"Tôi không nhớ được hết những bài toán thầy dạy, nhưng tôi nhớ những tin nhắn của thầy cho tôi cảm giác tôi không chỉ có một mình".
Vinh hiện đã là một kỹ sư phần mềm. Công việc của anh khá thú vị: thiết kế game học tập giúp học sinh có hứng thú trong việc tự học. Anh bán sản phẩm với giá không rẻ nhưng lại tặng miễn phí cho một số trường ngoài công lập.
"Tôi từng trượt trường công và đeo mác học sinh trường ngoài công lập", Vinh chia sẻ ngay đầu cuộc trò chuyện.
"Đó là một khác biệt ư?", tôi hỏi.
Trong âm điệu câu hỏi của tôi có chút gì đó không đồng tình với Vinh khi anh nói về chuyện đeo mác ngoài công lập. Vinh khá tinh ý nên hiểu được.
Theo lời Vinh thì có những trường công lập danh giá, nhưng có những trường thì sứ mệnh của nó là tiếp nhận những học sinh đã trượt mọi cơ hội khác. Vinh từng là một học sinh như vậy. Điều đó xảy ra trong giai đoạn u tối nhất của anh.
Người có biệt danh "Vinh ngủ"
Vinh kể: "Thời gian đó, tôi đến lớp chỉ để ngủ. Tiết một, tôi ngủ ngon lành, còn chảy dãi ướt cả tay áo. Tiết năm tôi vẫn mơ màng chưa tỉnh. Ban đầu thầy cô còn nhắc, sau ai cũng chán. Tôi chuyển xuống bàn cuối lớp để ngủ cho yên tĩnh. Trường cần học sinh để duy trì hoạt động và tôi cần chỗ để ngủ. Lời giảng của thầy cô, tiếng xì xào của bạn bè xung quanh chỉ giống như lời ru tôi vào giấc ngủ say. Thỉnh thoảng tôi cũng bị đánh thức do thầy cô gọi hay yêu cầu tôi trả lời gì đó. Nhưng chỉ vài phút sau là tôi lại ngủ tiếp".
Có lẽ vì "bận" ngủ nên Vinh được các thầy cô nhận xét là "ngoan, không bao giờ cãi lời thầy cô". Có lần Vinh cũng bị cô giáo yêu cầu ra khỏi lớp. Vinh xin lỗi cô rất lễ phép, rồi ra ngoài, kiếm một góc hành lang ngủ nốt giấc. Nhiều học sinh khi ấy biết Vinh vì biệt danh "Vinh ngủ".
Vinh ngủ nhiều như thế vì ban đêm làm thêm ở quán bar. Vinh phụ việc ở quầy bar nên khi hết khách, cậu phải dọn dẹp xong mới nghỉ. Vinh làm thông hai ca nên thường một hai giờ sáng cậu mới về nhà. Có đêm, Vinh ngủ lại luôn ở quán bar.
"Muộn thầy cũng sẽ chờ"
Một đêm, Vinh đang hí húi xếp ly bẩn vào bồn thì có người gọi đồ uống. Khi đó quán đã sắp đóng cửa. Vinh nghe khách nói chuyện với nhân viên pha chế, thấy ngờ ngợ với giọng nói rất quen.
Vinh đứng chết sững khi qua khe hở của quầy bar, cậu nhận ra thầy Lê Cường, giáo viên chủ nhiệm. Thầy Cường còn trẻ, chỉ tầm 30 tuổi, được nhiều học sinh quý vì cách dạy học nhẹ nhàng, dễ hiểu và thầy khá tâm lý với học sinh. Đó là Vinh nghe bạn bè nhận xét thế. Thầy nhận chủ nhiệm lớp được hơn một tháng nên hiếm khi Vinh giao tiếp với thầy. Thậm chí Vinh còn không nghĩ thầy biết đến sự có mặt của mình.
"Sao thầy cũng đi bar nhỉ? Là tình cờ hay thầy biết mình ở đây?", Vinh nghĩ và thấy bối rối.
Ngoài kia, thầy Cường nói với nhân viên: "Không bán nữa thì thôi, tôi chờ cậu học trò của tôi cùng về. Nhờ em nhắn với Vinh giúp tôi nhé!"
Vinh không tránh né được, đành ra về cùng thầy. Nhà Vinh cách quán bar gần năm cây số nên nếu trễ chuyến bus cuối cùng thì cậu phải đi bộ về nhà. Lần này, Vinh ngồi sau xe máy của thầy Cường.
Hai thầy trò dừng ở chân cầu thang khu tập thể Vinh ở. Thầy Cường xem đồng hồ, lẩm bẩm: "Năm phút đi xe máy gồm cả thời gian dừng đèn đỏ. Nếu em đi bộ thì khoảng mười lăm phút đấy".
Vinh không hiểu thầy bấm giờ làm gì, cậu chào thầy để lên nhà thì thầy Cường nói tiếp: "Lần sau từ quán bar về thì nhắn tin cho thầy biết nhé!"
"Để làm gì ạ?", Vinh hỏi.
"Để thầy biết em đã về đến nhà, thầy sẽ yên tâm đi ngủ".
"Thầy không cần làm thế đâu ạ, vì em làm muộn lắm".
"Muộn thầy cũng sẽ chờ, cứ nhắn tin cho thầy!"
Vinh nghĩ thầy chỉ nói thế trong tình huống gặp cậu ở quán bar thôi. Đêm hôm sau, về đến nhà khi đã hơn một giờ sáng, Vinh băn khoăn không biết thầy có chờ không, rồi cũng gửi đi một tin nhắn vỏn vẹn mấy chữ "Em về rồi ạ". Nhắn xong Vinh không chờ hồi đáp mà để điện thoại trên giường và vào phòng tắm ngay. Nhưng chỉ vài giây sau, điện thoại có tín hiệu.
"Ừ, em ngủ ngon nhé", tin nhắn của thầy gửi cho Vinh.
Vinh đứng chôn chân một lúc rất lâu, mặc cho nước từ chiếc khăn tắm chảy ướt sàn nhà. Cậu đọc đi đọc lại mẩu tin nhắn của thầy, vừa lạ lẫm, vừa bối rối với cảm xúc xáo trộn trong lòng.
Vinh mất mẹ từ hồi học tiểu học. Năm Vinh học cuối cấp trung học cơ sở thì bố cậu đi xuất khẩu lao động. Vài năm bố mới về thăm nhà một lần. Vinh ở với bà nội cho đến khi bà mất. Sau đám tang bà, Vinh chưa gặp lại bố. Cậu ở một mình, tự xoay xở với khoản tiền tiết kiệm bà để lại. Vinh không quá khó khăn về tiền nhưng cơ bản là cậu muốn đi đâu đó để đỡ phải ở trong nhà một mình. Vinh không tin mớ kiến thức ở trường giúp gì được cậu. Đằng nào cậu cũng phải tìm một công việc nào đó như những người đã trưởng thành. Cậu chỉ trưởng thành sớm hơn thôi. Vinh về muộn vì chẳng ai chờ cậu. Cậu cũng chẳng chờ đợi một lời nhắn của ai.
Những ngày sau đó, cứ hết ca là Vinh về nhà ngay. Cậu lo thầy thức khuya quá để chờ mình. Có những hôm mới tới cầu thang khu tập thể cậu đã nhắn cho thầy. Thật lòng Vinh không muốn thầy thức chờ nữa. Cậu thấy bứt rứt, ái ngại vì thầy thường có lịch dạy tiết một nên phải đến trường rất sớm.
Sau mỗi tin nhắn báo mình đã về, Vinh đều hứa lần sau sẽ về sớm hơn để thầy không cần thức chờ. Nhưng lời đáp bao giờ cũng là "Không sao, thầy chờ được".
Một tháng sau đó, Vinh nghỉ làm ở quán bar. Cậu tìm một công việc vào khung giờ từ bảy đến chín giờ tối giờ và bao giờ cũng về nhà trước chín rưỡi tối. Vinh không còn ngủ trên lớp như trước nữa.
Sang học kỳ hai lớp 12, cứ chín rưỡi là thầy Cường đã chờ Vinh ở trước khu tập thể. Thầy đến để dạy kèm cho Vinh phần kiến thức môn Toán bị hổng. Hai thầy trò thường ngồi với nhau đến mười rưỡi đêm. Những buổi học vào cuối tuần thì thầy ở lại muộn hơn vì hôm sau thầy trò được nghỉ. Hai thầy trò nấu mì tôm ăn. Cũng có hôm thầy mang đồ ăn đến. Vài củ khoai, bắp ngô hay một phần bánh ngọt. Thầy bảo quà của mẹ ở quê mang ra. Có lần chưa hết buổi dạy kèm thì thầy nghe tin mẹ phải cấp cứu trong bệnh viện. Tất tả ra cửa, thầy vẫn quay lại nói với Vinh như có lỗi: "Hôm nay chịu khó học một mình nhé, thầy sẽ dạy bù hôm khác".
Vinh bùi ngùi nhớ: "Tôi không bao giờ quên dáng thầy gầy lòng khòng trên chiếc Cub 82 cũ kỹ, cái túi máy tính đeo chéo phía sau. Tôi hay đứng trên ban công nhìn thầy đi ngang qua sân chung khu tập thể, rẽ ra đường, khi đó tôi mới trở vào nhà. Nghĩ lại thầy chưa từng trách mắng tôi, cũng không hề ra lệnh cho tôi phải làm thế này, thế kia. Cứ lặng lẽ, nhẫn nại như thế".
"Tôi không biết mình đã thay đổi từ bao giờ. Tôi cứ tưởng tôi làm theo lời dặn của thầy chỉ vì ái ngại. Nhưng có lẽ một sức mạnh nào đó vô hình mà tôi không biết đã khiến tôi tự thấy mình không thể như trước đây".
Vinh không chỉ học Toán của thầy mà bắt đầu chú tâm học cả các môn khác. Trước khi thi tốt nghiệp hai tháng, Vinh không làm thêm nữa mà tập trung vào ôn thi.
Thầy Cường vẫn thức chờ cậu học trò. Không phải chờ Vinh trở về nhà từ chỗ làm mà chờ cậu thu xếp sách vở sau buổi tự học. Một tuần trước ngày thi, thầy nhắc: "Em nên ngủ sớm để đảm bảo sức khỏe và dậy sớm cho quen với khung giờ đi thi. Thầy không muốn em ngủ gật trong phòng thi đâu".
Và không chỉ chờ tin nhắn của Vinh vào mỗi đêm, thầy Cường lại là đồng hồ báo thức cho Vinh vào mỗi sáng. "Bây giờ khi đã học xong đại học rồi đi làm, tôi vẫn có thói quen dậy vào sáu giờ sáng và khi tiếng chuông báo thức vang lên, tôi hay nghĩ về thầy", Vinh kể.
Thầy Cường đã chuyển vào Nam khi Vinh học năm thứ hai đại học. Khi chia sẻ câu chuyện về thầy giáo cũ, anh cho biết đang lên kế hoạch đi thăm thầy. Giải thích về việc mình hay quan tâm, hỗ trợ học sinh ở trường ngoài công lập, Vinh nói: "Tôi không nhớ được hết những bài toán thầy dạy, nhưng tôi nhớ những tin nhắn của thầy cho tôi cảm giác tôi không chỉ có một mình. Điều ấy thật quý giá với tôi. Đến lượt mình, tôi muốn giúp đỡ những đứa trẻ giống tôi trước đây theo cách tôi có thể. Ký ức về thầy là khoảng tươi sáng xua đi những u tối trong một quãng đời tôi đã trải qua".