Hãng Maxar Technologies tuần trước công bố ảnh vệ tinh do cho thấy một chiếc Y-20, mẫu vận tải cơ lớn nhất trong biên chế không quân Trung Quốc, xuất hiện trên đường băng được xây dựng phi pháp trên đảo nhân tạo tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hôm 25/12/2020.
Nguồn tin giấu tên trong quân đội Trung Quốc sau đó xác nhận đây là lần đầu Trung Quốc triển khai vận tải cơ Y-20 đến quần đảo Trường Sa, trong hoạt động được cho làm nhằm đánh giá tính năng kỹ chiến thuật của mẫu máy bay này. Maxar Technologies không phát hiện hoạt động bốc dỡ hay tải hàng nào từ chiếc Y-20 xuất hiện tại đá Chữ Thập.
"Động thái này cho thấy đá Chữ Thập, cũng như các cơ sở hạ tầng trên đá Vành Khăn và Su Bi, rõ ràng là căn cứ không quân và hải quân", Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ, trả lời câu hỏi của VnExpress về việc Trung Quốc đưa vận tải cơ Y-20 ra Trường Sa.
Trung Quốc trong những năm qua bồi đắp trái phép 7 thực thể tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các đảo nhân tạo, xây dựng ba đường băng dài khoảng 3.000 mét tại các đá Chữ Thập, Vành Khăn và Su Bi, có thể cho phép chiến đấu cơ, vận tải cơ cỡ lớn cất hạ cánh. Bất chấp Việt Nam và cộng đồng quốc tế liên tục phản đối, Trung Quốc đã xây dựng nhiều công trình tại các đảo nhân tạo phi pháp này và bao biện chúng nhằm phục vụ mục đích dân sự.
"Mọi công trình dân sự chỉ nhằm né tránh chỉ trích cho rằng nước này đã quân sự hóa quần đảo Trường Sa", ông Poling nói.
Chuyên gia Poling cho rằng sự hiện diện của chiếc Y-20 cũng cho thấy năng lực của căn cứ hải quân và không quân Trung Quốc xây dựng trái phép trên các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. "Họ có thể triển khai lực lượng đủ mạnh đến đây vào bất cứ lúc nào nhằm tăng cường kiểm soát Biển Đông", ông nhận xét.
"Ba đảo nhân tạo đó có thể là những căn cứ chiến lược cốt lõi nhằm phục vụ tham vọng kiểm soát toàn bộ Biển Đông", phó đô đốc Yoji Koda, cựu tư lệnh Hạm đội Phòng vệ thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, nhận xét.
Phó đô đốc Koda cho rằng quân đội Trung Quốc đã thử nghiệm và đánh giá năng lực hậu cần của căn cứ trên đá Chữ Thập, Vành Khăn, Su Bi trong suốt năm 2020 và sẽ duy trì hoạt động này trong năm 2021. Nếu kết quả chứng nhận phù hợp với yêu cầu, Bắc Kinh có thể triển khai lực lượng tác chiến "thực sự" với đầy đủ tiêm kích, oanh tạc cơ, máy bay tuần thám biển và có thể cả phi cơ cảnh báo sớm.
"Năng lực tác chiến của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ kém đi rất nhiều nếu không có mạng lưới hậu cần đầy đủ kết nối giữa đại lục, đảo Hải Nam, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Họ đang trong giai đoạn cuối của kế hoạch quân sự hóa những thực thể chiếm đóng trái phép trên Biển Đông, đặc biệt là ở Trường Sa. Chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi Trung Quốc triển khai lực lượng thường trực đến đó, có thể là cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022", phó đô đốc Koda nói thêm.
Tiến sĩ Collin Koh, chuyên gia tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore, cho rằng vận tải cơ Y-20 với tải trọng lớn có thể vận chuyển nhiều khí tài hạng nặng như xe thiết giáp và bệ phóng tên lửa tới đảo nhân tạo trên Biển Đông.
"Hiện không thể đoán nhiệm vụ thực sự của nó trong chuyến đáp xuống đá Chữ Thập là gì. Bản thân sự không rõ ràng này có thể phát ra nhiều tín hiệu", ông nói.
Koh cho rằng một trong những tín hiệu phát đi từ chuyến bay là nhằm phô trương năng lực "triển khai sức mạnh viễn chinh" của Bắc Kinh, trong đó có khả năng đưa binh sĩ và trang thiết bị đến những tiền đồn xa xôi trên Biển Đông. "Về mặt chính trị, nó cũng thể hiện Bắc Kinh quyết tâm duy trì hiện diện trong khu vực nhằm đối phó với những gì họ coi là áp lực từ Washington", ông nhận định.
Vận tải cơ Y-20 do tập đoàn Tây An hợp tác với hãng Antonov của Ukraine phát triển, có thể chở 55 tấn hàng, đạt tốc độ tối đa hơn 900 km/h với trần bay 13.000 m. Quân đội Trung Quốc biên chế Y-20 vào tháng 7/2016 và đang sở hữu hơn 20 vận tải cơ này.
Dự đoán những diễn biến tiếp theo trên Biển Đông trong năm 2021, Poling cho rằng tình hình "sẽ tiếp nối xu hướng trong giai đoạn 2016-2020, đó là Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hoạt động thời bình, đặc biệt là trong lĩnh vực khai thác hải sản và dầu khí", nhằm gây sức ép với các nước Đông Nam Á trên chính vùng biển của họ.
Phó đô đốc Koda cũng nhận định Trung Quốc "rõ ràng không có ý định thay đổi chính sách và chiến lược về Biển Đông". "Mục tiêu quốc gia của họ là kiểm soát toàn bộ vùng biển trong đường 9 đoạn phi pháp bằng mọi giá. Chúng ta không nên đặt hy vọng vô nghĩa nào vào quyết tâm và mục tiêu của Bắc Kinh", ông nói.
Theo Poling, cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục lên án những động thái của Bắc Kinh, không chỉ trong vấn đề Biển Đông. Chính quyền Tổng thống đắc cử Joe Biden cũng sẽ duy trì phần lớn chính sách cứng rắn với Trung Quốc của Tổng thống Donald Trump, đặc biệt là trong vấn đề Biển Đông.
"Đây là kết quả của việc Trung Quốc có hành vi ngày càng quyết liệt và chính sách của Washington sẽ không thay đổi trừ khi Bắc Kinh điều chỉnh thái độ. Hai nước có thể hợp tác để ngăn căng thẳng biến thành xung đột, nhưng không thể loại trừ nguy cơ leo thang hoặc đụng độ ngoài ý muốn, dù chúng ít có khả năng xảy ra", ông nói.
Ông cũng cho rằng câu hỏi đặt ra trong thời gian tới là liệu chính quyền Biden có thành công hơn những người tiền nhiệm trong xây dựng, duy trì liên minh quốc tế nhằm thúc đẩy Trung Quốc thay đổi hành vi hay không.
Vũ Anh - Phương Vũ