Vụ vỡ đập Kakhovka "không khác gì một trò khôi hài và 'Nord Stream thứ hai', được Mỹ và Ukraine móc nối dàn dựng để đổ trách nhiệm cuộc thảm họa nhân đạo cho Nga, tạo điều kiện chính trị và quân sự thuận lợi cho cái gọi là chiến dịch phản công của Ukraine", hãng thông tấn trung ương KCNA hôm nay dẫn lời O Song-jin, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế của Triều Tiên.
Ông O nhắc đến các vụ nổ trên đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và 2 từ Nga sang Đức hồi tháng 9/2022. Đan Mạch cùng Thụy Điển và Đức, ba quốc gia gần hiện trường nhất, đã mở cuộc điều tra, kết luận đây là hành động phá hoại nhưng chưa nêu danh tính thủ phạm. Nga từng nhiều lần cáo buộc các nước phương Tây đứng sau các vụ nổ, nhưng không đưa ra bằng chứng.
Theo ông O, Ukraine "hoàn toàn có động cơ để thực hiện tội ác như vậy với sự đồng lõa của Mỹ", do vụ vỡ đập gây ra thiệt hại lớn với khu vực Nga tuyên bố sáp nhập.
Giới chức Nga, Mỹ và Ukraine chưa bình luận về thông tin. Kherson là một trong 4 khu vực ở Ukraine mà Nga sáp nhập tháng 10/2022, sau khi các khu vực này tổ chức trưng cầu dân ý. Kiev cùng nhiều nước phương Tây chỉ trích và khẳng định không công nhận động thái này.
Đập thủy điện Kakhovka trên sông Dnieper, thuộc khu vực Nga kiểm soát ở tỉnh Kherson, bị vỡ ngày 6/6, khiến nước trong hồ chứa tràn xuống hạ lưu, nhấn chìm nhiều khu dân cư, làng mạc và một số khu vực đô thị ven sông. Nga và Ukraine đều cho rằng đây là cuộc tấn công có chủ ý và quy trách nhiệm lẫn nhau.
Hồ Kakhovka có sức chứa khoảng 18 tỷ m3 cung cấp nước làm mát cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và kênh đào Crimea. Đập Kakhovka được Liên Xô xây dựng năm 1950-1956.
Giới chức Ukraine cho biết vụ vỡ đập gây ngập lụt khoảng 600 km2 ở Kherson, cảnh báo thảm họa có thể khiến hàng trăm nghìn người mất nguồn nước uống, ít nhất 500.000 hecta đất biến thành "hoang mạc" vì không đủ nước tưới tiêu trong nhiều tháng tới.
Trong khi đó, Phó thủ tướng Nga Marat Khusnullin hôm nay cho biết nguồn cung nước cho bán đảo Crimea sẽ không bị ảnh hưởng. Các hồ dự trữ nước ở Crimea đều đang đầy và bán đảo có đủ nước sử dụng trong 500 ngày.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ngày 8/6 nhận định nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia vẫn có đủ nước để làm mát vài tháng tới. IAEA trước đó đánh giá "không có nguy cơ trước mắt về an toàn" với cơ sở và các chuyên gia của họ "đang giám sát chặt chẽ tình hình".
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát, Triều Tiên đã củng cố mối quan hệ chặt chẽ với Nga, công khai ủng hộ Moskva trong các tuyên bố cũng như tại Liên Hợp Quốc. Mỹ cáo buộc Triều Tiên cung cấp vũ khí cho Nga, điều mà cả Moskva và Bình Nhưỡng đều bác bỏ. Hồi tháng 5, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gửi điện chúc mừng ông Putin nhân Ngày Chiến thắng, bày tỏ tin tưởng Nga sẽ xóa bỏ mọi mối đe dọa từ "thế lực thù địch".
Như Tâm (Theo Yonhap, Reuters)