"Biến chủng gây bệnh nhẹ với các triệu chứng như nhức cơ và mệt mỏi trong một hoặc hai ngày", Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nam Phi Angelique Coetzee trả lời báo chí hôm nay về biến chủng Omicron của nCoV.
Theo chuyên gia, bệnh nhân được theo dõi ở Nam Phi khi nhiễm biến chủng mới không mất khứu giác hoặc vị giác. Người nhiễm có thể ho nhẹ, ngoài ra không biểu hiện triệu chứng nào đáng kể. Trong những bệnh nhân mắc Covid-19 vì Omicron, một số trường hợp có thể điều trị tại nhà.
Bà Coetzee cho biết biến chủng mới không gây quá tải hệ thống y tế và chưa được phát hiện ở người đã tiêm chủng ở Nam Phi. Tuy nhiên, diễn tiến bệnh có thể thay đổi với người chưa tiêm vaccine. Phần lớn ca nhiễm được theo dõi thời gian qua là người trẻ, dưới 40 tuổi.
"Chúng tôi mới tìm hiểu biến chủng khoảng hai tuần. Virus dễ lây nhiễm, nhưng với tư cách người hành nghề y, chúng tôi không hiểu vì sao vấn đề đang được thổi phồng dù quá trình nghiên cứu chưa hoàn tất", bà nói.
Thông điệp của Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nam Phi hàm ý sự không hài lòng với phản ứng từ các nước trong vài ngày qua trước biến chủng mới.
Giới chuyên gia lo ngại Omicron với 32 đột biến có khả năng lây nhiễm cao và nguy hiểm hơn biến chủng Delta. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 26/11 xếp Omicron vào danh sách biến chủng đáng lo ngại toàn cầu. Một loạt quốc gia trên khắp thế giới đã khẩn trương siết kiểm soát đi lại với Nam Phi cùng khu vực lân cận trong hai ngày qua.
Bộ Ngoại giao Nam Phi hôm nay bình luận quyết định của một số nước trên thế giới về cấm chuyến bay từ Nam Phi sau khi biến chủng mới được phát hiện "cứ như đang trừng phạt Nam Phi vì công nghệ giải trình tự gene tiên tiến và khả năng phát hiện biến chủng mới nhanh hơn".
Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla nói cách phản ứng của các nước thiếu hợp lý. Ông chỉ trích các nước "muốn đổ lỗi" và gán biến chủng mới này cho Nam Phi thay vì hợp tác để giải quyết tình hình theo hướng dẫn của WHO.
Trung Nhân (Theo Sputnik)