đàn ông đều phải để râu. Tranh ảnh, âm nhạc, truyền hình và các loại hình giải trí khác đều bị cấm tuyệt đối. Hình phạt dành cho các loại tội phạm rất nghiêm khắc: Phụ nữ ngoại tình bị ném đá đến chết, người đồng tính luyến ái bị xử tử bằng cách cho tường gạch đổ đè lên người. Ăn cắp, ăn trộm bị chặt tay. Kẻ sát nhân bị gia đình nạn nhân tùy ý xử tử trước công chúng.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn (sự kiện cực kỳ hiếm hoi), Omar nói với một phóng viên Pakistan: “Chúng tôi cầm vũ khí để đạt được mục đích của cuộc thánh chiến của Afghanistan và cứu nhân dân, để họ không phải chịu đau khổ hơn nữa dưới bàn tay của bọn mujahideen”. (Mujahideen là những người từng chống lại quân đội Xô Viết, buộc Liên Xô phải rút quân về nước, sau đó chính họ lại quay ra đánh lẫn nhau trong một cuộc nội chiến bắt đầu năm 1992).
Đôi nét tiểu sử
Mullah Omar sinh năm 1959 tại làng Nodeh, ngôi làng nhỏ bé nằm gần thành phố Kandahar (nam Afghanistan), trong một gia đình nông dân nghèo. Cha ông qua đời khi ông còn nhỏ, và trách nhiệm gánh vác gia đình đổ lên vai Omar. Ông sớm trở thành giáo sĩ của làng và tự mở riêng một madrassa (trường đạo Hồi) trước khi tham gia du kích, chiến đấu chống chính phủ do Liên Xô thiết lập. Bị thương 4 lần, Omar đã mất đi mắt phải.
Phong trào Taliban của Omar, cùng một bộ máy lãnh đạo theo chủ nghĩa thuần túy (fundamentalism), ra đời trong bối cảnh nhân dân Afghanistan đang ngày càng tuyệt vọng và chán nản sau những năm chiến tranh tương tàn giữa các phe cánh du kích (tức mujahideen). Trong vòng 2 năm, các phái du kích đã tấn công nhau bằng tên lửa, khiến nhiều khu vực ở thủ đô Kabul chỉ còn là gạch vụn. Dân chúng bỏ chạy sang nước láng giềng Pakistan, còn Afghanistan biến thành những lãnh địa chiến tranh.
Theo lời đồn, vào đầu năm 1994, Omar đã tuyển mộ khoảng 30 Talib (nghĩa là sinh viên Hồi giáo), sau khi nghe tin có hai em gái nông thôn bị một viên chỉ huy du kích bắt cóc và hãm hiếp. Với 16 khẩu súng trường, nhóm này đã tấn công căn cứ của viên chỉ huy đó, trả tự do cho các cô gái và chiếm giữ một số vũ khí cùng đạn dược. Khi phong trào của ông lấy được đà, Omar đã tuyển thêm người từ các madrassa, hoạt động tại Afghanistan và vùng biên giới với Pakistan. Chuyên gia về Taliban, Ahmed Rashid, nói: “Ban đầu ông ta là một giáo sĩ bình thường, không hề có quan niệm cao siêu gì về thế giới hay viễn cảnh về một nhà nước Afghanistan trong tương lai. Khi ấy, ông ta không muốn giành quyền lực mà chỉ muốn tiêu diệt các chúa đất ở Afghanistan. Sau này, quan niệm về thế giới của ông ta mới phát triển với sự trợ giúp của bin Laden”.
Tháng 11/1994, chính phủ của Omar đã đủ mạnh để chiếm đóng thành phố Kandahar. Thành công đó có phần đóng góp không nhỏ của Pakistan, bởi nước này cũng muốn hòa bình quay về với quốc gia cùng chung biên giới phía tây của họ. Đầu năm 1995, các tay súng trẻ ngoan đạo đến mức cuồng tín của Omar đã kiểm soát một dải lãnh thổ dài tới tận miền Bắc Afghanistan. Để đạt được điều đó, Mullah Omar từng dùng một biện pháp đầy kịch tính: Ông đã lấy chiếc áo choàng linh thiêng của Thánh Mohammad khỏi đền thờ Kandahar, nơi nó được cất giữ suốt 60 năm, và xuất hiện trên nóc tòa nhà cao trong tiếng reo hò của những giáo sĩ Hồi giáo đầy phấn khích tập trung bên dưới. Kết quả của cuộc “mít tinh” đó là họ nhất trí phát động thánh chiến chống lại tổng thống Burhanuddin Rabbani. Ngày 26/9/1996, Kabul rơi vào tay Taliban.
Một trong số ít người được nhìn thấy ông đã tả Omar chẳng khác nào một con chiên khổ hạnh của Thiên Chúa giáo thời xưa, những người sẵn sàng sống trong hang động và tự bắt mình phải chịu cảnh cực kỳ thiếu thốn, tin rằng mình đang đến gần với Chúa Trời. Theo lời kể của nhân chứng may mắn đó, nhà lãnh đạo Taliban xuất hiện với đôi chân trần, mặc một chiếc áo rách rưới, dài quá đầu gối. Mắt phải của ông là một cái hốc rỗng. Một số người nhận xét rằng ông tương đối trẻ, cao lớn, có bộ râu dài, đen và chiếc khăn xếp trên đầu cũng có màu đen.
Chỉ có hai người không theo đạo Hồi từng gặp mặt Omar. Đó là đặc phái viên của LHQ tại Afghanistan, tiếp xúc với Omar hồi tháng 10/1998, và đại sứ Trung Quốc ở Pakistan, Lu Shulin, gặp nhà lãnh đạo Taliban cuối năm ngoái. Chưa một nhà báo phương Tây nào được tiếp kiến Omar. Người cha tinh thần của Taliban sống gần như tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài, chỉ giữ mối liên hệ qua Bộ trưởng Ngoại giao Wakil Ahmad Mutawakkil.
Quan hệ với bin Laden
Khi Taliban nổi lên như một lực lượng hùng mạnh trong cuộc chiến với các phe phái du kích khác, tranh giành Afghanistan, họ không thể không có sự tài trợ ít nhiều của Osama bin Laden. Bên cạnh đó, còn có tin là Mullah Omar đã cưới con gái cả của bin Laden, còn bin Laden thì cũng lấy một trong các con gái của Omar làm vợ thứ tư. Taliban luôn phủ nhận chuyện này.
Chuyên gia về Taliban, Ahmed Rashid, nói: “Hiện ông ta (Omar) phụ thuộc vào bin Laden nhiều hơn bin Laden phụ thuộc vào ông ta. Bin Laden cung cấp nào nhân lực, nào vũ khí, tiền, các mối quan hệ với những phong trào Hồi giáo trên toàn thế giới. Vì thế, trong năm qua, Omar thực sự đã trở thành một người thân tín của bin Laden”.
Tuy chính quyền trung ương đóng ở thủ đô Kabul, nhưng chẳng mấy khi Omar rời thành phố Kandahar. Tại đây, ông sống trong một căn nhà lớn, nghe đồn là do bin Laden xây tặng bố vợ “kiêm” con rể. Lại cũng có tin đồn là Omar và bin Laden vẫn duy trì liên lạc hằng ngày qua điện thoại vệ tinh, đôi khi còn đi câu cá với nhau.
Mấy tháng trước đây, Mullah Omar có nói với phóng viên người Pakistan, Rahimullhah Yousifzei, nhà báo đầu tiên được phỏng vấn ông, rằng trong đời mình, ông đã chứng kiến một nửa đất nước Afghanistan bị tàn phá. Bây giờ Omar thà thấy nửa lãnh thổ còn lại tan tành còn hơn giao nộp bin Laden cho phương Tây.
Theo dòng sự kiện
- Vì sao Taliban bảo vệ bin Laden? (20/9)
- Sự nghiệp của Taliban ở Afghanistan (19/9)
- Osama bin Laden là ai? (18/9)
- "Phụ nữ chịu thân trâu ngựa ở Afghanistan" (6/5)
Đoan Trang (theo BBC, Reuters)