Phương pháp này sử dụng tỷ giá để điều chỉnh giá hàng hóa các nước. Do mức sống tại Trung Quốc thấp hơn Mỹ, đổi GDP Trung Quốc sang USD sẽ làm giảm sức mua của người dân nước này.
Khoảng cách giữa 2 nước sẽ càng được nới rộng trong năm tới. Khi đó, GDP (PPP) của Mỹ là 18.200 tỷ USD, còn Trung Quốc là 19.200 tỷ USD.
Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ hai chữ số suốt 3 thập kỷ qua, do cải tổ kinh tế và công nghiệp hóa. Tốc độ này đã chậm lại những năm gần đây, nhưng vẫn tương đối cao theo tiêu chuẩn châu Âu, với ước tính 7,4% năm nay và 7,1% năm tới.
Tuy nhiên, nếu không tính theo PPP, GDP của Trung Quốc vẫn còn nhỏ hơn Mỹ khá nhiều. Theo World Bank, GDP Trung Quốc năm ngoái là 9.240 tỷ USD, trong khi của Mỹ là 16.800 tỷ USD, trước khi điều chỉnh theo lạm phát.
David Hensley - Giám đốc bộ phận Hợp tác kinh tế toàn cầu tại JPMorgan Chase cho biết: "Mỹ vẫn là nền kinh tế số một thế giới, theo cách tính thông dụng, được công nhận và hữu ích nhất. PPP không phải là con số thực". Nếu nhìn vào PPP, đặc biệt với các nước đang phát triển, "anh đã thực sự phóng đại tầm quan trọng của các nền kinh tế này. Do nó bỏ qua quyền lực của các nước với tài nguyên thế giới và ảnh hưởng của họ lên hoạt động kinh tế toàn cầu".
Bên cạnh đó, Trung Quốc đến nay cũng tỏ ra không mấy hào hứng với danh hiệu này. Theo CNN, Trung Quốc hiểu rõ những nghĩa vụ đi kèm với vị trí này. Ví dụ như đóng góp nhiều hơn cho viện trợ quốc tế và ngân sách Liên hợp quốc, hay khó lấy cớ là một nước đang phát triển để tránh chi phí giảm khí thải nhà kính.
Ngoài ra, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc, kể cả tính theo PPP, cũng chỉ bằng một phần năm của Mỹ. Và về tính cạnh tranh (thể chế chính trị, công nghệ, đột phá và sự phát triển ngành tài chính), Trung Quốc dù có tiến xa suốt 3 thập kỷ qua, thì vẫn còn kém Mỹ rất nhiều.
Hà Thu