Nội dung trên được nêu trong thông báo kết luận, ban hành ngày 18/1, của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc xem xét mở cửa trường học trở lại.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và các địa phương, thống nhất lộ trình để mở cửa trở lại các cơ sở giáo dục trên cả nước. Từ đây, các bộ báo cáo kết quả, đề xuất phương án để lãnh đạo Chính phủ xem xét, quyết định.
Học sinh trên 12 tuổi nên được đi học trực tiếp sau Tết Nguyên đán, nhất là với địa phương đạt tỷ lệ cao về tiêm chủng đủ liều cho các em 12-17 tuổi.
Với học sinh 5-11 tuổi, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu, hướng dẫn cho địa phương, trường học tổ chức các biện pháp an toàn, phòng chống dịch để đến trường trở lại. Bộ Y tế sẽ nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước và WHO về việc tiêm vaccine cho trẻ lứa tuổi này. Hiện, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em 5-11 tuổi, báo cáo Chính phủ chờ phê duyệt.
Ngày mai, 19/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức Hội thảo trực tuyến về tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp.
Đến cuối năm 2021, cả nước chỉ có 9 tỉnh, thành dạy học trực tiếp, 34 địa phương kết hợp trực tiếp - trực tuyến; còn lại chỉ tổ chức dạy trực tuyến.
Tại TP HCM, hơn 600.000 học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 được học trực tiếp hơn một tháng nay. Thành phố dự kiến mở cửa đón trẻ mầm non, học sinh lớp 1-6 từ 14/2, tức sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Hà Nội là địa phương cho học trực tuyến thời gian dài và ở quy mô rộng nhất cả nước. Hiện mới có khoảng 64.000 em, trên tổng số 2,2 triệu học sinh phổ thông ở Hà Nội, được học trực tiếp, còn lại vẫn ở nhà suốt 8 tháng qua. Hà Nội cũng dự kiến cho 100% học sinh khối 7-12 trở lại trường sau Tết.