MS Westerdam chở theo hơn 2.000 hành khách và thủy thủ đoàn đã bị mắc kẹt sau khi 5 nơi liên tiếp gồm Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, đảo Guam và Thái Lan từ chối cho thuyền cập cảng vì lo ngại dịch viêm phổi corona (Covid-19). Du thuyền của Holland America, khởi hành từ Hong Kong hôm 1/2, ban đầu định thực hiện hành trình 14 ngày vòng quanh Đông Á.
Niềm vui đã đến với MS Westerdam và hành khách hôm 12/2, khi chính phủ Campuchia đồng ý tiếp nhận con thuyền. Thủ tướng Campuchia Hun Sen đích thân tới cảng Sihanoukvillera tiếp đón, bắt tay và tặng hoa cho khoảng 100 hành khách đầu tiên rời MS Westerdam lên bờ. Ông cho biết toàn bộ hành khách được phép tiếp tục khởi hành từ Campuchia.
"Campuchia quan tâm nhiều hơn đến quyền con người. Chúng tôi tôn trọng quyền của hơn 2.000 người trên thuyền. Chúng tôi không nhiều tiền bạc như một quốc gia giàu có, nhưng chúng tôi có sự cảm thông dành cho những hành khách mắc kẹt trên thuyền", Hun Sen nói với khách trên MS Westerdam.
Tuy nhiên, ba ngày sau, Malaysia thực hiện xét nghiệm hai lần với cụ bà người Mỹ 83 tuổi, hành khách trên du thuyền MS Westerdam, đều cho kết quả dương tính với virus corona. Campuchia trước đó đã xét nghiệm 20 người có dấu hiệu mắc bệnh trên du thuyền và khẳng định không ai nhiễm nCoV.
Tài khoản Neang Sokhun đăng trên Facebook rằng một quan chức thuộc đảng Nhân dân Campuchia (CPP) nói Thủ tướng Hun Sen đã bị nhiễm virus corona sau khi tiếp đón cụ bà người Mỹ từ du thuyền MS Westerdam. Tuy nhiên, Bộ Y tế Campuchia khẳng định đây là thông tin bịa đặt, yêu cầu cảnh sát và cơ quan liên quan có hành động pháp lý với sự việc này.
Khi dịch Covid-10 bùng phát, nhiều nước đã cấm đi lại tới Trung Quốc, cảnh báo công dân rời nước này nếu có thể. Campuchia, một đồng minh và thường nhận được các khoản hỗ trợ lớn từ Trung Quốc, có cách tiếp cận trái ngược. Việc tiếp nhận con tàu bị "hắt hủi" được xem là sự ủng hộ mới nhất của Campuchia với Trung Quốc. Hồi đầu tháng, Thủ tướng Hun Sen đã tới Bắc Kinh, thể hiện sự ủng hộ và tin tưởng với khả năng kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc.
Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhua dẫn lời Thủ tướng Hun Sen nói với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng ông "quyết định thực hiện một chuyến thăm đặc biệt tới Trung Quốc để cho thấy sự ủng hộ của Campuchia dành cho nước này trong việc chống lại sự bùng phát của dịch bệnh".
Truyền thông Trung Quốc liên tục nhấn mạnh tính chất "đặc biệt" của chuyến thăm, lưu ý ông Hun Sen quyết định thực hiện chuyến đi ngay cả khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch virus corona là trường hợp khẩn cấp toàn cầu.
Bắc Kinh đã chỉ trích những biện pháp kiểm dịch "thái quá" của nhiều quốc gia, bao gồm các lệnh hạn chế đi lại và hạn chế thương mại có thể ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
"Chúng tôi hy vọng tất cả các quốc gia có thể đánh giá tình hình dịch bệnh một cách khách quan, công bằng, bình tĩnh và hợp lý, tôn trọng các khuyến nghị của WHO, thấu hiểu và hỗ trợ các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc", Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố.
Trong cuộc họp báo ở Phnom Penh hôm 30/1, Hun Sen tỏ ra không hài lòng với các phóng viên đeo khẩu trang dự sự kiện. "Thủ tướng còn không đeo khẩu trang, vậy tại sao các bạn phải làm thế?", ông nói. Ông cũng thêm rằng "căn bệnh đáng sợ hơn chính là việc chia sẻ vô trách nhiệm tin đồn trên mạng khiến những người không hiểu về loại virus này hoang mang". Trung Quốc cũng có trấn an tương tự với công chúng.
Thủ tướng Hun Sen còn tuyên bố muốn đến thăm tâm dịch Vũ Hán, song chính phủ Trung Quốc đã từ chối lịch sự đề nghị này. "Thực tế là Vũ Hán đang phải gồng mình chống lại dịch bệnh bùng phát cũng như chịu kiểm soát chặt chẽ. Chuyến thăm tới Vũ Hán thời điểm này không thể sắp xếp hợp lý", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay.
Cách tiếp cận của Thủ tướng Campuchia đã được chính phủ Trung Quốc liên tục ca ngợi. "Người bạn thực sự là người luôn bên cạnh khi cần thiết, như cách người dân Campuchia luôn sát cánh cùng người dân Trung Quốc trong hoàn cảnh đặc biệt này", Chủ tịch Tập Cận Bình nói với Hun Sen. Ông Tập cũng cam kết sẽ chăm sóc tốt cho công dân Campuchia tại Trung Quốc như chăm sóc chính công dân nước mình.
Lãnh đạo Campuchia và Trung Quốc cũng nhất trí tiếp tục trao đổi cấp cao trong năm 2020 và nâng quan hệ hai nước lên một tầm cao mới. Bắc Kinh bày tỏ hy vọng rằng cách Hun Sen gạt bỏ nỗi sợ về virus corona sẽ là một "ví dụ tốt" cho thế giới.
Không giống các quốc gia phương Tây vội vã đưa công dân về nước, Hun Sen tuyên bố Campuchia sẽ không hành động tương tự, nhấn mạnh người Campuchia "phải đồng cam cộng khổ với Trung Quốc". Chính phủ Campuchia cũng quyết định không hủy các chuyến bay đến và đi tới Trung Quốc, cho rằng động thái này có thể dẫn đến "bức tử" nền kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, ông Hun Sen cũng nói rõ hành động đưa công dân về nước có thể làm mất lòng Trung Quốc. "Việc này có thể chấm dứt cơ hội học tập của người Campuchia tại đây. Trung Quốc có thể ngừng cấp học bổng", ông nói.
Khi Indonesia tuyên bố lệnh hạn chế với du khách Trung Quốc, Bắc Kinh đã cảnh báo đây là "phản ứng thái quá và có thể tác động trực tiếp tới quan hệ Trung Quốc - Indonesia".
Sau khi một người trên tàu MS Westerdam được phát hiện nhiễm virus corona, giới y tế lo ngại Campuhia "có thể mở các cánh cửa cho dịch bệnh", vốn đã cướp đi sinh mạng của gần 1.900 người và khiến hơn 70.000 người nhiễm, theo NYTimes. Thế giới có thể phải trả giá khi hành khách từ tàu trở về quê nhà.
Ngọc Ánh (Theo AFP/ The Diplomat, NYTimes)