Khi chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 cho nhóm người trưởng thành đã đạt được những thành tựu nhất định, ngày càng nhiều quốc gia bắt đầu chuyển sang kế hoạch bảo vệ cho trẻ em. Dù đây là nhóm được đánh giá có ít nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong vì Covid-19, nhiều phụ huynh vẫn hy vọng con cái của họ sớm được bảo vệ trong đại dịch.
"Phần lớn trẻ em khi nhiễm virus đều có triệu chứng nhẹ hơn người lớn và nguy cơ bệnh nặng cần thở oxy hay chăm sóc đặc biệt thấp hơn rất nhiều. Đây là lý do khiến trẻ em chưa thuộc diện ưu tiên tiêm chủng trước đó", Alex Cook, phó giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), chia sẻ với VnExpress.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định tiêm chủng cho trẻ em mang lại nhiều lợi ích cho cuộc chiến chống đại dịch, nhất là khi thế giới phải đối mặt nhiều biến chủng nguy hiểm như hiện nay. Không chỉ bảo vệ chính sức khỏe của trẻ em, tiêm chủng cho người 12-18 tuổi mang lại lợi ích xã hội to lớn.
"Nguy cơ trẻ em nhiễm virus giảm đồng nghĩa với việc nguy cơ lây cho người cao tuổi giảm và giúp việc học hành của các em ít bị gián đoạn. Nó cũng giúp cho các bậc cha mẹ cảm thấy an tâm hơn", phó giáo sư Cook nói.
Một số chuyên gia y tế còn cho rằng tiêm chủng cho trẻ em là cách giúp phá vỡ vòng luẩn quẩn, khi nhiều quốc gia quyết định mở cửa nhưng rồi lại phải tái áp đặt hạn chế, khi ca nhiễm tăng vọt, trong đó một phần lớn nguồn lây nhiễm đến từ trẻ em.
"Tôi tin rằng chúng ta cần tiêm chủng cho trẻ em để kiểm soát đại dịch", Manfred Green, chuyên gia dịch tễ kiêm giáo sư Trường Y tế Công cộng Đại học Haifa ở Israel, nói. Ông giải thích "đây là căn bệnh rất dễ lây truyền, đặc biệt với biến chủng Delta".
Vaccine được xem là chìa khóa cho cuộc chiến chống đại dịch và giúp cuộc sống dần trở lại bình thường. Ban đầu giới chuyên gia y tế nhận định 60-70% dân số tiêm chủng là ngưỡng giúp đại dịch có thể được kiểm soát. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của biến chủng nguy hiểm như Delta, họ nhận ra tỷ lệ phủ vaccine trong dân số phải cao hơn nhiều và việc mở rộng chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em là cách giảm tỷ lệ người chưa đạt miễn dịch.
Israel, một trong số quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng hàng đầu thế giới với hơn 70% dân số đã tiêm ít nhất một liều, bắt đầu tiêm vaccine cho trẻ trên 12 tuổi từ tháng 6, sau khi những ổ dịch bùng phát ở trường học. Chính phủ nước này đang triển khai tiêm liều tăng cường cho nhóm tuổi này.
Nhiều quốc gia khác ở châu Mỹ, châu Âu và châu Á cũng đã cấp phép tiêm chủng cho trẻ em từ 12 tuổi. Tại Đông Nam Á, Indonesia, Singapore, Philippines cũng triển khai cho nhóm tuổi này từ đầu hè. Một số quốc gia khác như Trung Quốc, Cuba thậm chí cho phép tiêm chủng cho nhóm tuổi dưới 11.
Công ty sản xuất vaccine Pfizer đầu tháng này nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi lên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), sau khi kết quả thử nghiệm cho thấy vaccine "an toàn, dung nạp tốt và tạo phản ứng kháng thể trung hòa mạnh mẽ". Thử nghiệm của Pfizer đã thu hút gần 2.300 người tham gia trong độ tuổi từ 5-11, với hai liều cách nhau 21 ngày và liều lượng bằng 1/3 tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên.
William Schaffner, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, Mỹ, cho biết những triệu chứng có thể xuất hiện ở trẻ em sau tiêm chủ yếu là đau cánh tay, mệt mỏi và tác dụng phụ nhẹ thường thấy khác.
"Đây là những cái giá nhỏ phải trả để có được sự bảo vệ chống lại loại virus mà trong trường hợp tệ nhất, có thể giết một đứa trẻ bình thường, khỏe mạnh", Schaffner nói.
Hội đồng cố vấn cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) hồi tháng 6 nhất trí ủng hộ tiêm đủ hai mũi vaccine cho trẻ từ 12 tuổi trở lên, vì cho rằng lợi ích từ tiêm chủng cao hơn rủi ro biến chứng. CDC ước tính cứ một triệu trẻ 12-17 tuổi được tiêm chủng sẽ ngăn ngừa 5.700 ca nhiễm, 215 ca nhập viện và hai ca tử vong. Trong khi đó, số ca viêm cơ tim tối đa có khả năng xảy ra là 70. Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy nguy cơ bị bệnh về tim mạch sau khi nhiễm nCoV cao hơn rủi ro biến chứng tiêm vaccine.
Để đề phòng nguy cơ, phó giáo sư Cook khuyến nghị trẻ em không nên tập thể dục thể thao cường độ cao khi mới tiêm vaccine Covid-19. "Sau khi con tôi tiêm vaccine, tôi đã không để chúng chơi thể thao trong vòng hai tuần để tránh nguy cơ phản ứng bất lợi cho cơ thể", phó giáo sư nói.
Giới chuyên gia nhận định trong bối cảnh nhiều nước dần mở cửa trở lại và học sinh quay trở lại trường học, việc tiêm chủng cho trẻ em sẽ đóng góp vai trò lớn trong nỗ lực kiểm soát và sống chung với Covid-19. Đây cũng là lý do thúc đẩy nhiều nước từng bước mở rộng phạm vi tiêm chủng cho trẻ em.
"Tôi tin rằng việc tiêm chủng cho lứa tuổi tiểu học cũng đang được chính phủ Singapore xem xét và có thể sẽ bắt đầu trong vài tháng tới", chuyên gia Cook chia sẻ.
Thanh Tâm