Chinh phục mức tạ 181kg nhưng Lê Văn Công chưa chắc giành HC vàng ở hạng 46kg nam. Đối thủ của anh, Qarada Omar, cũng đăng ký mức tạ tương tự. Nếu thành công, đô cử người Jordan sẽ giành chiến thắng chung cuộc nhờ trọng lượng cơ thể nhẹ hơn.
Khi Omar bước vào lần cử quyết định, Văn Công ở bên trong phòng đợi để theo dõi qua màn hình tivi. Cách đó nửa vòng trái đất, vợ và con trai anh cũng như nín thở. “Lúc đó, tim tôi như ngừng đập rồi khi đối thủ không nâng được mức tạ cuối cùng, tôi đã nhảy lên sung sướng”, chị Chu Thị Tám chia sẻ với VnExpress. “Tôi và con trai đã thức khuya để theo dõi anh ấy thi đấu. Cả hai mẹ con sau đó ôm nhau khóc”.
Sau đó khi chắc chắn giành HC vàng ở mức 181kg, Văn Công còn chinh phục luôn mức 183kg để phá kỷ lục thế giới. Tuy nhiên, ở lần cử thứ hai trước đó, lực sĩ của Việt Nam thất bại ở mức 179kg. “Dù vậy tôi vẫn nhủ thầm và có niềm tin rằng anh ấy sẽ thành công ở mức tạ cao hơn. Và mọi chuyện quả đúng như vậy. Anh ấy là một người bản lĩnh và luôn biết vượt khó đúng lúc”, chị Tám chia sẻ thêm.
Sau khi mang về cho Việt Nam tấm HC vàng Paralympic đầu tiên trong lịch sử, đô cử sinh năm 1984 đã nhắn tin về cho vợ: “Em báo tin với hai con, ba đã giành HC vàng rồi”. Anh cũng không quên dặn vợ con ngủ sớm vì lúc đó đã gần 2h sáng ở Việt Nam.
Lê Văn Công rời miền quê nghèo Hà Tĩnh vào TP HCM lập nghiệp từ năm 2005 với khát vọng chiến thắng số phận. Anh tham gia CLB hướng nghiệp khuyết tật trẻ rồi được giới thiệu vào CLB cử tạ quận Tân Bình. Anh bén duyên với cử tạ từ đây. Chị Chu Thị Tám cũng từ Nghệ An vào miền Nam học tập và sinh sống năm 2006. Rồi duyên số đưa hai con người xa quê ấy đến với nhau. “Chúng tôi quen nhau trong một dịp tình cờ, khi Công cùng bạn đến chơi với một người bạn của tôi”, chị tiết lộ. “Tôi quý anh ấy ngay từ lần gặp đầu tiên. Anh ấy nhìn thật thà, hiền lành, điềm đạm nhưng đầy nghị lực”.
Là một người bình thường nên khi quen người thiếu may mắn như Lê Văn Công, chị Tám bị gia đình ngăn cản dữ dội. Bố mẹ còn bắt chị về quê để "ly gián". Vượt mọi trắc trở và ngăn cấm, chị cuối cùng cũng thuyết phục được gia đình để đến với anh Công. “Có lẽ là do duyên phận nên chúng tôi đã nên duyên vợ chồng. Bố mẹ tôi sau này thương anh ấy còn hơn cả tôi”, chị cười chia sẻ.
Anh chị kết hôn năm 2008 và hiện tại có hai con, với cậu bé đầu đang học lớp một và cô con gái sau mới sáu tháng tuổi. Năm 2014, họ đã rời căn phòng trọ chật chội ở TP HCM để đến với ngôi nhà khang trang ở huyện Đức Hoà, tỉnh Long An bằng số tiền dành dụm bấy lâu nay của hai vợ chồng.
“Chúng tôi cũng muốn ở TP HCM để tiện cho anh Công tập luyện, thi đấu và con cái có điều kiện học hành nhưng vì không đủ kinh phí nên mới mua nhà đất ở xa”, chị Tám cho biết. “Mỗi lần đến các giải đấu lớn anh Công đều lên Sài Gòn tập huấn cả tuần. Chủ nhật anh tranh thủ về chơi với con một lúc rồi lại đi”.
Ngoài thời gian tập luyện và thi đấu, rảnh rỗi Văn Công chỉ ở nhà với vợ con. Từng học nghề điện tử hồi mới vào TP HCM nên anh còn nhận thêm việc sửa chữa máy móc để có thêm thu nhập hoặc giúp đỡ bà con trong thôn xóm. Dù đi lại khó khăn, ai cần vào bao bì hay thuê làm các việc lao động bằng tay anh cũng không nề hà.
Trước khi giành tấm HC vàng lịch sử ở Brazil, Lê Văn Công đã đoạt HC bạc toàn quốc 2005, HC vàng châu Á 2007, HC bạc giải vô địch cử tạ thế giới 2007, HC vàng Para Games 2009, 2014, HC bạc thế giới tháng 2014, HC vàng Đại hội thể thao châu Á 2014, HC vàng châu Á 2015.
Tối 8/9 (theo giờ Hà Nội), đô cử Lê Văn Công mang về chiếc HC vàng đầu tiên cho đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Paralympic 2016 ở nội dung cử tạ hạng 49kg nam. Thành tích mà lực sĩ này giành được là 183kg đồng thời phá kỷ lục Paralympic và kỷ lục thế giới. Người đoạt HC bạc ở là Omar Qarada (Jordan) và Tunkel Nando (Hungari) giành HC đồng. |
Đức Đồng