- HLV Park Hang-seo mới đây lại than phiền về việc các tiền đạo ngoại chiếm suất của cầu thủ nội, khiến các đội tuyển Việt Nam thiếu những chân sút xuất sắc. Ông nghĩ gì về việc này?
- Ông Park kêu ca như vậy, nhưng không phải chỉ mình ông ấy gặp vấn đề này, mà các HLV đội tuyển trước kia cũng thế. Thực trạng quá nhiều tiền đạo ngoại đã diễn ra từ khi bóng đá Việt Nam mới lên chuyên nghiệp, và theo tôi đây là tất yếu. Bóng đá luôn cần thành tích, vì có thành tích mới có tiền để đầu tư ngược lại nhằm duy trì và phát triển. Họ phải mua cầu thủ hợp lý, mà các vị trí tấn công, đem lại bàn thắng thường được ưu tiên.
Bóng đá chuyên nghiệp là vậy, và không chỉ riêng Việt Nam. Ngoại hạng Anh, giải đấu được đánh giá cao nhất, cũng có nhiều đội không dùng tiền đạo người Anh. Liverpool là một ví dụ, họ có Mohamed Salah, Sadio Mane hay Roberto Firmino, chứ không dùng tiền đạo nội nào.
- Việc các CLB ưu tiên mua tiền đạo ngoại có phải là vì các tiền đạo Việt Nam chưa đủ tốt?
- Chính xác là như vậy. Khi không có con người tốt, các HLV phải mua thôi. Một đội bóng nếu không có tiền đạo tốt thì làm sao giành chiến thắng? Lấy CLB Viettel làm ví dụ, nếu không có Bruno và Caique, làm sao họ vô địch được. Nếu có tiền đạo nội đủ tốt, họ đã không thuê những tiền đạo như thế.
Tiền đạo ngoại lấy suất của cầu thủ nội, nhưng CLB lại hưởng lợi. Đây là hai mặt của một vấn đề. Nếu họ chấp nhận dùng tiền đạo trẻ của chúng ta thì rất tốt, nhưng điều đó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của họ.
- Ông đánh giá thế nào về tính khả thi khi ông Park đề xuất việc ra luật mỗi CLB phải dùng tiền đạo trẻ?
- Tôi nghĩ phương án của ông Park thiếu hợp lý. Ông là HLV đội tuyển quốc gia nên luôn lo lắng về chất lượng đội tuyển, nhưng các HLV của CLB cũng lo lắng cho đội bóng của họ. Đề xuất của ông Park đã mâu thuẫn với lợi ích của CLB, ảnh hưởng đến sự đầu tư của đội bóng.
Như tôi đã nói, bóng đá chuyên nghiệp cần tiền, mà muốn có tiền thì phải có thành tích, và đây là điều chúng ta buộc phải chấp nhận. Còn nếu đội nào quan tâm tạo điều kiện cho tiền đạo trẻ, thì chúng ta may mắn có những còn người tốt thôi.
Hơn nữa, đề xuất của HLV Park có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng thi đấu của CLB, từ đó giảm chất lượng thi đấu của cả giải vô địch. Một đội bóng không có tiền đạo tốt, không thể ghi bàn, rồi đến lúc thua, nhà tài trợ của họ có thể bỏ chạy hết.
- Ngoài đóng góp về chuyên môn cho các CLB, những ngoại binh trên hàng công có giúp ích gì khác cho giải đấu?
- Các cầu thủ ngoại xuất hiện ở Việt Nam, làm nâng tầm bóng đá Việt Nam. Chúng ta cũng học tập nhiều ở họ, nên có các cầu thủ phòng ngự rất tốt. CLB Hà Nội là một ví dụ. Cả hàng phòng ngự của họ có ngoại binh đâu, nhưng đá rất tốt. Đình Trọng lâu nay là "chuyên gia săn Tây", nay có thêm Bùi Hoàng Việt Anh. Một số trụ cột phòng ngự của Hà Nội chấn thương, nhưng các em trẻ lên đá cũng rất tốt. Cầu thủ ngoại đến Việt Nam giúp nâng tầm chất lượng cầu thủ nội, góp phần làm nên sự tiến bộ. Theo tôi, ông Park hưởng lợi từ chính những tiền đạo ngoại.
- Sự tiến bộ ấy của các hậu vệ nội binh, theo ông, thể hiện cụ thể như thế nào ở các đội tuyển Việt Nam?
- Lâu nay, có thể chúng ta quá quan tâm đến vấn đề tiền đạo ngoại chiếm chỗ cầu thủ nội, mà bỏ qua việc nhờ có tiền đạo ngoại hay, khỏe đã giúp các hậu vệ Việt Nam có môi trường cọ xát căng thẳng, quyết liệt, tạo ra hậu vệ tài năng.
Tại các giải đấu của U22, U23 và ĐTQG dưới thời ông Park, Việt Nam luôn chơi rất tốt đặc biệt ở khâu phòng ngự. Ông Park xây dựng các đội tuyển trên nền tảng hàng phòng ngự, với lối chơi trước tiên là không thua, sau đó là giành chiến thắng, và cuối cùng là bảo vệ chiến thắng. Tôi vẫn nhớ một câu nói đại khái thế này: "Muốn chiến thắng phải có tiền đạo tốt, nhưng muốn bảo vệ chiến thắng thì phải có hậu vệ giỏi".
Chúng ta có những chân sút tốt như Công Phượng, Tiến Linh. Nhưng nếu không có các hậu vệ như Đình Trọng, Quế Ngọc Hải - những người luôn phải đối đầu với các tiền đạo ngoại chất lượng, làm sao bảo toàn được lợi thế mà các tiền đạo tạo ra.
- Nhưng tốt nhất vẫn là có cả hậu vệ giỏi lẫn tiền đạo tốt. Theo ông, giải pháp cho vấn đề mà ông Park đang đau đầu là gì?
- Đào tạo trẻ, theo tôi, vẫn là phương án tốt nhất. Đặc biệt, phải tạo môi trường tốt cho họ bằng cách tăng cường số trận đấu trong năm của các cầu thủ trẻ.
Muốn họ trưởng thành thì một năm cũng phải cho họ thi đấu 30-40 trận ở các giải trẻ. Chứ họ tham dự một giải, đá bốn, năm trận rồi về thì không hiệu quả, rất khó trưởng thành.
Các giải đấu trẻ nên tăng cường số lượng trận đấu thì họ mới được trui rèn, từ đó chúng ta mới phát hiện được nhân tài. Hồi tôi còn làm công tác tổ chức giải U17 Quốc gia, tôi từng nghĩ làm sao để các cầu thủ trẻ đá được 17-20 trận mỗi giải.
Ở châu Âu, ngoài giải vô địch quốc gia, các nước luôn có một giải vô địch trẻ song hành. Như Văn Hậu sang Hà Lan, không được đá cho đội một nhưng cũng được trui rèn ở giải trẻ. Đây cũng là một giải pháp tốt để nâng cao chất lượng cầu thủ trẻ và tìm kiếm nhân tài.Theo tôi, nên có một kế hoạch đồng bộ từ VFF, VPF và các CLB, dù không dễ thực hiện.
Kim Hòa