Đến bây giờ, sau gần hai năm, người dân xóm Mới Lập vẫn chưa quên đám cưới của cô gái Lộc Thị Phương với chàng trai người Thụy Sỹ, đón dâu bằng xe công nông vì trời mưa khiến con đường đất đỏ trở nên rất dính, sinh lầy và trơn trượt.
Nhờ học giỏi, Phương là đứa con duy nhất được học đại học trong gia đình người Thái có 5 con ở xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn. Tính tự lập của cô gái này khiến chồng cô, anh Julien cảm mến ngay lần đầu gặp năm 2015, trong chuyến du lịch Đà Lạt, còn Phương là quản lý một khách sạn.
"Lần gặp đầu, vì biết tôi sẽ mời nước nên cô ấy đã mang đến bánh mỳ", Julien, 39 tuổi, kể. Buổi trò chuyện đầu tiên của hai người tràn ngập tiếng cười khi Julien kể những kỷ niệm bi hài lần đầu đến Việt Nam còn Phương cũng không ngại bộc bạch về thời sinh viên lăn lộn vừa học, vừa làm, vừa trau dồi ngoại ngữ. Sau buổi hẹn ngắn ngủi, cả hai đều cảm thấy quen thân từ lâu.
Là một kỹ sư IT tự do, anh có thể làm việc ở bất cứ đâu nên hai tháng sau, Julien xin gia hạn visa và quyết định tỏ tình với cô gái Việt.
Ấn tượng đầu thường nhanh chóng phai nhạt, để bên nhau lâu dài là cả một quá trình tin tưởng và sẻ chia. Tình yêu của chàng trai Thụy Sĩ và cô gái dân tộc Thái đã đi qua vô vàn khó khăn.
Mới yêu không bao lâu thì bố của Phương phát hiện bị ung thư giai đoạn cuối. Gia đình thuần nông, đồng lương làm bảo vệ công ty sữa của ông cũng bị chặt đứt. Cùng lúc này Phương mất việc, trong khi vẫn phải lo cho em trai học nghề. Julien biết chuyện, đã chủ động hỗ trợ để bố của bạn gái được nhập viện điều trị.
Bớt được một nỗi lo, đôi trẻ dắt nhau ra Phú Quốc tìm việc. Những ngày tháng 6 nắng chang chang, Julien chở Phương đi rải hồ sơ khắp nơi. Sau hai tháng thất nghiệp Phương cũng tìm được công việc trợ lý giám đốc và tự chủ được kinh tế cho gia đình.
Mùa thu năm 2017, bố Phương bị bệnh viện trả về. Cô con gái cũng xin nghỉ việc để về bên ông. Những ngày đó, Julien gọi video về mỗi ngày. Anh cũng khóc theo mỗi lúc thấy cô kìm nén chứng kiến cơn đau của cha, rồi khóc một mình sau chái nhà. Hôm cha bạn gái qua đời, Julien định về ngay để động viên Phương, nhưng lo ngại mình thành tâm điểm chú ý, nên xong lễ 3 ngày, anh tự tìm đường về nhà trong sự ngỡ ngàng của tất cả. Hóa ra anh đi bộ suốt quãng đường 5 km để vào nhà. Dù không hiểu văn hóa tang lễ, cũng không rành tiếng Việt, chàng trai ấy khiến người dân quê quý mến vì chẳng nề hà việc gì.
Lo xong việc của cha, Lộc Thị Phương trở lại Phú Quốc, quyết định mở công ty du lịch. Vẫn là Julien đồng hành cùng cô đi phát tờ rơi quảng cáo tour khắp các đường phố và trong những resort. Khi đi đạp xe thể dục, anh cũng in tờ rơi dán trên balô để người ta nhìn thấy. Lúc công ty chính thức được nhiều khách hàng và resort biết đến, anh hỗ trợ Phương làm website. "Một phần nhờ có anh, tôi trau dồi thêm phong cách làm việc chuyên nghiệp", Phương nói.
Chính trong quá trình theo đuổi sự nghiệp, Julien càng nhìn rõ năng lực và ý chí của cô gái mình đã chọn. Phương có nhiều kinh nghiệm trong mảng khách sạn, nhưng non nớt trong mảng lữ hành. Để lấp đầy những thiếu sót, ban ngày cô làm việc, gặp gỡ khách hàng, ban đêm thức khuya học thêm về tour, về điều hành và cạnh tranh giá. Cô tạo nét riêng cho công ty mình bằng cách mang bản sắc Việt Nam đến khách quốc tế. Trong tà áo dài, Phương truyền tải nếp sống sinh hoạt, văn hóa ăn ở, hôn nhân, ma chay cưới hỏi, cũng như sự đa dạng dân tộc ở Việt Nam, đa dạng ẩm thực giữa các vùng miền... Bước ngoặt trên đường khởi nghiệp là lúc cô ký được hợp đồng chính thức với một resort 5 sao, chuyên cung cấp tour cho khách của họ.
Khi tự tin đã có sự nghiệp của mình, cô gái Việt nhận lời về thăm quê bạn trai. Trong 3 tháng ở đây, Julien dẫn cô đi chơi khắp các danh thắng. Một đêm, anh bảo: "Ngày mai chúng mình sẽ đi chơi xa". Phương càng gặng hỏi mà anh càng tỏ ra bí mật. Mờ sáng hôm say, họ bắt tàu đến thành phố Lausanne. Trong một sân bay nhỏ với các mô hình máy bay, ôtô, Julien dắt cô đến một chiếc trực thăng và nói: "Hôm nay anh sẽ đưa em đi ngắm dãy núi Apls huyền thoại".
Ba tiếng đồng hồ, đôi uyên ương cùng nhau ngắm phong cảnh, thiên nhiên Thụy Sỹ biến hóa từ khi ánh mặt trời ló rạng, sương tan đến khi chỉ còn lại màu xanh trong vắt của trời và hồ nước, màu trắng của những ngọn núi tuyết. "Đây cũng là lần đầu tiên tôi biết Julien có thể lái máy bay. Lúc về, anh ấy đã cầm lái một đoạn đường dài", Phương chia sẻ.
Mây trời và gió lộng khiến cô cứ ngỡ đây là màn cầu hôn của Julien, nhưng không phải. Mấy hôm sau, khi đưa Phương về thăm trường đại học của mình, cảm xúc dâng trào và lời cầu hôn mới được cất lên: "Kia là anh của thời đi học non trẻ và đây là anh ngày nay trưởng thành, chín chắn và trở thành phiên bản tốt hơn. Cảm ơn em và khoảng thời gian chúng ta bên nhau. Em đồng ý cưới anh chứ?".
Tháng 8/2019, đôi uyên ương tổ chức lễ cưới ở Việt Nam, theo phong tục của người Thái. Đúng hôm đón dâu, trời mưa khiến con đường đất đỏ sinh lầy và trơn đến mức "không thể đi nổi". Nhà trai đã phải thuê xe chiếc xe công nông chở nông sản để đến được nhà gái. Bà mẹ chồng Tây mang đến một đôi vòng bạc tặng mẹ cô dâu để đền đáp công sinh thành dưỡng dục. Chứng kiến nghi thức thắp nhang trước bàn thờ tổ tiên, nhà trai cảm thấy long trọng và ý nghĩa. "Việc uống rượu gạo trong tiệc cưới và việc mọi người cùng nhau tụ họp lại nấu nướng cũng là một điều lạ lẫm, thú vị với nhà chồng tôi. Họ thi nhau chụp ảnh, tận hưởng nền văn hóa đặc sắc mà họ chưa bao giờ được chứng kiến. Mãi đến bây giờ họ còn nói đây là đám cưới đăc biệt ấn tượng và vui nhất mà họ từng tham gia", Phương chia sẻ.
Ngày hôm nay, con đường đất vẫn còn đó nhưng ngày về nhà của Phương không còn đơn độc nữa. Nắm tay cô là chồng và trong lòng vợ chồng cô là cặp song sinh mang dòng máu Việt - Thụy Sỹ...
Xem thêm ảnh về hành trình tình yêu của Phương và Julien.
Phan Dương