
Các chuyên gia cáo buộc Tổng thống Mỹ Donald Trump biến vấn đề với Triều Tiên thành mâu thuẫn cá nhân với Kim Jong-un. Ảnh: AFP.
"Những ranh giới đỏ đã bị xoá nhòa, khó mà đoán được điều gì sẽ khiến phản ứng quân sự thực sự nổ ra. Rủi ro về tính toán sai đang ở mức cao, nó tăng theo từng hành động khiêu khích của Triều Tiên và từng lời công kích", Jenny Town, Phó giám đốc Viện nghiên cứu Mỹ - Hàn, Trường nghiên cứu quốc tế cấp cao Johns Hopkins, nói với VnExpress.
Bà Town lý giải trước đây Mỹ không vạch ra các giới hạn đỏ khi giải quyết vấn đề Triều Tiên. Từ lâu Washington cho rằng ranh giới này chính là việc Bình Nhưỡng sở hữu vũ khí hạt nhân. Nhưng thực tế Triều Tiên đã thực hiện 6 vụ thử hạt nhân, mỗi lần đều tăng thêm hiệu quả.
Khi ông Donald Trump mới nhậm chức Tổng thống Mỹ, có những dấu hiệu trong chính quyền cho thấy công nghệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICMB) là một loại giới hạn đỏ. Ông Trump đã đăng tweet về điều đó.
"Rõ ràng nó cũng bị vượt quá", bà Town nói.
Bình luận việc Triều Tiên cáo buộc Mỹ tuyên chiến, doạ bắn rơi oanh tạc cơ Mỹ, chuyên gia của trường Johns Hopkins cho rằng điều đó không hẳn đáng lo ngại. Đây không phải lần đầu Bình Nhưỡng cáo buộc Washington tuyên chiến - điều họ đưa radưới thời chính quyền tổng thống Barack Obama. Khi Triều Tiên có những tuyên bố như sẵn sàng phóng tên lửa gần Guam, bắn rơi máy bay ném bom B1 của Mỹ ngoài không phận, không có nghĩa là Bình Nhưỡng sẽ làm thật. Nó chỉ là dấu hiệu cho thấy ít nhất Triều Tiên cân nhắc đến việc đó.
"Vấn đề là chúng ta không biết tính toán của họ là gì, những hành động, lời nói, sự kiện nào có thể gây ra phản ứng như vậy", bà Town nêu vấn đề.
Cũng bày tỏ mối lo ngại, Giáo sư T. J. Pempel, Đại học California tại Berkeley, Mỹ, đánh giá thời điểm hiện nay là bước leo thang mới nguy hiểm của những lời đe doạ và châm chọc cá nhân mà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đưa ra.
Trong khi Ngoại trưởng Triều Tiên Ri cáo buộc Mỹ tuyên chiến là sai trái, nhưng ông Pempel cho rằng "Tổng thống Mỹ Trump có lỗi nhiều nhất".
Tổng thống Mỹ từng tuyên bố Triều Tiên sẽ vấp phải "lửa giận" nếu tiếp tục đe Washington, ông còn tuyên bố "huỷ diệt hoàn toàn" Triều Tiên tại phiên họp của Liên Hợp Quốc và gọi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là "người tên lửa bé nhỏ".
Tuy nhiên, Giáo sư Pempel nhận định Triều Tiên sẽ không bắn hạ các chiến đấu cơ của Mỹ, vì nếu làm vậy Bình Nhưỡng sẽ "tự sát". Mối quan ngại lớn nhất hiện nay là xung đột quân sự có thể nổ ra từ tính toán sai lầm hoặc do sự cố ngẫu nhiên, mà không phải từ quyết định chính thức từ bên nào để khơi mào chiến tranh.
"Khi căng thẳng lên quá cao, bất kể sai lầm nào như máy bay Mỹ vào không phận Triều Tiên rồi bị bắn, hoặc tên lửa Triều Tiên rơi ở tầm ngắn so với mục tiêu ban đầu, ở gần Nhật Bản, nó có thể bị coi là hành động tấn công. Xung đột có thể dần leo thang mà không bên nào thực sự muốn", ông Pempel nói.
Đồng tình với ý kiến này, Tiến sĩ Jae H. Ku, Giám đốc Viện nghiên cứu Mỹ - Hàn, trường Johns Hopkins, nhận định Triều Tiên đã thách thức Mỹ đưa thêm máy bay đến gần, Washington sẽ phản ứng bằng cách điều thêm.
"Tôi rất lo ngại về các hành động quân sự sẽ leo thang", ông Ku nói.
Mỹ - Triều 'không còn đường lùi'
Tiến sĩ Ku nhận định quan hệ Mỹ và Triều Tiên có thể đã vượt quá dấu mốc "không thể quay trở lại" trong ngoại giao. Quan hệ giữa hai nước đang ở mức tồi tệ nhất kể từ thời Chiến tranh Triều Tiên cách đây hơn 50 năm.
Giáo sư Pempel thì cho rằng hai nước đang có mối quan hệ "xấu và nguy hiểm". Tổng thống Mỹ Trump không hiểu về chính sách ngoại giao, trong khi Triều Tiên đang thực hiện chương trình tên lửa và hạt nhân với tiến độ cực nhanh. Việc ông Trump đăng các dòng tweet chỉ trích sẽ không làm chậm lại tiến trình đó.
Theo bà Town, một nhân tố quan trọng khiến quan hệ Mỹ - Triều trở nên xấu đi là Tổng thống Mỹ đã khiến quan hệ hai nước trở thành mâu thuẫn cá nhân với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Mỗi lần ông Trump đe doạ Triều Tiên, thì uy tín của Mỹ lại giảm đi.
Trong khi Triều Tiên biết rõ Mỹ và cộng đồng quốc tế phản đối các chương trình của họ, nhưng việc chỉ đích danh và đe doạ "ầm ĩ" khiến ông Kim phải phản ứng mạnh hơn.
"Đây là bản chất của khái niệm bên miệng hố chiến tranh. Câu hỏi đặt ra là hai ông sẽ đi xa đến mức nào, ai sẵn sàng đưa vai gánh lấy trách nhiệm khi nổ ra xung đột và họ có đi quá giới hạn không?", bà Town đặt nghi vấn.
Khánh Lynh