Tác phẩm do nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng, dựa trên chuyện đời, tình yêu của Xuân Quỳnh từ khi 18 tuổi, là diễn viên múa xinh đẹp. Cô yêu, kết hôn nhạc công Trọng Khoa (nguyên mẫu: Lưu Tuấn) và có với nhau một con trai.
Sau khi ly hôn, nữ sĩ đến với Đăng Dương (nguyên mẫu: Lưu Quang Vũ). Cuộc sống cả hai gặp nhiều khó khăn nhưng luôn tràn ngập tiếng cười. Đăng Dương dần thành công trong nghề, thường xuyên đi công tác xa và được nhiều bóng hồng ngưỡng mộ. Lúc này, bệnh tim của Xuân Quỳnh tái phát, phải nhập viện. Nữ sĩ bắt đầu tự vấn về cuộc đời, ước mơ và tình yêu đích thực trong đời.
Phó giám đốc nhà hát Cao Ngọc Ánh nói: "Nhà hát Tuổi trẻ là nơi Lưu Quang Vũ từng gắn bó nên có nhiều tác phẩm về nhà thơ được dàn dựng. Năm nay, chúng tôi muốn mạo hiểm khai thác về cuộc đời và tình yêu của Xuân Quỳnh. Chúng tôi kết nối chuyện tình với các bài thơ của họ trở thành vở nhạc kịch".
Cao Ngọc Ánh cho biết êkíp mất hơn một năm chuẩn bị cho tác phẩm. Họ tái hiện hình ảnh Xuân Quỳnh hài hước, táo bạo và cũng rất trong sáng, nhân văn. Ngoài ra, đạo diễn khai thác mối quan hệ của nữ sĩ và chồng đầu - nghệ sĩ violin Lưu Tuấn. Cả hai đến với nhau vì tình yêu rồi xa nhau do khác biệt quan điểm sống. Khi gặp Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh yêu "ngay cả khi chết đi rồi".
Nhà hát Tuổi trẻ tổ chức nhiều đợt tuyển chọn diễn viên với hơn 300 hồ sơ tham dự. Trải qua nhiều vòng thi, 30 gương mặt được chọn đóng Sóng, trong đó Xuân Quỳnh do Thu Thảo thủ vai, ca sĩ Lê Việt Anh đóng Đăng Dương.
Thu Thảo cho biết đọc, tìm hiểu nhiều tư liệu để hiểu và hóa thân trọn vẹn nhân vật. Cô nói: "Trong nhạc kịch, nghệ sĩ phải kết hợp hài hòa kỹ năng diễn xuất, hát, nhảy nên tôi gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi cũng gặp trở ngại do dịch bệnh, nhiều khi phải tập online nhưng cả êkíp luôn nỗ lực để đạt hiệu quả tốt nhất".
Về phần âm nhạc, 20 ca khúc được nhạc sĩ Tường Văn, Minh Đạo sáng tác dựa trên các tác phẩm nổi tiếng của Xuân Quỳnh như Sóng, Nếu ngày mai em không làm thơ nữa, Tự hát, Dẫu em biết chắc rằng anh trở lại... Nhạc sĩ giữ nguyên 90% lời thơ để nói lên tiếng lòng nhân vật, đồng thời tạo sự gần gũi với những người yêu thơ của nữ sĩ. Những bức thư tình của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ cũng được lồng ghép vào nhạc kịch, tạo không khí lãng mạn.
Hình tượng thuyền và biển được khai thác tối đa để khắc họa những thăng trầm trong cuộc đời thi sĩ. Đạo diễn Nguyễn Triều Dương cho biết như thuyền ra biển, Xuân Quỳnh phải gặp Lưu Quang Vũ thì cuộc đời mới trọn vẹn. Thuyền và biển tựa tri kỉ, thấu hiểu, gắn kết bên nhau. Lời thơ thể hiện: "Chỉ có thuyền mới hiểu/ Biển mênh mông nhường nào/ Chỉ có biển mới biết/Thuyền đi đâu, về đâu"... Êkíp sử dụng công nghệ và đạo cụ sân khấu để hình tượng hóa nhằm thể hiện rõ nét. Ca khúc Thuyền và biển được phối lại như lời kể chuyện, tâm tình.
Nữ sĩ Xuân Quỳnh (1942-1988) nổi tiếng với bài Thuyền và biển, Sóng, Thơ tình cuối mùa thu, Tiếng gà trưa..., tập thơ Hoa dọc chiến hào, Lời ru trên mặt đất, Sân ga chiều em đi, Hoa cỏ may, Tự hát... Nhà thơ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017.
Lưu Quang Vũ (1948-1988) là nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch tài hoa. Tên tuổi của Lưu Quang Vũ gắn với nhiều tác phẩm sân khấu giá trị như: Hồn Trương Ba da hàng thịt, Tôi và chúng ta, Mãi mãi tuổi 17, Nàng Sita...
Hiểu Nhân