"Chính quyền của Tổng thống Trump đã báo hiệu tầm quan trọng của Đông Bắc Á, sau khi người đầu tiên trong nội các, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, đến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc. Bước tiếp theo sẽ là Đông Nam Á", Giáo sư David Shambaugh, chuyên gia các vấn đề chính trị tại Đại học George Washington, Mỹ, dự đoán khi có cuộc nói chuyện hôm qua tại Hà Nội.
Giáo sư Shambaugh nhắc đến sự kiện Bộ trưởng Mattis đầu tháng hai có chuyến công du đầu tiên sau khi nhậm chức. Khi gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ông Mattis đã tuyên bố bảo vệ Nhật ở biển Hoa Đông, nơi Tokyo đang có tranh chấp với Bắc Kinh ở nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tiếp đó, ngày 11/2, Tổng thống Mỹ Trump cũng khẳng định cam kết an ninh với Nhật khi tiếp Thủ tướng Abe đến thăm Washington.
Theo Shambaugh, ông trông đợi chính quyền của Trump sẽ cử một quan chức cấp cao đến Đông Nam Á sớm nhất có thể, để cho thấy sự tiếp nối chính sách của Washington với khu vực này.
Đánh giá về quan hệ giữa Mỹ và các nước Đông Nam Á, Giáo sư Shambaugh cho rằng Washington đang có vị trí chưa từng có, với quy mô quan hệ lớn hơn và sâu sắc hơn, có thể được tăng cường hơn nữa.
Về kinh tế, Mỹ đang là đối tác thương mại lớn thứ ba của Đông Nam Á, tổng đầu tư ở mức hơn 230 tỷ USD trong năm 2015. Riêng ở Singapore có gần 4.000 công ty Mỹ đang hoạt động.
Về hợp tác an ninh, Mỹ có quan hệ hợp tác với 5 nước thành viên chủ chốt của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Mặc dù Tổng thống Philippines Duterte có một số tuyên bố tiêu cực về quan hệ với Mỹ, nhưng các quan chức chính phủ lại cho hay quan hệ quân sự lâu dài với Washington sẽ không đổi.
"Mỹ đang có vị trí thuận lợi chưa từng có ở Đông Nam Á, tôi cho rằng đây là nền tảng tốt cho chính quyền của Tổng thống Trump. Câu hỏi là chính quyền mới của Mỹ sẽ tiếp tục xây dựng hay tảng lờ nó. Tôi cho rằng khả năng thứ nhất là lớn hơn", ông Shambaugh nói.
Việt Anh