![]() |
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vừa treo lên cửa chính của trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ) tấm biểu ngữ khổng lồ chào mừng VN, thành viên thứ 150. VN sẽ chính thức gia nhập WTO vào ngày mai 11/1/2007. Đây là lần đầu tiên WTO treo biểu ngữ chào mừng thành viên mới, có thể vì con số 150 nhưng cũng có thể muốn đặt ra tiền lệ về sau. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Sứ mệnh đàm phán để VN gia nhập Tổ chức thương mại kết thúc vào ngày 7/1 bằng sự kiện WTO kết nạp thành viên thứ 150. Song không có nghĩa các nhà thương thuyết "dừng tay gác bút".
|
Nhận lời tham dự phỏng vấn trực tuyến về gia nhập WTO của VnExpress vào 2h30 ngày 11/1 - đúng ngày VN bắt đầu hưởng quyền và thực hiện nghĩa vụ thành viên WTO, Trưởng đoàn đàm phán Lương Văn Tự, Phó đoàn đàm phán Nguyễn Thị Bích cùng Đại sứ tại Geneva Ngô Quang Xuân đều mang nhiều hoài niệm về toàn bộ quá trình đàm phán gia nhập WTO, và trách nhiệm sau đàm phán là giúp VN thực hiện cam kết WTO trong tương lai.
![]() |
Ký thỏa thuận kết thúc đàm phán WTO với Mỹ tại Dinh Thống Nhất, TP HCM. Ảnh: Xuân Tuyền. |
Nhà đàm phán lão luyện cũng có lúc suýt bật khóc
Đại sứ Việt Nam Ngô Quang Xuân, Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Geneva nói rằng, "thứ 6 ngày 13" đối với người Tây phương là ngày xui rủi, nhưng đã đem lại may mắn cho Việt Nam, khi ta vượt qua được ngưỡng khó khăn cuối cùng để hoàn tất đàm phán.
Trong 14 phiên đa phương, khó khăn gay cấn nhất là phiên thứ 13, kéo dài trong 5 ngày, từ 9-13/10. Đối tác khó nhất trong quá trình đàm phán là Mỹ. Đối tác song phương dễ tính nhất và kết thúc sớm nhất đàm phán với Việt Nam là EU. Nhưng vào những giây phút cuối cùng, thành viên tưởng như dễ chịu nhất ấy vẫn chưa chịu thông qua dự thảo báo cáo gia nhập của Việt Nam. Tận cuối chiều thứ 6, ngày 13/10/2006, theo giờ Geneva, phiên họp đa phương vẫn chưa kết thúc.
"Chúng tôi đã xác định, nếu không vào WTO trước Hội nghị APEC tháng 11 thì sẽ không có dịp nào thuận lợi hơn. Trong khi đó, phía Thụy Sĩ do mạnh về hàng hải nên đến phiên thứ 12 này lại đột ngột đổi ý đòi những ưu đãi cam kết cao hơn các đối tác khác. Đoàn đàm phán Việt Nam, trong đó có Bộ trưởng Trương Đình Tuyển đến tối 13/10 đã phải về nước. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn tâm lý và buồn vô cùng là không thể nào vượt qua cửa ải này", đại sứ Ngô Quang Xuân thuật lại.
Lúc đó, cả phái đoàn Việt Nam đàm phán tại Geneva đã phân công nhau, người làm việc với Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy để nhờ vận động hành lang, người khác đi lobby các thành viên đối tác khác thuyết phục đại sứ Thụy Sĩ tại WTO. Một "mũi giáp công" khác phải tác động đến cơ quan đại diện ngoại giao Thụy Sĩ ở Việt Nam. Trong khi đó Chính phủ 2 nước cũng thảo luận với nhau về mức cam kết.
"Chỉ còn nửa tiếng nữa là kết thúc đàm phán. Chúng tôi tưởng chừng có thể bật khóc vì khả năng khó hoàn thành nhiệm vụ thì đại sứ Thụy Sĩ tại WTO xuất hiện, thông báo Chính phủ nước này đồng ý với mức cam kết hàng hải của Việt Nam giống như những đối tác khác. Toàn bộ gánh nặng được cởi bỏ ngay như trút đi một núi đá lớn trên vai", ông Xuân kể. Kể từ sau phiên đàm phán 9-13/10, phiên họp ngày 26/10 và cái kết thúc đẹp vào ngày 7/11/2006 gần như chỉ còn là vấn đề thủ tục.
Cho đến hôm nay, đại sứ Ngô Quang Xuân nói với VnExpress rằng, ông vẫn như còn sống trong những nỗi lo sợ ngày 13 hôm ấy. "Trong suốt quá trình đàm phán, cả nước đã vào cuộc, cả đại sứ VN ở các nước thành viên WTO cũng tham gia vận động hậu trường", ông Xuân nhấn mạnh.
Khi nhà đàm phán làm thơ
ĐOÀN WTO Thơ: Lương Văn Tự Đoàn WTO liên tục ra đi Đoàn WTO mỗi lần ra đi Đoàn WTO tiếp tục ra đi |
Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam, Thứ trưởng Lương Văn Tự những ngày đầu năm 2007 lại bận bịu với nhiều chương trình mới. Ấy vậy mà thỉnh thoảng ông cũng dành một chút thời gian riêng tư để làm thơ, viết tiểu phẩm, hồi tưởng những ngày đàm phán đã qua.
Có mặt trong hầu hết các cuộc đàm phán đa phương và song phương trong suốt 11 năm hành trình hội nhập kinh tế thế giới, ông Tự cho rằng VN gia nhập WTO là kết quả của một quá trình chuẩn bị lâu dài và những phiên đàm phán cam go, căng thẳng. Có phiên họp đến nửa đêm, thành viên trong đoàn túc trực bên ngoài phòng họp, cắt lượt vào đàm phán. Cũng có lần sang Mỹ đúng thời điểm báo động khủng bố hay cao điểm dịch SARS, cả chuyến bay chỉ có đoàn đàm phán VN.
Việc hoàn tất đàm phán song phương, trong đó có những đối tác khó chịu nhất, theo ông Tự, là kết quả của nhiều nỗ lực, từ việc tranh thủ sự ủng hộ của Ban thư ký, Ban công tác WTO về VN, đến sách lược riêng đàm phán với mỗi đối tác. Có đối tác "hù dọa", đòi VN giảm thuế suất xuống 5-15% với hầu hết mặt hàng, nhưng cuối cùng, hai bên đạt được thỏa thuận sau khi đàm phán vài chục mặt hàng. "Linh hoạt và kiên trì đến cùng giúp VN vượt qua các phiên đàm phán", ông Tự nói.
Khi VN đã chính thức gia nhập WTO, ông Tự lại bắt tay vào chuẩn bị cho các cuộc đàm phán hiệp định thương mại song phương (FTA). Và ông làm thơ về hành trình VN hội nhập Tổ chức thương mại, trong đó ông ví những nhà đàm phán WTO như những người lính thực sự trên mặt trận thương thuyết ngoại giao.
Ông Xuân cũng ghi nhận, tại Geneva vào những thời khắc khó khăn cuối cùng của quá trình đàm phán, sự hỗ trợ dày dạn kinh nghiệm, thông minh và tình cảm đặc biệt dành cho đất nước và con người VN của Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy, Chủ tịch Ban công tác Eirik Glenne, của Giám đốc Vụ đàm phán gia nhập Arif Hussain và các đồng sự của ông... đã giúp VN bước vào ngôi nhà chung của thương mại thế giới.
K.D.