Cách đây ít lâu, tôi có đến thăm một thành phố cổ ở Pháp. Thành phố này được xây dựng từ thế kỉ thứ 13 và đựơc bảo tồn khá tốt. Nó giống như một tòa thành trung cổ thường thấy trên phim ảnh, được dựng trên đỉnh đồi, có cổng thành đóng những chiếc đinh to. Các con đường được lát đá, trong thành ít có chỗ nào còn nền đất.
Ở giữa những con đường đó là một cái rãnh nhỏ, đường được xây theo chiều dốc của ngọn đồi, còn hai bên đường thì hơi dốc xuống nghiêng về cái rãnh. Hướng dẫn viên nói rằng khi mưa nước sẽ đi theo đường rãnh mà chảy xuống những sông hồ quanh thành.
Cái rãnh này đã có từ thế kỉ 13 và nó nổi tiếng tới mức có một thuật ngữ dành riêng cho nó là "French trench". Đó là một trong những phát kiến từ thời xưa của con người trong khoa học xây dựng. Nước sẽ chảy từ trên cao xuống thấp, đừng hòng giữ nước lại, cũng đừng mong nước thấm nhanh.
Cái "French trench" còn một phần quá khứ đen tối hơn. Thời trung cổ, châu Âu chưa có hệ thống bồn cầu, người ta dùng bô và xong việc thì... đổ hết "nỗi buồn" qua cửa sổ, chỉ việc hét lên thông báo. Các loại chất thải cũng sẽ theo nước mưa chảy về "French trench" và thoát xuống. Cái rãnh nước đó là tiền thân của hệ thống thoát nước hiện đại, khi mà cả chất thải lẫn nước mưa đều phải được dẫn đi và lực hấp dẫn đóng vai trò của người vận chuyển.
Có ai nghĩ về chuyện cống rãnh ở TP HCM hiện giờ có hai loại cống riêng (cho nước mưa và nước thải) hay chưa? Thật ra thì chưa. Có ai biết rằng Sài Gòn ngập không phải chỉ là do mưa, mà còn do triều cường nữa không? Đó là hai nguồn nước gây ngập. Còn để chống ngập chỉ có một cách: đưa nước về nơi thấp hơn như sông, hồ, và sau cùng là ra biển.
Vấn đề ngập nước ở TP HCM xuất phát từ việc quy hoạch thành phố hiện tại đã theo kiểu "cãi lại thiên nhiên". Hệ thống cống rãnh của Sài Gòn do người Pháp xây dựng từ xưa. Tất cả quy hoạch ở Sài Gòn xưa không tính tới những vấn đề hiện đại, như sông ngòi bị lấn chiếm, nền đất lún xuống do khai thác nước ngầm, dân số tăng phi mã, nhà siêu mỏng tăng cao. Hệ thống cống nằm dưới mặt đường nhưng nó chỉ có thể chảy đi nhờ vào độ dốc của hệ thống, và sau cũng thì phải chảy về sông hồ (với nước mưa) và chảy về nhà máy xử lí nước thải (với nước thải).
Những giải pháp như "nhốt mưa" thật vô lý, tới lúc này không cần phải đưa ra mổ xẻ thêm vì nó đã tơi tả rồi. Máy bơm siêu khủng đỡ hơn một chút, nó tuân theo quy tắc là di chuyển nước từ chỗ này sang chỗ kia nhưng chống lại quy tắc là phải để cho nước tự chảy trên diện rộng, và vì vậy nó chỉ có thể dùng ở một đoạn đường mà thôi.
Tôi sống ở nước ngoài. Một lần tôi ở nhà vào ngày thường, trong lúc đa phần ai cũng đi làm đi học. Cái toilet trong nhà tôi bắt đầu kêu gào om sòm và ọc đủ thứ nước, làm tôi sợ hãi. Ra ngoài xem thì thấy một chiếc xe chuyên dụng của thành phố đậu giữa đường, họ tháo nắp cống và thò một cái ống bơm xuống, hút cống. Xong rồi họ lại đi, cái toilet nhà tôi lại im lặng như cũ. Chỉ có một đoạn cống trong khu phố nhỏ ngoài ngoại ô nhưng vẫn phải hút sạch để cống thông thoát mới chảy được. Mấy cái bơm siêu khủng ngoài một đoạn đường còn làm được gì.
Nhiều người hậm hực về chuyện chống ngập ở thành phố và trách móc nhà quản lí vì sao lại để cho ngập? Dường như họ không biết rằng chính sự có mặt của mình cũng là một nguyên nhân gây ngập. Ai cũng góp phần vào việc đè lên một hệ thống thoát nước quá tải với phần nước thải của mình, ai cũng tham gia gây sức ép lên quỹ đất, khiến sông hồ bị lấn chiếm, ai cũng dùng nước ngầm, khiến nền đất càng lún xuống.
Những lời kêu gọi chống ngập ở thành phố đã hàm chứa sự sai lầm cơ bản khi nghĩ về nước mưa và nước thải: ngập ở thành phố không phải là việc do thiên nhiên gây ra và cần phải chống, nó là do con người yếu kém, thi nhau gây sức ép lên một hệ thống quá tải. Cách chữa cũng chỉ là "chữa cái gốc", tức là phải tổ chức lại toàn bộ hệ thống thoát nước cho thành phố.
Ngoài những khó khăn về ngân sách và các thách thức về kĩ thuật xây dựng, việc "chống ngập" ở Việt Nam sẽ không có hiệu quả khi mà cái con người đang chống lại hậu quả chính do con người gây ra. Nó tương tự một tay thì thò vào tủ lấy thức ăn, tay còn lại cầm thước đập vào tay kia, vừa đau đớn vừa chẳng có kết quả.
Cách giải quyết thì cũng giống như việc chống kẹt xe, chỉ có cách giãn dân ra rồi mới xây dựng hạ tầng được. Và tất nhiên, sẽ có người bị ảnh hưởng lợi ích, dù là giàu hay nghèo, người ta sẽ la ó, và nhà quản lý lại chạy dài như cũ.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.