Cả nước hiện có 27 trường đào tạo ngành Y khoa, phương thức tuyển sinh chủ yếu là dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, phổ biến theo tổ hợp ba môn Toán, Hóa, Sinh (B00) hoặc Toán, Lý, Hóa (A00).
Năm nay, nhiều trường đa dạng phương thức và tổ hợp tuyển sinh. Một số trường đưa vào tổ hợp có môn Văn để xét tuyển, gây nhiều phản ứng trái chiều, trong đó có ý kiến cho rằng đây chỉ là chiến lược tuyển sinh, có thể khiến chất lượng đầu vào không được đảm bảo.
Giáo sư Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội, khẳng định đối với các trường đào tạo ngành sức khoẻ, chất lượng đầu vào rất quan trọng.
"Đầu vào tốt thì đầu ra mới tốt được bởi học ngành Y rất khó, những kiến thức được học lại liên quan đến sức khoẻ - thứ vốn quý nhất của con người. Đầu vào là điều kiện cần tiên quyết", ông Tú nhấn mạnh.
Theo ông, kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay không còn đáp ứng mục tiêu tuyển sinh đầu vào của những ngành có mức độ cạnh tranh cao như Y khoa. Hơn nữa, kỳ thi này sẽ thay đổi để tương ứng với cách học của lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ tốt nghiệp năm 2025, nhưng chưa chốt thay đổi cụ thể ra sao. Vì vậy, các trường Y Dược cần gấp rút chuẩn bị phương án tuyển sinh phù hợp.
Nguyên lãnh đạo một trường đại học đào tạo Y khoa lớn ở phía Nam nhận định sinh viên theo học ngành Y khoa phải có chuẩn đầu vào cao nhưng đồng thời phải có tố chất phù hợp với ngành. Từ kinh nghiệm đào tạo lâu năm, qua khảo sát sinh viên của mình, ông nhận thấy kết quả tuyển sinh đầu vào bằng điểm thi tốt nghiệp của tổ hợp ba môn không phản ánh hết trình độ, tố chất, mức độ phù hợp của một thí sinh với ngành Y.
Vậy ngoài điểm thi, có thể xét thêm điều gì? TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, cho rằng tuyển sinh các ngành chuyên biệt như Y khoa phải trải qua hai vòng, gồm sơ tuyển và chung tuyển. Trong đó, kết quả thi tốt nghiệp THPT chỉ là sơ tuyển.
Ở vòng sơ tuyển này, các trường vẫn xét theo điểm thi của ba môn thuộc tổ hợp xét tuyển. Theo ông Khuyến, đào tạo ngành Y ở Việt Nam hiện nay là để ra trường trở thành bác sĩ ngay nên tuyển sinh phải mang tính chất hướng nghiệp. Vì thế, xây dựng tổ hợp ba môn nào đi nữa, hai trong số đó bắt buộc phải là Sinh và Hoá - hai môn cốt lõi của ngành Y.
Những thí sinh vượt qua sơ tuyển sẽ bước vào kỳ chung tuyển. Ở phần này, ông Khuyến cho rằng các trường Y có thể tổ chức thi tự luận môn Sinh - môn cốt lõi của ngành Y, hoặc thi vấn đáp - hình thức chọn lọc rất cao được nhiều trường nổi tiếng trên thế giới áp dụng.
Như tại Nhật Bản, phần lớn trường tuyển sinh đầu vào ngành Y theo hai vòng. Ở vòng 1, thí sinh phải vượt qua các bài kiểm tra về Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh), Toán, tiếng Anh. Vòng 2, họ phải viết luận và tham gia phỏng vấn. Tương tự ở Mỹ, vòng phỏng vấn được sắp xếp cuối cùng trong chu trình tuyển sinh và là một trong những yếu tố quyết định một ứng viên được nhận.
Đồng quan điểm, GS Đặng Vạn Phước, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Y, Trưởng khoa Y của Đại học Quốc gia TP HCM, phân tích kỹ hơn về việc phỏng vấn thí sinh có nguyện vọng học ngành Y khoa.
Theo đó, các thí sinh đã vượt qua sơ loại được một hội đồng gồm bác sĩ, chuyên gia tâm lý, giảng viên phỏng vấn về kiến thức xã hội, quan điểm phục vụ con người, đạo đức và tố chất khác để quyết định xem thí sinh có phù hợp với ngành Y hay không.
Cũng theo ông Phước, hồ sơ xét tuyển ngành Y nên yêu cầu có thêm một bài luận trình bày lý do, định hướng của thí sinh khi chọn ngành này để hội đồng xem xét cùng với kết quả phỏng vấn. Đây là những yếu tố mà điểm số ba môn thi không thể phản ánh được.
"Hơn 50 năm trong nghề tôi nhận ra rằng học và hành nghề y mà không có đam mê thì sẽ rất khó phát triển và vượt qua những vất vả để gắn bó với nghề. Không có đam mê, bác sĩ sẽ rất nhanh chán nghề, làm việc cầm chừng và dễ đi vào con đường sai trái", GS Đặng Vạn Phước chia sẻ lý do nên có phần viết luận và phỏng vấn khi tuyển sinh ngành Y.
Nếu các trường Y, Dược vẫn tuyển sinh bằng điểm thi ba môn, GS Đặng Vạn Phước cho rằng đó nên là Toán, Hóa, Sinh. Ông nói tôn trọng ý kiến khuyến khích đưa môn Văn vào tổ hợp tuyển sinh, nhưng không nhất trí.
"Bác sĩ phải thuyết phục bệnh nhân bằng cơ sở khoa học và kiến thức y học chứ không phải bằng lời nói êm ái, sáo rỗng", GS Phước nói.
Trong 6 năm học, ngoài chuyên ngành, sinh viên phải học các môn như Cuộc sống bệnh viện, Tâm lý và Đạo đức y khoa, Giáo dục sức khỏe. Trong quá trình đào tạo và thực hành tại bệnh viện, sinh viên sẽ được thầy cô, đồng nghiệp rèn luyện y đức, kỹ năng chia sẻ, thấu hiểu tâm lý người bệnh, học cách viết luận văn, bệnh án, rèn kỹ năng giải thích, trình bày, ông nói.
Không đề cập vấn đề có nên đưa viết luận hay phỏng vấn vào tuyển sinh ngành Y hay không, GS Nguyễn Hữu Tú khẳng định cần có công cụ chung cho các trường Y Dược tuyển sinh từ năm 2025 sao cho vừa có khả năng lọc ảo, vừa đảm bảo chất lượng đầu vào.
Nhiều ý kiến chia sẻ các trường Y Dược có thể tổ chức một kỳ thi riêng lẻ nhưng ông Tú cho rằng điều này gây lãng phí mà hiệu quả không cao do chỉ một số ngành "hot" như Y khoa, Răng – Hàm – Mặt cần đến kỳ thi riêng.
Lãnh đạo Đại học Y Hà Nội đề xuất các trường Y tạo ra công cụ chung đáp ứng yêu cầu đầu vào của khối ngành Y Dược bằng cách đặt hàng các trường đại học uy tín đang tổ chức tốt các kỳ thi đánh giá năng lực như hai Đại học Quốc gia, Đại học Sư phạm Hà Nội hay Đại học Bách khoa Hà Nội. Một hướng có thể áp dụng là các trường thống nhất lấy kết quả từ một tổ hợp môn nhất định từ các kỳ thi đánh giá năng lực sẵn có rồi thống nhất ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.
"Thí sinh có thể thi một kỳ thi nhưng dùng kết quả xét tuyển vào nhiều trường, giúp tránh lãng phí", ông Tú nói.
Ông Lê Viết Khuyến nhấn mạnh dù tuyển sinh đầu vào bằng hình thức nào, điều quan trọng hơn cả vẫn là đảm bảo được chuẩn chương trình và chuẩn đầu ra.
Theo quyết định 436 của Thủ tướng năm 2020 về việc ban hành kế hoạch thực hiện khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học giai đoạn 2020-2025, Bộ Y tế chủ trì xây dựng chuẩn chương trình đào tạo của khối ngành Sức khoẻ. Sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thẩm định và ban hành. Hiện chuẩn này chưa được ban hành.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thành lập các hội đồng để thẩm định và ban hành chuẩn chương trình đào tạo cho các ngành, khối ngành của từng lĩnh vực trong giáo dục đại học, hoàn thành vào quý III năm nay.
"Đầu vào có thể là 100 người nhưng quá trình học có 5-10 người đạt yêu cầu của chuẩn chương trình thì chỉ số này được tốt nghiệp", ông Khuyến nói.
Dương Tâm - Lệ Nguyễn