"Nếu virus corona xuất hiện ở những nước có cơ sở hạ tầng y tế yếu, việc kiểm soát bệnh dịch có thể trở nên khó khăn hơn", Tiến sĩ Brandon Brown, Trường Y khoa, Đại học California, Mỹ, nói với VnExpress, về nguy cơ của dịch viêm phổi do virus corona (nCoV) gây ra.
Brown cho rằng đó là lý do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo từ cuối tháng 1/2020, tuyên bố viêm phổi do nCoV (Covid -19) là "tình trạng y tế khẩn cấp quốc tế".
Theo giáo sư David Heymann, Trường Vệ sinh và y tế nhiệt đới London, Anh, điều gây lo ngại hiện nay về dịch Covid-19 là các nước không biết về mức độ lan truyền của virus corona.
"Chúng ta chưa biết điều sẽ xảy ra ở Trung Quốc, chưa rõ khả năng kiềm chế của những khu vực bên ngoài Trung Quốc", Heymann nói.
Dịch Covid -19 bùng phát tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc từ tháng 12/2019 và đã xuất hiện ở 27 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trên toàn thế giới, hơn 1.870 người chết và hơn 73.300 ca nhiễm nCoV. 5 ca tử vong được ghi nhận ngoài Trung Quốc đại lục là ở Nhật Bản, Hong Kong, Pháp, Philippines và Đài Loan.
Hôm 13/2, Campuchia cho phép du thuyền Westerdam cập cảng sau khi tàu bị một số nước từ chối vì lo ngại dịch viêm phổi corona (Covid-19). Westerdam chở hơn 1.400 hành khách và 802 thủy thủ. Đến ngày 16/2, Malaysia xác nhận khách trên du thuyền này nhiễm nCoV.
Đánh giá về diễn biến này, Brown lo ngại tình hình của Westerdam có thể giống với những gì đã xảy ra trong giai đoạn đầu với du thuyền Diamond Princess. Diamond Princess đang bị cách ly tại cảng Yokohama, Nhật Bản sau khi một du khách từ Hong Kong trên tàu dương tính với nCoV. Hiện số ca nhiễm trên Diamond Princess lên tới hơn 500.
"Chúng ta nên rút ra kinh nghiệm từ việc xử lý tình hình của Diamond Princess, về những hoạt động hiệu quả và không hiệu quả. Cần đảm bảo mọi người có đủ kiến thức về sự lây lan của dịch và biện pháp ngăn chặn", Brown nói.
Giáo sư Heymann nói "khó lường được rủi ro" sau khi khách rời tàu Westerdam từ Campuchia. Ông hy vọng các nước có hệ thống giám sát tốt những người từng ở trên tàu, giúp phát hiện các triệu chứng về hô hấp và cách ly kịp thời.
Dự báo về diễn biến sắp tới, Brown cho rằng số người nhiễm bệnh sẽ vẫn tăng trong tương lai gần, khi các nước chỉ đang biết về những người được chẩn đoán, không biết về tất cả các ca bị nhiễm.
Nhắc đến việc Trung Quốc thay đổi cách tính các ca nhiễm nCoV, giáo sư Benjamin Cowling, Trường Y tế công, Đại học Hong Kong, cho biết khi dịch bệnh xuất hiện, việc xét nghiệm từng trường hợp nghi nhiễm là điều bất khả thi. Trên phương diện quản lý lâm sàng, điều trị cho các bệnh nhân "nghi nhiễm" và "đã nhiễm" đều sử dụng thuốc như nhau.
Cowling không rõ vì sao chính quyền tỉnh Hồ Bắc thay đổi cách thống kê hôm 13/2, nhưng ông cho rằng động thái này là "có lý" trong trường hợp năng lực làm xét nghiệm trong phòng thí nghiệm bị hạn chế. Cowling suy đoán số người nhiễm nCoV tăng lên con số gần 15.000, như công bố của Trung Quốc, là con số "tồn đọng" về lượng người nghi nhiễm mà chưa được xét nghiệm.
Giáo sư John Swartzberg, Khoa bệnh truyền nhiễm và Vaccine học, Trường Y tế công, Đại học California, Mỹ, cho rằng nếu các ca nhiễm chỉ dựa trên kết quả xét nghiệm, số ca nhiễm được xác nhận nCoV sẽ thấp hơn thực tế, bởi xét nghiệm chỉ được tiến hành đối với những người có biểu hiện triệu chứng.
Nếu chỉ dựa trên kết quả khám lâm sàng như chụp X-quang phổi, số ca nhiễm nCoV có thể cao hơn so với thực tế, bởi có nhiều người có biểu hiện viêm phổi tương tự nCoV nhưng mắc các bệnh khác.
Giáo sư này cho rằng dưới góc độ lâm sàng, việc thay đổi cách chẩn đoán nCoV là hợp lý, vì sẽ giúp bệnh nhân được cách ly và điều trị nhanh chóng hơn. Từ góc độ dịch tễ học, biện pháp này không chỉ giúp xác định người nhiễm nCoV mà còn cả những người mắc các dạng viêm phổi khác. Tuy nhiên, nó cũng khiến số ca mắc được thống kê cao hơn thực tế.
"Chúng ta chưa biết về quy mô của dịch viêm phổi này", Swartzberg nói. Tuy nhiên ông cho rằng còn quá sớm để nói "không thể kiểm soát được Covid-19".
Đề xuất biện pháp ngăn chặn dịch, Tiến sĩ Brown cho rằng điều quan trọng là từng cá nhân tích cực thực hiện các biện pháp giữ vệ sinh như rửa tay bằng xà phòng. Chính phủ cần đảm bảo nguồn cung mặt hàng vật tư y tế để ngăn Covid-19 và cả các bệnh truyền nhiễm khác. Riêng tại Mỹ, cảm cúm đã khiến 26 triệu người nhiễm và hơn 14.000 người chết kể từ đầu tháng 10/2019 đến nay, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC). Do đó mỗi nước cần cân nhắc ưu tiên chống dịch do nCoV hay bệnh khác, tùy thuộc vào vị trí địa lý của quốc gia.
Giáo sư Heymann khuyên các quốc gia tăng cường cập nhật thông tin cho người dân, tăng trao đổi xuyên biên giới và báo cáo với WHO.
"Tất cả các nước cần chuẩn bị hệ thống y tế linh hoạt để ứng phó, nhất là trong thời điểm có cúm mùa", Heymann nói.