Khi Deng Feng và Michael Yu lái chiếc BMW ra khỏi khu vực chạy thử, họ đã gặp tai nạn và gần như làm tan tành cả chiếc xe. Ngay khi thoát ra khỏi đống đổ vỡ, Yu nói rằng Deng không cần phải lo lắng, vì anh ta sẽ lo liệu việc còn lại. "Lúc đó, tôi mới biết anh ấy là người như thế nào. Chỉ trong những tình huống thế này, chúng tôi mới có cơ hội hiểu rõ về nhau", Deng cho biết trên BBC.
Yu hiện là Chủ tịch New Oriental - một trong những tập đoàn giáo dục lớn nhất Trung Quốc. Còn Deng là Chủ tịch quỹ đầu tư Northern Light. Cả hai đều là thành viên Câu lạc bộ những nhà khởi nghiệp Trung Quốc (CEC) - một tổ chức phi lợi nhuận gồm 46 doanh nhân hàng đầu trong nước.
Họ trở thành bạn bè nhờ tham gia câu lạc bộ này. Họ tới thăm cơ quan của nhau, đi chơi tối và cả du lịch nước ngoài. Đây chính là ví dụ điển hình của cái gọi là "guanxi" (quan hệ) tốt - yếu tố không thể thiếu trong cuộc sống ở Trung Quốc.
Có quan hệ tốt nghĩa là quen biết rộng với những người có khả năng trợ giúp lẫn nhau. Mối quan hệ này hình thành bên ngoài công việc, như đi ăn tối hay uống rượu. Đây cũng là bí quyết đảm bảo sự thành công của một thương vụ kinh doanh.
Yu cho biết cũng chính vì điều đó, mà số lượng thành viên của CEC rất giới hạn. Quy mô nhỏ sẽ giúp đảm bảo mọi người đều biết lẫn nhau, xây dựng quan hệ bền chặt và giúp đỡ nhau khi cần thiết.
"Chúng tôi có rất nhiều lúc phải hỗ trợ lẫn nhau, như khi một thành viên gặp rắc rối, cả câu lạc bộ sẽ đứng sau anh ta, cùng anh ta vượt qua giai đoạn khó khăn", Charles Chao - một thành viên CEC cho biết. Chao hiện là Chủ tịch kiêm Giám đốc bộ phận truyền thông trực tuyến tại Sina.
Dĩ nhiên, việc giúp đỡ là có đi có lại. Nếu một người giúp người khác, anh ta cũng kỳ vọng được đối xử tương tự.
Với những người ở phương Tây, quen làm ăn thông qua các cuộc họp thông thường và có khi chẳng quen biết nhau từ trước, cách kinh doanh "Có đi có lại mới toại lòng nhau" này có vẻ không được đúng cho lắm.
Tuy nhiên, theo Deng, quan điểm cho rằng hoạt động này là tiêu cực, gắn liền với tham nhũng, là sai lầm. Anh cho biết "quan hệ" chỉ là một từ "trung tính". Người Trung Quốc thường ít theo chủ nghĩa cá nhân và giao tiếp nhiều với đồng nghiệp hơn phương Tây. Vì vậy, làm ăn theo cách này cũng chỉ là trường hợp mở rộng mà thôi.
Dù quan hệ thường bị lạm dụng, nó chỉ biến tướng nếu gắn liền với các hoạt động phi pháp, như hối lộ. Chuyên gia nghiên cứu lãnh đạo - Steve Tappin cho biết đây chỉ đơn giản là một phần của "kết cấu xã hội" tại Trung Quốc. "Anh sẽ rất khó làm mọi việc nếu không có mối quan hệ", ông nói.
Còn các lãnh đạo doanh nghiệp thì nói thẳng rằng việc này là không thể. "Ở Trung Quốc, chẳng cần biết anh giỏi cỡ nào, nếu không thuộc một tổ chức, không có nhiều bạn bè, anh sẽ chẳng thể chiến thắng lâu dài được", Joe Baolin Zhou - CEO Bond Education - Tập đoàn giáo dục lớn nhất miền Nam Trung Quốc cho biết.
Theo Kent Deng - Giáo sư tại Trường Kinh tế London, "quan hệ" đã cắm rễ trong lịch sử Trung Quốc từ rất lâu. Đây là cách xây dựng niềm tin với người khác tại nước này. Ông cũng chỉ ra rằng khi Trung Quốc khuyến khích phát triển kinh tế thị trường, các doanh nhân chẳng có mạng lưới hay hợp đồng viết tay nào chính thống. Vì thế, làm ăn với những người đã quen từ trước sẽ giúp họ đảm bảo mình không bị lợi dụng.
Dù vậy, cách làm ăn này đang dần thay đổi, khi các công ty Trung Quốc dần tập trung vào thị trường toàn cầu. Eric Yang là nhà đồng sáng lập kiêm CEO hãng giáo dục TutorGroup. Anh chọn kinh doanh online vì nó cho phép anh làm nhiều việc theo cách mới. Trong dài hạn, kiểu công ty này sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng hơn là cách làm ăn truyền thống, do anh tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, bên cạnh các mối quan hệ cá nhân.
"Đây chính là điều tuyệt vời của Internet. Anh liên lạc được với nhiều người, không cần biết tên họ, nhưng vẫn bán được sản phẩm và dịch vụ cho họ", Yang nói.
Hà Thu