Tại Hội thảo trực tuyến về dạy học trực tiếp trong các cơ sở giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 19/1, ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Giáo dục Thể chất, cho biết đến 15/1, số học sinh 12-17 tuổi trên cả nước được tiêm vaccine mũi một chiếm 90,1%, mũi hai đạt hơn 72%. Số cán bộ, giáo viên, nhân viên được tiêm vaccine mũi hai đạt hơn 82%; mũi ba hơn 28%.
Ở đợt bùng dịch thứ tư, toàn ngành giáo dục có hơn 130.000 cán bộ, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên nhiễm Covid-19. Đến 18/1, chỉ còn gần 4.800 người đang điều trị. Tại TP HCM, sau thời gian thí điểm học trực tiếp, có 130 ca mắc Covid-19 trong trường học, chiếm 0,02%. Tại Bắc Giang, tỷ lệ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhiễm là 0,009%. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ này là rất thấp.
Tuy nhiên, đến tuần đầu tháng 1/2022, cả nước chỉ có 9 tỉnh, thành dạy học trực tiếp (gồm Bắc Kạn, Cao Bằng, Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang, Thái Bình, Hà Nam, Khánh Hòa, Bắc Giang); 35 địa phương dạy học kết hợp, còn lại dạy học trực tuyến và qua truyền hình. Dự kiến đến 7/2, có thêm 8 tỉnh, thành phố cho học sinh đến trường.
Ông Đề cho rằng cần mạnh dạn mở cửa trường học trong trạng thái bình thường mới. TP HCM, tâm dịch trong đợt bùng phát lần thứ tư, đã tiến hành mở cửa trường từng bước. Sau khi thí điểm cho học sinh xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) đi học trực tiếp vào đầu tháng 11/2021, thành phố cho học sinh khối 9 và 12 đến trường, sau đó là các khối 7, 8, 10, 11. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ đến trường của học sinh đạt từ 92% đến 96% tuỳ từng khối. Sở hiện đã đề xuất dạy trực tiếp với bậc mầm non, tiểu học và khối lớp 6, trên tinh thần tự nguyện của cha mẹ, từ 7/2.
Ông Đề đề nghị ngành giáo dục các địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để xây dựng kịch bản chi tiết, đón học sinh trở lại, đồng thời cần truyền thông, tư vấn cho cha mẹ học sinh và cộng đồng.
PGS.TS. Phạm Mạnh Hà (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh hiện Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới học sinh. Ngoài học tập, học sinh cũng cần giao tiếp, kết nối bạn bè, tham gia hoạt động vui chơi, giải trí. Tuy nhiên, đại dịch đã làm thay đổi tất cả. Theo thống kê gần đây tại Bệnh viện Sức khoẻ tâm thần, tỷ lệ học sinh, sinh viên đến thăm khám và điều trị tăng vọt, chiếm 30% trên tổng số bệnh nhân. Còn nghiên cứu của Đại học Quốc gia TP HCM cho thấy 56,8% sinh viên thiếu tập trung và không hứng thú học tập; 48% thấy tự ti, mất phương hướng; 56,2% bị rối loạn giấc ngủ; 35,7% thấy tính tình thay đổi, hay cáu gắt, lo lắng không lý do.
Ông Hà nhấn mạnh cần có lộ trình đưa học sinh quay lại trường, có phương án dạy học kết hợp. Bên cạnh đó, ngành giáo dục cần hướng dẫn cụ thể về tổ chức các hoạt động giáo dục vừa đảm bảo nội dung chuyên môn, phòng chống dịch, xây dựng các kịch bản trong trường hợp phát hiện ổ dịch trong trường học để nhanh chóng xử lý mà không làm gián đoạn việc học.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, qua gần hai năm phòng chống dịch, các địa phương tổ chức dạy học rất linh hoạt. Tuy nhiên, việc học online ảnh hưởng nhiều đến khả năng tiếp thu kiến thức, kỹ năng xã hội, hoạt động thể chất và sức khoẻ tâm thần nên Bộ Y tế ủng hộ đưa học sinh quay trở lại trường.
Hiện, tỷ lệ bao phủ hai mũi vaccine trên cả nước đã gần 100% và Bộ đang chuẩn bị kế hoạch tiêm cho trẻ 5-11 tuổi. Đây là tiền đề quan trọng để tổ chức hoạt động dạy học bình thường trong thời gian tới.
"Chúng ta cần có bước chuyển cho học sinh đi học trực tiếp. Đây là thời điểm hết sức hợp lý bởi các hoạt động của xã hội đều đã bình thường hóa. Học sinh đã theo bố mẹ đi chơi, đi ăn ngoài hàng quán rồi. Vậy không có lý do gì để các em phải học trực tuyến nữa", ông Sơn nói.
Nói về kinh nghiệm quốc tế, ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, cho biết trước khi có vaccine, học online là giải pháp đúng đắn và hầu hết các nước áp dụng. Tuy nhiên, khi tỷ lệ phủ vaccine đạt yêu cầu, trở lại trường là điều tất yếu nhằm đảm bảo an toàn về nhiều mặt cho học sinh, từ tâm lý đến học tập.
Ông lấy ví dụ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, 65% quốc gia đã mở cửa hoàn toàn, và 35% mở cửa một phần. Tiến trình mở cửa trường học thường dựa vào một số tiêu chí theo khuyến nghị của WHO, UNICEF và UNESCO, gồm: quy định về việc tiêm vaccine và chiến lược xét nghiệm cho học sinh, các biện pháp quản lý nguy cơ khi có dịch trong trường, tăng cường nhận thức của học sinh và phụ huynh giai đoạn đầu mở cửa.
Thái Lan cho phép các trường học có giáo viên, nhân viên tiêm chủng vaccine từ 85% trở lên được mở cửa. Một số quốc gia như Indonesia, Campuchia, Ấn Độ, Malaysia triển khai chương trình tiêm chủng cho trẻ dưới 12 tuổi. Với trẻ chưa được tiêm vaccine, nhiều quốc gia vẫn hối thúc đi học nhưng kiểm soát bằng nhiều biện pháp. Nhật Bản, Singapore tăng cường kiểm tra triệu chứng, trong khi Canada và Mỹ yêu cầu nộp kết quả xét nghiệm.
Ngoài ra, một số quốc gia cũng quy định về quyền tự chủ của các trường. Nhật Bản và Thái Lan cho phép hiệu trưởng được quyền đóng cửa trường học khi có ca lây nhiễm trong trường học. Tuy nhiên, thời gian đóng cửa tối đa chỉ là 7 ngày.
Từ những ví dụ trên, ông Hưng cho rằng mở cửa trường học là xu hướng chung của các nước. "Việt Nam cũng đang thực hiện khá tương đồng nhưng cần đẩy nhanh tiến độ mở cửa như khuyến cáo của UNICEF và UNESCO", ông Hưng nói.
Trưởng đại diện chương trình giáo dục của UNICEF và các chuyên gia về nhi khoa, dịch tễ, tâm lý học cũng nhấn mạnh mở cửa trường học là cần thiết trong bối cảnh độ phủ vaccine đã rất cao, kinh nghiệm chống dịch đã được cải thiện.
Phát biểu kết luận hội thảo, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng đã có đủ căn cứ để thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc mở cửa trường. Ông Sơn đề nghị lãnh đạo các địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo cần "khẩn trương, cương quyết, chu đáo" trong quá trình chuẩn bị đưa học sinh trở lại, kể cả học sinh trung học đã tiêm vaccine hay trẻ mầm non, tiểu học chưa tiêm. Trong đó, đưa học sinh đã tiêm vaccine trở lại trường sau Tết Nguyên đán "là một yêu cầu".
"Không có phương án nào là tuyệt đối, đáp ứng mọi khía cạnh. Chúng ta cần chọn phương án tốt nhất và phương án đó bây giờ là đưa học sinh trở lại trường bởi các nguy cơ khi ở nhà lâu dài còn cao hơn", ông Sơn nhấn mạnh.
Bộ trưởng lưu ý dù khẩn trương, cương quyết, các địa phương cần tránh hai thái cực Một là chần chừ, e dè thái quá khi chuẩn bị; hai là chủ quan, chuẩn bị không chu đáo, phó mặc cho thầy cô, nhà trường.
Hôm qua, trong thông báo kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tại yêu cầu các địa phương cho học sinh từ 12 tuổi trở lên đi học trực tiếp sớm nhất có thể sau Tết Nguyên đán, nhất là với địa phương đạt tỷ lệ cao về tiêm chủng đủ liều cho trẻ 12-17 tuổi.