Lê Văn Công sinh ra với đôi chân bị teo tóp - di chứng từ việc mẹ bị sốt xuất huyết trong lúc mang thai. Khuyết tật cơ thể cùng hoàn cảnh gia đình nghèo khó ở Hà Tĩnh khiến Công thuở nhỏ sống khép kín và ít khi tiếp xúc người ngoài. Dù vậy, chàng trai này rất chăm học và thương bố mẹ.
"Chân yếu thì còn tay, tôi nghĩ phải làm gì đó để phụ cha mẹ chứ không thể sống chỉ biết ăn bám", Công từng có lần chia sẻ như vậy về quyết định thay đổi số phận của anh.
Ý thức được được câu nói “tàn nhưng không phế”, ở tuổi đôi mươi Công quyết định vào miền Nam để thay đổi cuộc sống. Tại TP HCM, ban đầu anh xin vào học sửa chữa điện tử ở trường dạy nghề cho người khuyết tật. Một thân một mình nơi đất khách quê người lại tàn tật, chàng trai giàu nghị lực này vừa học, vừa đi làm thêm (đánh giấy nhám ở xưởng mộc) để tự nuôi sống.
Ra trường, Công đi xin việc nhiều nơi nhưng không ai nhận vì khuyết tật cơ thể. "Không còn cách nào khác, tôi đành phải đi tìm việc khác với thù lao ít ỏi. Như chỉnh sửa hình ảnh vi tính, và thậm chí là đánh văn bản với thù lao chỉ… 200 đồng trên hai mặt giấy", VĐV người Hà Tĩnh kể lại về những tháng ngày khó khăn.
Nhưng những công việc ấy lại vô tình giúp Công bén duyên với cử tạ về sau. "Do chân bị teo, mọi hoạt động đều bằng tay nên bắp tay tôi rất to và được nhiều người giới thiệu tập thể thao tại Trung tâm TDTT quận Tân Bình", anh kể. Ban đầu, Công chọn môn điền kinh để tập nhưng với đôi tay săn chắc, HLV Nguyễn Hồng Phúc đã chuyển anh sang chơi cử tạ. Chỉ sau một thời gian ngắn làm quen với môn này, Công đã gặt hái thành quả đầu tiên: chiếc HC bạc giải quốc gia 2005.
Sau đó, thành tích liên tục đến với anh như HC vàng châu Á 2007, HC bạc thế giới 2007, HC vàng Para Games 2009, 2014, HC bạc thế giới tháng 2014, HC vàng Đại hội thể thao châu Á 2014, HC vàng châu Á 2015.
Bảng vàng thành tích này có lẽ còn dày hơn nếu anh không bị tai nạn xe máy, dẫn đến chấn thương khớp vai năm 2011 và phải nghỉ thi đấu ba năm. Tuy nhiên, bằng nghị lực phi thường, Công đã trở lại để trở thành nhà vô địch thế giới, và viết nên trang sử mới cho thể thao người khuyết tật Việt Nam.
"Văn Công ít nói nhưng lại là người thật thà, dễ mến, gần gũi", HLV Nguyễn Hồng Phúc nói về học trò. "Tuy nhiên khi vào thi đấu, em lại rất máu lửa, chơi hết mình và nhiều lúc phấn khích đến… khùng khùng". Cũng chính nhờ nghị lực vượt lên số phận, thật thà và chất phác, lực sĩ sinh năm 1984 đã tìm được cho anh người bạn đời - chị Út Tám.
Sau nhiều năm sống nhà trọ, vợ chồng Văn Công mới đây đã mua được căn nhà ở giáp ranh TP HCM bằng số tiền anh dành dụm trong sự nghiệp thi đấu. Tổ ấm ấy đang có người vợ hiền cùng hai đứa con "đủ nếp đủ tẻ" chờ đợi anh về với tấm HC vàng lịch sử.
Tối 8/9 (theo giờ Hà Nội), đô cử Lê Văn Công mang về chiếc HC vàng đầu tiên cho đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Paralympic 2016 ở nội dung cử tạ hạng 49kg nam. Thành tích mà lực sĩ này giành được là 183kg đồng thời phá kỷ lục Paralympic và kỷ lục thế giới. Người đoạt HC bạc ở là Omar Qarada (Jordan) và Tunkel Nando (Hungari) giành HC đồng. |
Đông Huyền