Những con số mà HLV Park đưa ra hoàn toàn chính xác, bởi nó thể hiện rất rõ ràng trên bảng tổng kết danh sách ghi bàn mỗi mùa giải ở V-League. Các tiền đạo ngoại chiếm ưu thế vượt trội, và đương nhiên là các CLB cũng buộc phải dành các suất ngoại binh cho những tiền đạo nước ngoài.
Vấn đề là góc nhìn của HLV Park chỉ phản ánh một nửa sự thật. Từ khi V-League ra đời năm 2001, tức là có sự xuất hiện của ngoại binh, thì tiền đạo nước ngoài vẫn là ưu tiên chứ không chỉ bây giờ. Ngoại binh đầu tiên trong lịch sử các giải vô địch Việt Nam, có lẽ là David Serere - một cầu thủ bán chuyên nghiệp và đá tiền đạo ở đội Công an TP HCM cùng Lê Huỳnh Đức. Điều này cho thấy, nhu cầu về tiền đạo ngoại có từ rất lâu, và hiệu quả cũng rất rõ ràng: Suốt từ năm 2001, chỉ duy nhất một lần, danh hiệu Vua phá lưới của V-League thuộc về một cầu thủ nội. Đó là trường hợp của Nguyễn Anh Đức mùa giải 2017, thời điểm mà V-League chỉ có hai suất ngoại binh được phép ra sân. Gần 20 mùa trôi qua, những chân sút nội tốt nhất như Tiến Linh, Quang Hải, Văn Quyết hay Công Vinh, Công Phượng cũng chỉ tiệm cận đến con số 15 bàn mỗi mùa, ít hơn các ngoại binh rất nhiều.
Xét ở góc độ của các CLB, khi đã bỏ ra một khoản tiền lớn để mua ngoại binh, thì về nguyên tắc họ phải đầu tư vào vị trí quan trọng nhất, hoặc khó tìm người nhất. Thực tế cho thấy, khả năng sản sinh ra tiền đạo nội ở bóng đá Việt Nam là rất thấp. Khi trở thành Vua phá lưới, Anh Đức đã 30 tuổi. Vậy mà cùng năm đó, cầu thủ Việt Nam ghi nhiều bàn thứ hai, là Đinh Thành Trung của nhà vô địch Quảng Nam chỉ đạt 10 bàn, kém Anh Đức đến bảy bàn. Thành Trung vốn là một tiền vệ tấn công chứ không phải tiền đạo. Như vậy, hãy khoan đổ lỗi cho các ngoại binh, vì có thể là bóng đá Việt Nam không thể sản sinh ra tiền đạo nên buộc các CLB phải tiếp tục đầu tư cho tiền đạo ngoại. Thiếu thốn đến mức, khi có cơ hội nhập tịch cho ngoại binh, thì vẫn ưu tiên cho những người đá ở hàng tiền đạo như Kesley Huỳnh, Hoàng Vũ Samson, Đỗ Merlo...
Bóng đá Việt Nam đã thiếu tiền đạo từ lâu, nên giai đoạn 2013-2018 đã hạn chế tối đa ngoại binh, với chỉ hai người được đăng ký. Nhưng điều đó cũng chẳng thay đổi được gì cả, các CLB cũng muốn tạo ra sự khác biệt nhưng họ đối diện với một tình huống nan giải hơn nhiều, đó là không có nguồn cung. Lấy ví dụ cụ thể như HAGL, từ khi đôn lứa cầu thủ U19 vốn ưa thích tấn công lên đá V-League đến nay vẫn phải sử dụng tiền đạo ngoại như Rimario, Oseni, Chevaughn Walsh... Trường hợp bỏ hẳn tiền đạo ngoại như Bình Dương, thì đúng là có cơ hội để Anh Đức rồi Tiến Linh ghi nhiều bàn hơn, nhưng đổi lại Bình Dương cũng chẳng còn là ứng cử viên vô địch nữa.
Đó là thực tế cần được ghi nhận. CLB cũng có cái khó của họ, không thể buộc phải phục vụ tối đa cho đội tuyển quốc gia. Đã là bóng đá chuyên nghiệp, không thể không dùng ngoại binh. Muốn dành suất cho tiền đạo nội, thì đầu tiên, phải có những cầu thủ Việt Nam đủ tố chất ở vị trí này. Nhưng cho đến nay, các "lò" HAGL, VPF hay Viettel, Hà Nội đều không sản sinh ra các chân sút đúng nghĩa, bao gồm cả yếu tố thể hình và bản năng săn bàn. Giai đoạn 2002-2010, dù cũng ngập tràn tiền đạo ngoại, bóng đá Việt Nam vẫn có Văn Quyến, Công Vinh, Thanh Bình, Việt Thắng, Quang Hải, Ngọc Thanh... Anh Đức khi đó còn... "chưa đủ tuổi".
Quay lại với bức xúc của HLV Park, mà cụ thể hơn là ở hai trận giao hữu với đội tuyển quốc gia (ĐTQG) và U22. Số lượng bàn thắng được ghi trong hai trận này (chín bàn), về lý thuyết là không ít. Cái thiếu, đó là số cơ hội được tạo ra, bao gồm cả các tình huống cố định hay dàn xếp tấn công. Đá với U22, kiểm soát toàn bộ trận đấu, nhưng số cơ hội sáng sủa của ĐTQG không quá 20 và "chỉ" ghi được năm bàn, trong đó có đến hai quả phạt đền. Không có tình huống sút xa hay đá phạt, cũng không có dàn xếp từ những quả phạt góc. Ngược lại, ĐTQG để thủng lưới đến bốn bàn, trong đó ba bàn được các "đàn em U22" kết thúc sau các tình huống dàn xếp mạch lạc. Như vậy, vấn đề của đội tuyển không hẳn là thiếu tiền đạo, mà là ở khu giữa sân.
Điều đó cho thấy, bóng đá Việt Nam đang thiếu những tiền vệ giỏi và đa năng. Những mẫu cầu thủ như Đỗ Hùng Dũng trước đây không hiếm, tiêu biểu như Lê Quốc Vượng hay Nguyễn Hữu Thắng, Tài Em, Lê Tấn Tài... Họ điều tiết được nhịp điệu, tạo dựng cơ hội cho tuyến trên, xử lý bóng hai tốt và có thể ghi bàn từ những pha sút xa, đá phạt. Trong khi đó, hiện nay chỉ cần thiếu Quế Ngọc Hải là HLV Park đã mất đi các phương án chuyền bóng phản công vượt tuyến. Không kéo Quang Hải lùi thấp, thì sẽ vắng những đường chuyền chuyển đổi trạng thái tốc độ cao. Không có Đoàn Văn Hậu, thì những quả tạt từ biên cũng hao mòn. Các tiền vệ trung tâm của HAGL như Xuân Trường hay Tuấn Anh, liệu ba năm qua đã ghi được bao nhiêu bàn từ những pha đá phạt?
Do đó, sự kém cỏi của các tiền đạo Việt Nam không hẳn là do họ ít được sử dụng tại CLB, mà có thể xuất phát từ số lượng "cơ hội" trong thi đấu ngày càng ít đi. Tức là, nhân tố mà Việt Nam đang thiếu là những tiền vệ tổ chức, các play-maker đẳng cấp, chứ không phải chân sút. Ở V-League, đa số các đội bóng đang sử dụng bộ đôi ngoại binh chơi tấn công, và thường "khoán trắng" cho những cầu thủ này nhiệm vụ ghi bàn. Những ngoại binh này biết cách tìm đến nhau, tạo cơ hội cho nhau, và thông thường họ cùng nhau dẫn đầu danh sách ghi bàn của CLB. Các đội bóng cũng vì vậy, thay vì mua một sẽ sắm cả cặp ngoại binh để giải quyết khâu bàn thắng.
Song Việt