Chuyên gia quân sự Victor Esin thuộc Học viện An ninh Quốc phòng Nga nhận định rằng việc Mỹ tích hợp bom hạt nhân thế hệ mới B61 Mod 12 cho F-35 sẽ biến nó từ tiêm kích chiến thuật thành vũ khí chiến lược, đặc biệt trong trường hợp chúng được triển khai tại các căn cứ của NATO ở Latvia và Litva, Defense Blog ngày 23/10 đưa tin.
"Đối với Nga, F-35 sẽ không còn là vũ khí chiến thuật nữa, vì nó có khả năng tiếp cận mục tiêu là các khu công nghiệp lớn của đất nước, các thành phố lớn bao gồm cả thủ đô Moskva", Esin đánh giá.
Theo chuyên gia Nga, không giống như các oanh tạc cơ chiến lược mang bom B61 Mod 12 khác, F-35 có thể phát động tấn công cũng như tự vệ với khả năng sát thương và sống sót cao trước lưới phòng không và tiêm kích đối phương.
Không quân Mỹ hồi tháng 4/2017 thử thành công bom B61 Mod 12 và đang lên kế hoạch lắp đặt chúng trên tiêm kích F-35 trong năm nay nhằm cung cấp cho chiến đấu cơ này khả năng tấn công hạt nhân chính xác.
Tuy nhiên, Lầu Năm Góc khẳng định việc trang bị bom B61 Mod 12 cho F-35A chỉ nhằm mục đích răn đe chiến thuật. Trong trường hợp chiến tranh hạt nhân nổ ra, các chiến đấu cơ F-35 tích hợp bom sẽ được bố trí phân tán tại các sân bay nhỏ.
Dự án phát triển B61 Mod 12 được Lầu Năm Góc triển khai nhằm thay thế 4 phiên bản B61 còn được sử dụng hiện nay. Chương trình có tổng giá trị 10 tỷ USD, trong đó mỗi quả bom hoàn chỉnh nặng 320 kg và có giá 28 triệu USD, cao gấp 1,5 lần khối vàng ròng có cùng trọng lượng.
Bom B61 Mod 12 có thể trang bị hệ thống dẫn đường vệ tinh, mang đầu đạn hạt nhân mạnh tương đương 50.000 tấn thuốc nổ TNT. Mỹ dự định chế tạo tối đa 500 quả B61 Mod 12 với tuổi thọ 20 năm, có thể trang bị cho các phi đội F-15E và F-35 của nước này và đồng minh NATO.