Sài Gòn là đội đầu tiên thay ngựa giữa dòng tại V-League mùa này. Họ sa thải HLV người Nhật Bản Shimoda Masahiro, đưa HLV phó Phùng Thanh Phương sau vòng 6. Kế đến, Hà Nội đổi ghế HLV những hai lần, khi "công thần" Chu Đình Nghiêm rút lui, để HLV Hoàng Văn Phúc tạm quyền hai trận cho đến khi HLV người Hàn Quốc Park Choong-kyun nhậm chức chính thức.
Sau vòng 9, lần lượt Bình Dương rồi Hà Tĩnh cũng thay tướng, với việc các HLV Phan Thanh Hùng, Phạm Minh Đức xin nghỉ, nhường chỗ cho các ông Nguyễn Thanh Sơn, Nguyễn Thành Công. Tới hết vòng 11, SLNA chia tay HLV Ngô Quang Trường, đôn HLV phó Nguyễn Huy Hoàng lên. Và Đà Nẵng là đội mới nhất theo xu thế này khi HLV Lê Huỳnh Đức xin nghỉ sau trận thua ngược Viettel 1-2 trên sân nhà Hòa Xuân, và HLV Phan Thanh Hùng được mời về thay thế.
Với việc được tự do sau khi rời Đà Nẵng, không loại trừ khả năng ông Lê Huỳnh Đức sẽ nhận lời giải cứu một đội bóng khó khăn khác - có thể là CLB TP HCM hoặc Sài Gòn FC. Cái vòng luẩn quẩn ấy có thể đơn giản chỉ là sự trùng hợp. Những đội bóng nói trên đều thi đấu sa sút mùa này, và họ buộc phải nghĩ đến chuyện "thay tướng để đổi vận". Sau vòng 12, chưa đội nào chắc suất trong top 6. Thậm chí, nếu ở vòng đấu cuối cùng của giai đoạn I, Quảng Ninh thua HAGL, Đà Nẵng và Hà Nội không thắng Nam Định và SLNA trên sân khách, và cùng lúc Thanh Hóa, Bình Dương rồi Bình Định kiếm trọn ba điểm thì có thể toàn bộ các đội bóng kể trên sẽ phải gia nhập nhóm 8 đội tranh trụ hạng. Trong nhóm này, Sài Gòn, Hà Nội, Hà Tĩnh và Quảng Ninh đều từng bị nghi ngờ là nằm trong liên minh mà bầu Đức cách đây hai mùa đã nhắc đến là "năm ông gầy" (khi đó còn Quảng Nam, nhưng đã xuống hạng Nhất). Xem ra, rrong một mùa giải có thể thức khắc nghiệt như hiện nay, việc tự cứu mình còn khó chứ chưa nói gì đến việc tương trợ lẫn nhau.
Quảng Ninh đang đứng thứ ba với 19 điểm, nhưng nếu thua đầu bảng HAGL ở vòng 13, có nguy cơ sẽ bị các đội đứng sau qua mặt. Trong khi đó, Đà Nẵng chỉ có 16 điểm nhưng sẽ chơi trận cầu sáu điểm với Nam Định. Nếu thắng tại sân Thiên Trường, họ không những tự điền tên mình vào top 6, mà còn có thể gián tiếp giúp Quảng Ninh hay Hà Nội vượt qua Nam Định - đội đang có 18 điểm.
Việc thay HLV là hợp lý với Đà Nẵng lúc này. HLV Lê Huỳnh Đức đã liên tục dùng từ "xui xẻo" để nói về thành tích vừa qua của đội nhà. Kể từ sau trận thắng Hà Nội 2-0, Đà Nẵng đá năm trận mà chỉ kiếm được đúng một điểm (hòa Hải Phòng 0-0 trên sân khách) cho dù họ có đến ba trận sân nhà. Nói cách khác, lẽ ra Đà Nẵng đã vào top 6 từ lâu, nhưng đến giờ, họ chỉ còn một con đường duy nhất, đó là phải lấy trọn ba điểm tại Thiên Trường. Thế nên, HLV Lê Huỳnh Đức có vẻ nhẹ nhàng khi nói về cuộc chia tay lần thứ hai với đội bóng sông Hàn. Ông thậm chí nghĩ rằng sự ra đi của bản thân sẽ giúp ích cho đội bóng mà ông đã gắn bó gần 20 năm, kể từ ngày lặng lẽ rời TP HCM ra Đà Nẵng để chơi ít mùa cuối sự nghiệp.
Việc ông Đức nhường ghế cho ông Phan Thanh Hùng, một lần nữa nhắc đến tính chu kỳ 10 năm của bóng đá Việt Nam. Chức vô địch đầu tiên của đội Quảng Nam - Đà Nẵng là năm 1992, chính ông Phan Thanh Hùng là thành viên của thế hệ vàng bóng đá Quảng - Đà ngày đó. Sau khi tách tỉnh, đội Đà Nẵng xuống hạng, đến năm 2002 mới trở lại với V-League. Năm 2012, họ có chức vô địch V-League lần gần nhất, khi đó trong tay HLV Lê Huỳnh Đức có dàn cầu thủ trẻ trung nổi lên từ hai chức vô địch các giải U21 quốc gia các năm 2008, 2009 cho chính HLV Phan Thanh Hùng là người dìu dắt. Ông Hùng ra Bắc từ năm 2010 để xây dựng "đế chế Hà Nội T&T" cho bầu Hiển, để lại một Đà Nẵng dồi dào nguồn lực trẻ cho Lê Huỳnh Đức. Có thể nói, chức vô địch năm 2012 là đỉnh cao của chu kỳ thành công với bóng đá Đà Nẵng.
Nhưng 10 năm qua, bóng đá trẻ Đà Nẵng không thành công. Ở giải U21 Quốc gia, họ chỉ một lần vào bán kết. Ở giải U19 Quốc gia, họ cũng chỉ một lần vào chung kết năm 2012. Một làng cầu từng có tiếng tăm về đào tạo trẻ, khi không còn giữ được thế mạnh của mình, thì sa sút là dễ hiểu. Nếu muốn tìm lại thời hoàng kim, họ nên bắt đầu ngay từ lúc này, khi đội một vẫn còn thi đấu tại V-League. Kể cả khi HLV Phan Thanh Hùng không thể giúp Đà Nẵng vào top 6, họ vẫn cần một làn gió mới từ băng ghế chỉ đạo để tạo động lực cho cuộc đua trụ hạng tại giai đoạn II vốn rất căng thẳng. Bởi, cần phải nhìn nhận, chất lượng con người và khát vọng thi đấu của đội bóng bên sông Hàn đang ở mức rất thấp. Nếu không tái thiết, xuống hạng là viễn cảnh khó tránh.
Chỉ có điều, sau bao nhiêu năm qua, rốt cục, bóng đá Đà Nẵng vẫn phải nhờ đến một người cũ. Chỉ tính từ đầu năm 2021, ông Phan Thanh Hùng đã làm việc ở ba CLB khác nhau - Quảng Ninh ngay trước thềm V-League, Bình Dương rồi bây giờ là Đà Nẵng, dù đã 60 tuổi. Điều đó cũng cho thấy bóng đá Việt Nam đang thiếu hụt nghiêm trọng các HLV có năng lực xây dựng đội bóng một cách dài hạn. Trước đây, người ta từng thấy một trường hợp gần tương tự, là ông Lê Thụy Hải, người mà cứ đội nào cần danh hiệu trong ngắn hạn thì lại trải thảm đỏ mời về. Nay, đến lượt ông Hùng, người lẽ ra nên được sử dụng ở vai trò Giám đốc Kỹ thuật hơn là vẫn cầm sa bàn chỉ đạo.
Song Việt