"Ngay sau khi chẩn đoán, chúng tôi bắt đầu điều trị với thuốc cortisone và những loại như ibuprofen liều lượng thấp để giúp giảm đau cơ và đau đầu. Tất cả chỉ có vậy. Không cần tới oxy và hay thuốc kháng sinh", tiến sĩ Angelique Coetzee, người đứng đầu Hiệp hội Y khoa Nam Phi, nói hôm 21/12.
Sau 5 tuần quan sát các ca nhiễm Omicron ở Nam Phi, bà Coetzee cho biết hầu hết người nhiễm đều xuất hiện triệu chứng đau nhức cơ thể, đau đầu và mệt mỏi.
"Họ có thể có hoặc không xuất hiện triệu chứng ho. Nếu ho thì chủ yếu là ho khan kèm đau rát cổ họng", bà nói. "Theo một nghiên cứu gần đây, Omicron chỉ ảnh hưởng tới đường hô hấp trên, chứ không ảnh hưởng tới đường hô hấp dưới như Delta".
Sau khi là quốc gia đầu tiên báo cáo về biến chủng Omicron hôm 24/11, Nam Phi đã theo dõi chặt chẽ tất cả dấu hiệu của làn sóng Covid-19 ở nước này. Những dấu hiệu vài ngày gần đây cho thấy số ca nhiễm hàng ngày ở quốc gia này bắt đầu giảm.
Sau khi đạt mức cao với gần 27.000 ca nhiễm vào 16/12, số ca nhiễm mới hàng ngày ở Nam Phi đã giảm xuống 15.424 vào ngày 21/12. Điều này khiến nhiều chuyên gia nhận định Omicron đã đạt đỉnh ở Nam Phi.
"Sự sụt giảm số ca mới trên toàn quốc và xu hướng giảm liên tục gần đây ở tỉnh Gauteng, nơi nhiều tuần là tâm điểm của làn sóng Omicron, cho thấy chúng ta đã qua đỉnh điểm", Marta Nunes, nhà nghiên cứu cấp cao tại phòng phân tích vaccine và bệnh truyền nhiễm của Đại học Witwatersrand ở Nam Phi, nói.
Nhà nghiên cứu này nhận định đợt bùng phát mới ở Nam Phi chỉ là "làn sóng ngắn, không quá nghiêm trọng về số ca nhập viện và tử vong". Nam Phi đã báo cáo hơn 3,3 triệu ca nhiễm và gần 90.500 ca tử vong vì Covid-19 kể từ khi dịch bùng phát.
Theo một nghiên cứu chưa được bình duyệt do Viện Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Nam Phi công bố trên trang MedRxiv ngày 21/12, những người nhiễm chủng Omicron có nguy cơ nhập viện thấp hơn 80% so với nhiễm chủng khác. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu do hai nhà khoa học Nicole Walter và Cheryl Cohen dẫn dắt nói thêm rằng nguy cơ trở nặng của ca Omicron sau khi nhập viện không khác so với ca nhiễm các chủng trước đó. Nghiên cứu cũng chỉ ra những người nhiễm Omicron có thể có tải lượng virus cao hơn.
Vì nghiên cứu sử dụng dữ liệu là ca Delta ở Nam Phi trong giai đoạn tháng 4 đến tháng 11 để so sánh với ca Omicron được thu thập kể từ tháng 11 tới nay, Paul Hunter, giáo sư y khoa tại Đại học East Anglia ở Anh, cho rằng kết quả có thể bị ảnh hưởng bởi vấn đề thời gian.
"Mặc dù trường hợp nhiễm Omicron ít phải nhập viện hơn các ca Delta, không thể nói liệu điều này là do khác biệt về độc lực hay do khả năng miễn dịch của cộng đồng cao hơn vào tháng 11 so với trước đó", Hunter nói.
Giới khoa học vẫn chưa có kết luận cuối cùng về độc lực hay mức độ né tránh vaccine của Omicron. Neil Ferguson, cố vấn y tế của chính phủ Anh, cùng nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Hoàng gia ở London, hôm 17/12 cho biết chưa có bằng chứng cho thấy Omicron ít nghiêm trọng hơn Delta.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 20/12 cảnh báo có những bằng chứng chắc chắn cho thấy Omicron đang lan nhanh hơn đáng kể so với Delta. Soumya Swaminathan, nhà khoa học hàng đầu của WHO, khẳng định sẽ "không khôn ngoan" khi cho rằng Omicron là biến thể chỉ gây triệu chứng nhẹ, thêm rằng biến chủng này có thể né tránh một số phản ứng miễn dịch và chương trình tiêm vaccine tăng cường ở các quốc gia cần tập trung vào nhóm người có hệ miễn dịch yếu.
Thanh Tâm (Theo Times of India, AP)