"Đây là đòn tấn công rất tinh vi. Chiến dịch với quy mô như vậy đòi hỏi nhiều tổ chức phối hợp với nhau", Elijah Magnier, nhà phân tích tại Bỉ, ngày 17/9 nhận định về loạt vụ nổ máy nhắn tin khiến 9 người thiệt mạng, 2.800 người bị thương ở Lebanon.
Chính phủ Lebanon và Hezbollah đều cáo buộc Israel đứng sau sự việc trong khi Tel Aviv từ chối bình luận.
Thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah từng yêu cầu các thành viên không mang điện thoại di động để tránh bị Israel theo dõi vị trí và tập kích. Theo ông Magnier, Hezbollah phụ thuộc rất nhiều vào máy nhắn tin để ngăn Israel chặn thu thông tin liên lạc giữa các thành viên nhóm. Các nguồn tin cho biết những máy nhắn tin phát nổ là mẫu mới nhất, được Hezbollah bắt đầu sử dụng từ vài tháng trước.
Giới chuyên gia nêu hai giả thuyết: Một là cuộc tấn công mạng trong đó phần mềm độc hại khiến pin lithium của máy nhắn tin quá nóng rồi phát nổ. Phương án thứ hai là "cuộc tấn công chuỗi cung ứng", trong đó lô hàng máy nhắn tin được chuyển cho Hezbollah có thể đã bị can thiệp.
Khi quá nóng, pin lithium có thể bốc khói và bốc cháy, tạo ngọn lửa lên đến 590°C. Tuy nhiên, máy nhắn tin thường không dùng pin lớn đến mức có thể gây ra các vụ nổ sát thương nghiêm trọng như ở Lebanon.
Magnier nghiêng về giả thuyết thiết bị đã bị gài thuốc nổ trước khi được chuyển cho thành viên Hezbollah. "Loạt sự cố không phải do thiết bị trục trặc mà vì thứ được cài trong đó phát nổ, chúng có thể được điều khiển từ xa bằng sóng vô tuyến", ông nói.
"Đây không phải là phương thức tấn công mới, nó từng được sử dụng. Có bên thứ ba tham gia, họ mở giao thức cho phép kích hoạt vụ nổ từ xa", ông nói. "Nếu tình báo Israel xâm nhập được máy nhắn tin mà Hezbollah nhận, không loại trừ khả năng Tel Aviv đã xâm nhập được vào nguồn cung từ Iran vì hầu hết thiết bị của nhóm đến từ nước này".
Chuyên gia này suy đoán máy nhắn tin của Hezbollah bị cài thuốc nổ mạnh với khối lượng 1-3 g. Người thực hiện cần rất nhiều thời gian để đặt thiết bị nổ vào máy nhắn tin, trong khi phải đảm bảo toàn bộ chức năng và linh kiện của máy không bị ảnh hưởng.
"Điều này đòi hỏi sự phối hợp của nhiều cơ quan tình báo, cũng như tận dụng lỗ hổng trong kênh phân phối thiết bị", Magnier cho biết.
Al Jazeera nhận định "tình báo Israel có thể cài thuốc nổ" vào máy nhắn tin của Hezbollah với sự hỗ trợ của một bên thứ ba. Hoạt động này diễn ra trong một thời gian dài trước khi các thành viên Hezbollah nhận máy thiết bị. Sau sự cố, Iran có thể sẽ phải kiểm tra tất cả sản phẩm và thiết bị của nước này để đảm bảo không bên nào can thiệp vào chúng.
Navvar Saban, chuyên gia an ninh thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Omran ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhận định loạt vụ nổ "là đòn tấn công xâm nhập quy mô lớn" không chỉ ảnh hưởng đến Hezbollah tại Lebanon mà còn cả thành viên Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ở Syria.
"Nhiều người cho rằng máy nhắn tin đã cũ. Tuy nhiên, Hezbollah và IRGC mới nhận mẫu thiết bị tiên tiến được sản xuất gần đây. Các thành viên Hezbollah ở Lebanon và Syria sử dụng chúng", ông Saban nói. "Những thiết bị này là dấu hiệu cho thấy có lỗ hổng an ninh lớn đối với Hezbollah".
Nhận định về quy mô sự cố, chuyên gia Saban cho rằng "hàng nghìn vụ ám sát cùng lúc xảy ra ở nhiều nơi là đòn giáng mạnh vào tâm lý" và sẽ ảnh hưởng tới Hezbollah. "Mục đích của chiến dịch này là đánh vào tâm lý, gây ra nỗi kinh hoàng trong khu vực và tạo thêm áp lực lên Hezbollah", ông cho biết.
Viện Tình báo và Chiến dịch Đặc biệt (Mossad), cơ quan tình báo đối ngoại của Israel, sở hữu nhiều năng lực, trong đó có tấn công mạng và thực hiện chiến dịch ám sát ở nước ngoài. Al Jazeera đánh giá Mossad hoàn toàn có khả năng triển khai hoạt động như chiến dịch kích nổ máy nhắn tin của Hezbollah.
Israel từng ám sát thành viên của nhóm Hamas với điện thoại di động cài thuốc nổ. Nước này cũng từng bị nghi đứng sau vụ virus Stuxnet tấn công hệ thống máy tính dùng trong chương trình hạt nhân của Iran vào năm 2010.
Truyền thông Israel đưa tin Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã chỉ thị chính phủ và các bộ trưởng không nói về những gì diễn ra ở Lebanon, không trả lời phỏng vấn hay tham gia các cuộc thảo luận liên quan vấn đề này.
Nguyễn Tiến (Theo Al Jazeera, AFP, AP)