Theo Kiến trúc sư Đoàn Bắc - người chuyên sưu tầm những bức ảnh, câu chuyện Hà Nội xưa và nay, tiền thân Bách hóa Tổng hợp là cửa hàng bách hóa của người Pháp, người Hà Nội khi đó quen gọi là "Nhà Godard". Tòa nhà được đặt theo tên của Sebastien Godard (1839-1940), người chịu trách nhiệm quy hoạch lại thành phố theo lệnh của Chính phủ Pháp thời bấy giờ, đặc biệt là khu vực Tràng Tiền. |
Hơn 100 năm trước, phố Tràng Tiền mang tên Paul Bert và đã được xem như "khu đất vàng" dưới thời Pháp thuộc. Việc xây dựng nhà Godard là bước ngoặt lớn cho thương mại Hà Nội - nơi trước đây chủ yếu họp chợ theo phiên và bán các đồ thủ công, lương thực tại vỉa hè. Sau khi Godard ra đời, các mặt hàng đa dạng hơn và được nhập từ nhiều nước khác trên thế giới như Pháp, Ấn Độ… Một số ghi chép khác còn cho thấy, thời đó, nhà Godard chỉ phục vụ người Pháp và rất ít người Việt thuộc hàng giàu có. Thậm chí ở giai đoạn đầu, những người dân Việt có nhiều tiền cũng không được phép vào mua hàng. |
Tới 1953, Chính phủ Pháp nhận thấy nguy cơ thất trận ở Đông Dương và những nơi khác trên thế giới nên đưa ra chủ trương thoái vốn mạnh, đồng thời bán lại nhà Godard cho một số thương nhân đến từ những nước khác. Hầu như không ai biết chính xác những người nào từng là chủ của tòa nhà giai đoạn này, chỉ biết chủ sở hữu cuối cùng trước khi cái tên Godard biến mất là những người Ấn Độ. |
Sau khi chuyển qua nhiều chủ, nhà Godard cũng đổi tên và kiến trúc bên ngoài. Trong hình là nhà Godard với tên gọi Grands Magasins Reunis. |
Đến 1959, trong quá trình thực hiện chủ trương "công tư hợp doanh", nhà Godard lui vào quá khứ, mở ra thời kỳ hoạt động mới mang tên Bách hóa Tổng hợp, thuộc sở hữu nhà nước. Theo cuốn Bách khoa thư Hà Nội xuất bản năm 2010 của Nhà xuất bản Thời đại, ngày 28/8/1960, Bách hóa Tổng hợp chính thức khai trương, trở thành cửa hàng lớn nhất thủ đô và cả miền Bắc thời bấy giờ. TS Khảo cổ học Vũ Thế Long cho biết, Bách hóa Tổng hợp khi đó được coi là "tủ kính của xã hội chủ nghĩa". Những người dân ở nông thôn khi lên Hà Nội cũng nhất định phải vào chiêm ngưỡng cửa hàng. |
Tuy nhiên, mọi người vào Bách hóa Tổng hợp chủ yếu để ngắm nghía hàng hóa bày bán là chính. Nơi đây có nhiều mặt hàng thông dụng như vải vóc, quần áo, phụ tùng xe đạp, giường tủ, một vài thứ đồ điện... hầu hết bán theo tem phiếu. Thỉnh thoảng xuất hiện một vài hàng hóa tự do, không cần tem phiếu vẫn mua được khiến người dân xúm đông xúm đỏ xếp hàng chen chúc. Vào dịp Tết, Bách hóa Tổng hợp thường mở quầy bán bánh mứt kẹo, thuốc lá, mì chính, thậm chí cả bánh pháo Tết nhưng vẫn theo tiêu chuẩn phân phối. |
Đến 1993, Bách hóa Tổng hợp được chuyển giao cho một doanh nghiệp nhà nước, đồng thời đơn vị này cũng được chỉ định xây dựng và tái cấu trúc cửa hàng. Tuy nhiên, hướng đi này đã không thành công nên ngày 29/9/1995 trở thành ca bán hàng cuối cùng ở Bách hóa Tổng hợp. |
Đến 2002, cửa hàng nổi tiếng gắn liền với tâm trí người Hà Nội một thời được thay bằng công trình mang tên Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza, với diện mạo mới, nhưng vẫn do một đơn vị nhà nước tiếp quản. Mặt hàng bày bán đa dạng, từ nhu yếu phẩm cho đến xa xỉ phẩm. Tràng Tiền Plaza hoạt động thêm khoảng 10 năm lại tiếp tục đóng cửa để nâng cấp suốt 2 năm qua. Ảnh: Nguyễn Hưng |
Hình ảnh mới nhất của Tràng Tiền Plaza sau khi thuộc sở hữu của một đơn vị liên doanh với nước ngoài. Sẽ mở cửa trở lại vào ngày mai, 6/4, nơi đây quy tụ hàng chục nhãn hàng hiệu quốc tế với lối bài trí xa xỉ khác hẳn Tràng Tiền xưa. Ảnh: Anh Tuấn |
Tường Vi - Hàn Phi
Ảnh do Kiến trúc sư Đoàn Bắc và một số độc giả sưu tầm.