Nam Cao (1915 - 1951) là một cây bút hiện thực, một nhà báo kháng chiến nổi bật của văn chương Việt thế kỷ 20. Bên cạnh những tác phẩm viết về người nông dân nghèo (Lão Hạc, Chí Phèo...), Nam Cao có những tiểu thuyết xoay quanh đề tài người trí thức. Kỷ niệm 100 năm sinh của tác giả, nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt hai ấn bản tiểu thuyết Sống mòn và tập truyện ngắn Đôi mắt.
Được xem là tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn, Sống mòn đề cập đến người trí thức trong thời đại cũ. Tác phẩm đưa ra hình tượng văn nghệ sĩ nhiều khát khao, giàu lý tưởng nhưng cuộc sống mòn dần bởi mối lo cơm áo. Nhân vật "giáo Thứ" là điển hình cho bi kịch của trí thức cách đây hơn nửa thế kỷ. Kiếp sống mòn của ông thể hiện sự day dứt của những con người không chấp nhận một cuộc đời vô nghĩa, "giấc mơ hẹp", mà luôn hướng tới cuộc sống "với đầy đủ giá trị của sự sống".
Sống mòn ban đầu có tên "Chết mòn", được tác giả viết xong năm 1944 nhưng tới năm 1956 mới được in, khi đó tác giả đã qua đời. Ấn bản Sống mòn lần này in theo bản năm 1977 của Nhà xuất bản Văn học.
Tập Đôi mắt tuyển chọn những truyện ngắn, bút ký đặc sắc của Nam Cao sau cách mạng tháng Tám như Đôi mắt, Ở rừng, Trên những con đường Việt Bắc, Từ ngược về xuôi... Các tác phẩm này phản ánh đời sống hiện thực và nói lên nhân sinh quan của tác giả về đời sống, nghệ thuật, quan điểm sáng tác. Trong đó, Đôi mắt là truyện ngắn để lại nhiều dấu ấn của Nam Cao. Tác giả xây dựng hai nhân vật chính Hoàng và Độ với hai cách nhìn nhận về người nông dân, cuộc kháng chiến trái ngược nhau. Qua đó, Nam Cao khái quát vấn đề mang tính thời đại của văn nghệ sĩ - cách nhìn cuộc sống và sống hòa mình vào thời cuộc.
Y Nguyên