1. Trung Quốc
Thâm Quyến được coi là ví dụ tiêu biểu nhất về áp dụng thành công mô hình đặc khu kinh tế. Thành phố này có vị trí chiến lược tại Quảng Đông, nằm tại lưu vực sông Châu Giang, gần Hong Kong, Macau và là cửa ngõ vào Trung Quốc.
Năm 1980, lãnh đạo Trung Quốc thời đó - Đặng Tiểu Bình chỉ định Thâm Quyến sẽ là đặc khu đầu tiên trong nhóm năm đặc khu kinh tế của nước này. Chính phủ Trung Quốc đã giảm hoặc xóa bỏ thuế nhập khẩu, khuyến khích đầu tư nước ngoài, thành lập doanh nghiệp tư nhân, áp dụng công nghệ và khoa học để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - kỹ thuật. Đặc khu sử dụng hệ thống quy định linh hoạt, nhằm giúp Trung Quốc phát triển theo hướng xuất khẩu. Đây được đánh giá là một trong những quyết định thử nghiệm kinh tế táo bạo nhất khi đó.
Thành quả của mô hình này rất lớn, và xuất hiện gần như ngay lập tức. Trong những năm sau đó, Thâm Quyến tăng trưởng với tốc độ chóng mặt. Từ một làng chài 30.000 dân sống rải rác trong các ngôi làng nhỏ, giai đoạn 1978 - 2014, GDP thành phố này tăng 24.500%. Đến năm 2016, dân số ở đây đã đạt gần 12 triệu người. Năm ngoái, GDP Thâm Quyến lên gần 340 tỷ USD nhờ các ngành công nghệ cao bùng nổ, như Internet, công nghệ sinh học và viễn thông.
Theo Forbes, Thâm Quyến hiện là một trung tâm công nghệ tầm cỡ thế giới, có sàn chứng khoán Thâm Quyến và là một trong những trung tâm tài chính bận rộn nhất toàn cầu. Đến cuối năm 2017, thành phố này đã có 3 triệu doanh nghiệp đăng ký hoạt động.
2. Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE)
Các khu vực kinh tế tự do (FEZ) cũng là câu chuyện thành công nổi bật của UAE, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược đa dạng hóa nền kinh tế của nước này từ giữa thập niên 80, Gulf News cho biết. Hiện tại, UAE có gần 50 FEZ, gồm 27 tại Dubai, 7 tại Abu Dhabi và 11 ở các tiểu quốc còn lại. Bộ Kinh tế UAE năm 2014 cho biết khoảng 33% giao dịch phi dầu mỏ tại nước này là từ các FEZ.
Mỗi FEZ chỉ tập trung vào một số ngành nghề, như Trung tâm Tài chính Dubai phù hợp với ngân hàng, doanh nghiệp tài chính, bảo hiểm, quản lý tài sản. Các ưu đãi nổi bật trong FEZ ở UAE là cho phép sở hữu nước ngoài 100%, miễn thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp, thủ tục nhanh chóng, không rào cản và hạn ngạch thương mại, được chuyển 100% vốn và lợi nhuận về nước, nguồn bất động sản cho thuê hoặc bán cũng rất dồi dào. Những chính sách này đã khuyến khích đầu tư nước ngoài, thúc đẩy khởi nghiệp và tạo ra lượng việc làm khổng lồ.
Tầm nhìn từ tháp Buji Khalifa ở Dubai. Ảnh: Reuters |
FEZ đã tạo ra nhiều trung tâm thương mại giàu có tại UAE. Những địa điểm như Trung tâm Tài chính Quốc tế Dubai, Khu vực Tự do Jebel Ali, Dubai Internet City, Dubai Healthcare City đều khá nổi tiếng trên thế giới.
Tại Dubai, FEZ đóng vai trò thiết yếu trong nền kinh tế tiểu quốc này. Năm 2015, FEZ đóng góp 32% tổng thương mại trực tiếp của Dubai. Tính đến hết năm đó, Dubai có hơn 20.000 doanh nghiệp hoạt động trong các FEZ, tạo ra gần 100.000 việc làm tại mỗi nơi.
Tương tự, FEZ cũng là mảnh ghép quan trọng trong Tầm nhìn Kinh tế 2030 của Abu Dhabi, nhờ khả năng thu hút đầu tư nước ngoài. Năm 2004, họ thành lập ZonesCorp để quản lý và phát triển các FEZ trong tiểu quốc. Đến năm 2014, tập đoàn này đã tạo ra 6 khu công nghiệp tầm cỡ thế giới với diện tích hơn 140 km2, đóng góp gần nửa GDP ngành sản xuất của Abu Dhabi.
3. Hàn Quốc
Khu Kinh tế Tự do ở vịnh Gwangyang của Hàn Quốc. Ảnh: Korean Free Economic Zones |
Mô hình Khu Kinh tế Tự do (FEZ) của Hàn Quốc cũng được đánh giá thành công, nhờ kết hợp được với nền kinh tế trong nước. Họ đã củng cố được mối liên kết giữa các công ty trong đặc khu với các doanh nghiệp địa phương.
Hàn Quốc hiện có 8 FEZ rải rác khắp cả nước để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, gồm Incheon, Busan-Jinhae, Gwangyang, Hoàng Hải, Daegu-Gyeongbuk, Bờ Đông, Chungbuk và Saemangeum-Gunsan. FEZ là bằng chứng cho thấy sự hợp lực giữa các ngành công nghiệp khác nhau tại đây.
Nhiều khu kinh tế của nước này vẫn còn đang phát triển. Chính phủ Hàn Quốc đã đổ vào đây hàng tỷ USD nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ các ngành công nghệ cao, kinh tế quốc tế, giải trí và du lịch. Hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng của nước này thường được coi là lợi thế chính giúp các doanh nghiệp giảm chi phí vận hành, rút ngắn thời gian giao hàng và cải thiện dịch vụ khách hàng.
4. Philippines
Philippines bắt đầu phát triển các đặc khu kinh tế từ giữa thập niên 90, sau khi Luật Đặc khu Kinh tế được thông qua năm 1995. Các đặc khu được quản lý bởi PEZA (Cơ quan quản lý Khu kinh tế Philippines). Những ưu đãi nổi bật ở đây là miễn giảm thuế thu nhập tối đa 8 năm; miễn thuế nhập khẩu thiết bị, phụ tùng, linh kiện; miễn phí trữ hàng ở cảng, thuế xuất khẩu; thủ tục hải quan đơn giản. Hiện tại, Philippines có khoảng gần 380 khu kinh tế, tập trung vào các ngành sản xuất, công nghệ thông tin, du lịch, du lịch kết hợp y tế và công nghiệp - nông nghiệp.
Theo Rappler, các đặc khu này đã giúp cải thiện khả năng cạnh tranh về môi trường đầu tư của Philippines thông qua các mô hình một cửa, giúp giảm chi phí kinh doanh và khuyến khích thành lập doanh nghiệp tư nhân ở các SEZ. Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2006 - 2010, dù FDI vào Philippines giảm 13%, FDI vào các SEZ lại tăng 23%. Giá trị hàng xuất khẩu từ SEZ năm 2009 là 28,9 tỷ USD, tăng so với 19,5 tỷ USD năm 2001. Con số này tại các doanh nghiệp không thuộc SEZ lại giảm mạnh, về 4,3 tỷ USD.
Số nhân viên tại SEZ cũng tăng 10% mỗi năm giai đoạn 2001 - 2010, lên hơn 730.000 người. Kỹ năng của lao động trong SEZ, đặc biệt trong ngành điện tử, cũng được đánh giá có cải thiện đáng kể.
5. Ấn Độ
Thủ tướng Ấn Độ - Narendra Modi đặt rất nhiều kỳ vọng vào sáng kiến Make in India, nhằm biến Ấn Độ thành trung tâm sản xuất toàn cầu. Trong đó, các đặc khu kinh tế (SEZ) - lấy cảm hứng từ sự thành công của Trung Quốc - sẽ là trọng tâm thu hút nhà đầu tư ngoại. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không thành công như mong đợi.
Từ sau Luật Đặc khu Kinh tế tháng 6/2005, tính đến 2014, hơn 560 đặc khu đã được cấp phép. Tuy nhiên, đến năm 2015, chỉ khoảng gần 200 là hoạt động thực sự. Trong đó, rất nhiều SEZ không hoạt động hết công suất.
Biển chỉ dẫn vào đặc khu Noida của Ấn Độ. Ảnh: Livemint |
Giai đoạn 2013 - 2014, tổng xuất khẩu từ các SEZ chỉ là 82,4 tỷ USD, bằng một phần tư tổng xuất khẩu của Ấn Độ. Giới phân tích đánh giá số liệu này cho thấy SEZ rõ ràng không phải nguồn xuất khẩu chính của Ấn Độ.
Tổng lao động trong các SEZ, tính đến năm 2014, là hơn 1,2 triệu người. So với số liệu tính đến năm 2009, con số này giảm khoảng nửa triệu. Đóng góp của các SEZ vào xuất khẩu cả nước cũng được dự báo giảm. Tổng diện tích các SEZ chỉ là hơn 61.000 ha. Trong khi riêng Thâm Quyến (Trung Quốc) đã là 49.300 ha.
Giới phân tích đã chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến mô hình đặc khu tại Ấn Độ thất bại. Năm 2011-2012, nước này rút một số ưu đãi thuế cho doanh nghiệp và nhà thầu xây dựng, với lý do nhiều công ty tận dụng các chính sách này sai mục đích. Việc này đã khiến nhiều doanh nghiệp mất hứng. Thứ hai là thiếu cơ sở hạ tầng bổ sung, như điện, đường, cầu, cảng. Đây là điều mà Trung Quốc đã làm khá tốt. Nước này cũng gặp khó khăn trong việc lấy đất từ người dân để phát triển SEZ và thiếu ưu đãi cho người lao động làm việc tại đây.
6. Châu Phi
Châu Phi là ví dụ điển hình về sự thất bại của rất nhiều đặc khu kinh tế. Thập niên 90, chính phủ Nigeria rót khoản đầu tư khổng lồ vào khu kinh tế tự do trọng điểm ở Calabar. Mục tiêu của họ là thu hút FDI vào sản xuất để hỗ trợ quá trình đa dạng hóa nền kinh tế. Tuy nhiên, bất chấp tiền bạc và nỗ lực đổ vào đây, hơn một thập kỷ sau, chỉ có một số công ty hoạt động trong SEZ. Thậm chí, chỉ vài công ty trong số đó thực sự sản xuất.
Tương tự, Ghana cũng lập khu kinh tế tự do giữa thập niên 90, với dự án trọng điểm ở Tema. Họ muốn thu hút FDI toàn cầu và định vị bản thân là trung tâm sản xuất và thương mại trong khu vực, tập trung vào ngành dệt may và ICT. Thời gian đầu, Ghana cũng rất chật vật thu hút đầu tư.
Còn ở Kenya, khu chế xuất sau gần 20 năm hoạt động, chỉ xuất khẩu được hơn 400 triệu USD năm 2008. Các khu kinh tế tự do ở Nigeria, Senegal và Tanazania còn tệ hơn, với tỷ lệ đóng góp vào xuất khẩu cả nước rất hạn chế.
Thành công của SEZ tại châu Phi chỉ giới hạn ở vài quốc gia, như Mauritius, Lesotho, Nam Phi, Madagascar và Ghana. Còn rất nhiều nước khác, gồm Nigeria, Senegal, Malawi, Namibia và Mali, SEZ rất chật vật vì nhiều lý do.
Nguyên nhân lớn nhất là thiếu cơ sở hạ tầng. Các SEZ cần phải được kết nối với nền kinh tế toàn cầu. Vì thế, cải thiện cơ sở hạ tầng còn quyết định thành công nhiều hơn là ưu đãi thuế. Rất nhiều khu kinh tế mới tại châu Phi thiếu điện hoặc nằm quá xa cảng. Bên cạnh đó, nhiều SEZ còn thiếu kế hoạch quản lý và chiến lược hiệu quả, hoặc gặp vấn đề về bất ổn chính sách trong nước.
Thậm chí, kể cả khi các chương trình này thành công trong việc thu hút đầu tư, tạo ra việc làm và hàng xuất khẩu, giới quan sát vẫn lo ngại về chất lượng đầu tư và việc làm, cũng như độ bền vững của SEZ tại châu Phi.
Hà Thu (tổng hợp)