Hôm 25/8, công nương Matte - Marit Tjessem Hoiby đã chia sẻ lên mạng xã hội Instagram một bức ảnh selfie ngọt ngào, đánh dấu 20 năm ngày cưới. Trong ảnh, cô tựa vào vai chồng, cả hai cùng mỉm cười, với chú thích ngắn gọn "20 năm", kèm biểu tượng trái tim màu tím.
Tài khoản Istagram của gia đình hoàng gia Na Uy cũng chia sẻ một số hình ảnh của họ bên các con, hình ảnh trong lễ cưới từng trở thành đề tài bàn tán của người dân trong nước và thế giới.
Năm 2000, thái tử Haakon tuyên bố đính hôn với cô gái thường dân tên Mette-Marit Tjessem Hoiby. Lập tức, "lý lịch trích ngang" của cô gái 28 tuổi này được phơi bày trên mặt báo. Hồi đó, Mette-Marit là mẹ đơn thân, làm nghề hầu bàn, từng tham dự những bữa tiệc ma túy. Cô có con trai bốn tuổi với một người đàn ông bị kết tội bạo lực, lái xe khi say rượu và tàng trữ ma túy.
Cô gái sinh ra ở Kristiansand ở miền nam Na Uy, thừa nhận đã sống buông thả sau khi hôn nhân của cha mẹ tan vỡ và cha cô kết hôn với một cô gái từng là vũ nữ thoát y trẻ tuổi.
Mette-Marit lần đầu gặp hoàng tử tại Quart - lễ hội âm nhạc lớn nhất Na Uy, qua một người bạn chung. Sau đó vài năm, hai người yêu nhau, rồi dọn về sống chung trong một căn hộ ở Oslo. Thái tử trở thành người hoàng gia châu Âu đầu tiên sống chung với bạn gái khi chưa kết hôn. Hành động này bị những người bảo thủ và nhà thờ chỉ trích nặng nề.
Thời đó, một nửa số con đầu lòng ở Na Uy được sinh ra bởi các bà mẹ đơn thân. Các cuộc thăm dò cho thấy hầu hết người dân không quan tâm đến việc Matte - Marit là mẹ đơn thân hay chuyện họ sống cùng nhau trước khi kết hôn. Có điều hầu hết người dân phản đối gay gắt việc sử dụng ma túy.
Tuy nhiên, cha mẹ của thái tử Haakon ủng hộ mối quan hệ này. Trong quá khứ, cha anh, vua Harald phải dành chín năm mới thuyết phục được ông nội (vua Olav V) cho phép kết hôn với bà Sonja Haraldsen - là một thường dân.
Hoàng hậu Sonja Haraldsen cho biết, ban đầu bà thấy kỳ lạ khi con trai mình muốn kết hôn với một phụ nữ đơn thân. "Nhưng khi quen cô ấy, tôi không thấy điều đó là vấn đề", người mẹ nói.
Trước đám cưới vài ngày, trong một cuộc họp báo, công nương tương lai của Na Uy đã công khai xin lỗi về "quá khứ hoang dã". "Đó là trải nghiệm khiến tôi phải trả giá đắt, mà mất một thời gian dài để vượt qua", cô nói. "Tôi không thể thay đổi quá khứ, dù tôi ước là mình có thể", Mette-Marit tiếp tục hối lỗi và cho biết, nhân cơ hội này muốn lên án ma túy.
Haakon nói sau lời thú nhận của vợ sắp cưới: "Không có gì lạ khi tôi yêu cô gái này. Những gì chúng tôi tìm thấy ở nhau bền chặt đến nỗi tôi không thể từ bỏ", thái tử tuyên bố khi ngồi cạnh Mette -Marit.
Truyền thông Na Uy cũng ca ngợi sự dũng cảm của cô vì dám thừa nhận lỗi lầm. Trong một cuộc thăm dò với 509 người xem do Verdens Gang thực hiện sau lời thú nhận, 70% nói rằng Matte - Marit Tjessem Hoiby phù hợp để trở thành nữ hoàng của Na Uy.
Trong lễ cưới năm 2001, hàng nghìn người dân đã tập trung tại thủ đô Oslo để chúc mừng cuộc hôn nhân hoàng gia. Đôi tình nhân được giám mục Gunnar Staalseth tổ chức lễ cưới, với các khách mời bao gồm hoàng gia từ sáu quốc gia châu Âu khác - Vương quốc Anh, Hà Lan, Bỉ, Tây Ban Nha, Đan Mạch và Thụy Điển.
Cô dâu mặc một chiếc váy màu trắng ngà giản dị và tinh tế do Ove Harder Finseth thiết kế. Cô mang theo một bó hoa hiện đại nổi bật, được tạo hình thành một dải cánh hoa tự tay thiết kế. Đám cưới được tổ chức với những nghi thức hiện đại kết hợp truyền thống. Thái tử Haakon đợi cô dâu của mình ở cửa nhà thờ, sau đó anh và Mette-Marit cùng nhau bước xuống lối đi. Con trai bốn tuổi của cô, Marius, xuất hiện trong lễ cưới.
"Bạn đã không chọn con đường dễ dàng nhất, nhưng tình yêu đã chiến thắng," vị giám mục nói khi tuyên bố Matte - Marit và thái tử Haakon là vợ chồng.
Sau đám cưới, Mette-Marit đã cố gắng tiếp tục học lên cao hơn và tham gia các khóa học từ nhiều tổ chức khác nhau. Trong số các khóa học của cô có đạo đức tại khoa Khoa học Xã hội và Khoa Nhân văn tại Đại học Oslo, các khóa học tại trường Nghiên cứu Phương Đông và châu Phi thuộc Đại học London và Cơ quan Hợp tác Phát triển Na Uy, nơi cô tập trung vào các vấn đề liên quan đến HIV/AIDS. Công nương Mette-Marit sau đó lấy bằng thạc sĩ vào năm 2012.
Năm 2006, cô trở thành đại diện đặc biệt của tổ chức UNAIDS (Chương trình Phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS). Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) vinh danh cô là Lãnh đạo trẻ toàn cầu vào năm 2010.
Håkon Kavli, một nhà khoa học chính trị ở Na Uy, cho biết: "Kể từ khi kết hôn, cô ấy đã hoàn thành tất cả các nhiệm vụ chính thức của mình theo ý thích của hầu hết người Na Uy". Kavli cho biết cuộc thăm dò cho thấy hơn một phần ba người Na Uy nghĩ rằng công nương là hình mẫu tốt cho giới trẻ.
Thái tử Haakon sau kết hôn cũng trải qua khóa đào tạo với chương trình ngoại giao của Bộ Ngoại giao Na Uy vào năm 2001, lấy bằng thạc sĩ về Nghiên cứu Phát triển tại trường Kinh tế London.
Năm 2004, họ đón con gái đầu lòng - công chúa Ingrid Alexandra. Con trai của họ, hoàng tử Sverre Magnus, sinh năm 2005. Thái tử Haakon là cha dượng của Marius Borg Høiby, con trai riêng của công nương. Marius không được thừa kế ngai vàng, nhưng cha dượng công nhận cậu là thành viên hoàng tộc.
Nhật Minh (Theo CNN/royalcentral/ABC News)