Hôm 24/8, Đoàn Khiết Long, Đại sứ Trung Quốc tại Hungary, được bầu làm một trong 6 thẩm phán mới của Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS). Đây là cơ quan liên chính phủ do Công ước Luật Biển 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) thành lập. ITLOS gồm 21 thẩm phán phục vụ trong nhiệm kỳ tối đa 9 năm, với nhiệm vụ chính là giải quyết các tranh chấp hàng hải quốc tế. 1/3 số thành viên sẽ được thay thế sau mỗi ba năm. Có ba người Trung Quốc từng được bầu vào ITLOS kể từ khi tòa án được thành lập vào năm 1996.
Đánh giá về sự kiện này, giáo sư Jay Batongbacal, Đại học Philippines, cho rằng việc Trung Quốc tham gia ứng cử và trúng cử vào ITLOS không phải điều bất thường, vì đây là một quy trình chính trị trong hệ thống của LHQ.
Đồng tình với ý kiến này, Thạc sĩ Hoàng Việt, Đại học Luật TP HCM, cho hay Trung Quốc đã thực hiện chiến lược đưa đại diện vào các tổ chức quốc tế lớn từ lâu, việc ông Đoàn Khiết Long trúng cử vào ITLOS không mới. Tuy nhiên sự kiện này gây chú ý vì gần đây Mỹ tăng cường lên án Trung Quốc vì phớt lờ phán quyết của Toà trọng tài quốc tế (PCA) năm 2016, liên quan đến vụ Philippines kiện Trung Quốc. Mỹ cũng yêu cầu thế giới phản ứng trước việc Trung Quốc vi phạm UNCLOS, khi điều tàu xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của các nước ven biển như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia.
"Trung Quốc coi thường luật biển, nhưng lại có đại diện ở toà luật biển. Đó là điều không hay", ông Việt nói.
Nói rõ hơn quy trình bầu thẩm phán tại ITLOS, giáo sư Jonathan Odom, chuyên gia luật tại Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Âu George Marshall, một trong các mô hình hợp tác giữa Mỹ và Đức, cho biết trong năm nay ông Đoàn trúng cử ngay từ vòng một vì là ứng viên duy nhất đến từ nhóm các nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, gồm hơn 40 nước.
Nói về tác động đến tranh chấp Biển Đông, giáo sư Batongbacal, đánh giá vai trò thẩm phán của ông Đoàn tại ITLOS có thể tạo điều kiện để Trung Quốc gây ảnh hưởng đến sự phát triển của luật quốc tế và luật học nói chung, thông qua các phán quyết của ITLOS có sự tham gia của ông Đoàn.
Theo Batongbacal, trên thực tế, Trung Quốc đã tiến hành nỗ lực cao độ để gây ảnh hưởng đến luật quốc tế và luật học, bằng cách đăng tải các bài viết và bình luận "tràn ngập" trên các tạp chí và ấn phẩm luật, với nội dung ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh và làm suy yếu phán quyết năm 2016. Mục đích của Trung Quốc là khiến các học giả "quen" với quan điểm của Bắc Kinh nhằm át đi các quan điểm trái ngược. Với vai trò mới tại ITLOS, ông Đoàn có thể thúc đẩy các lý lẽ và quan điểm trong thảo luận.
"Đại diện của Trung Quốc có thể ủng hộ quan điểm có lợi cho Bắc Kinh về luật quốc tế và lập trường của nước này trong tranh chấp Biển Đông", Batongbacal nói.
Bày tỏ lo ngại giống với quan điểm của chuyên gia Philippines, giáo sư Odom cảnh báo ông Đoàn khi là thẩm phán tại ITLOS có thể đưa ra các ý kiến mang tính chính trị, không tuân thủ luật quốc tế một cách đầy đủ. Trung Quốc trong nhiều năm qua đã cố gắng gây ảnh hưởng đến sự phát triển của luật quốc tế, trong đó có UNCLOS. Bắc Kinh từng không muốn tham gia vào hệ thống quốc tế nhưng trong thập kỷ 1990 họ nhận ra có thể tác động đến sự phát triển của luật lệ nếu đưa các thẩm phán vào Toà án công lý quốc tế (ICJ) và ITLOS. Với vai trò thẩm phán của ITLOS, ông Đoàn có thể đưa qua quan điểm hướng vào kết quả của các vụ án, có thể có lợi cho Trung Quốc.
Một nguy cơ khác, theo Odom, ông Đoàn có thể nỗ lực để trở thành chủ tịch của ITLOS, để được quyền chỉ định trọng tài trong các vụ kiện gây tranh cãi. Một ví dụ về vụ gây tranh cãi là Philippines kiện Trung Quốc áp dụng UNCLOS ở Biển Đông.
Nêu lên đề xuất với các nước cùng có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông, Odom cho rằng giới nghiên cứu cần theo dõi chặt chẽ hoạt động của ông Đoàn trên tư cách thẩm phán của ITLOS. Các chuyên gia có thể thảo luận nếu đại diện Trung Quốc nêu lên ý kiến mang tính chính trị hoặc không tuân thủ luật quốc tế trong các hoạt động của ITLOS. Về dài hạn, các nước ở Đông Nam Á nên xúc tiến việc đề cử đại diện của mình tại ITLOS và ICJ, để đảm bảo sự luật quốc tế được tôn trọng đầy đủ.
Theo Thạc sĩ Hoàng Việt, vai trò của ông Đoàn có thể không mang tính quyết định trong các quyết định của ITLOS, vì chỉ là một trong 21 thẩm phán. Dù vậy, thẩm phán Trung Quốc sẽ mang lại lợi thế cho nước này, trên phương diện tác động đến quá trình phát triển của UNCLOS.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của đại diện Trung Quốc cho thấy cuộc chiến pháp lý ở Biển Đông sẽ còn rất khó khăn, khi UNCLOS không được tôn trọng. Từ cuối năm ngoái đến nay, một số nước liên tiếp gửi công hàm đến LHQ, bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, khẳng định lập trường dựa trên phán quyết năm 2016 và UNCLOS. Các nước tham gia "cuộc chiến công hàm" này có Mỹ, Australia, Philippines, Malaysia, Indonesia và Việt Nam. Trong khi đó, vấn đề thực thi UNCLOS, cũng như các văn bản pháp lý khác trên thế giới, phụ thuộc vào thái độ tận tâm của các quốc gia. Việc ông Đoàn trúng cử ngay từ vòng một tại ITLOS cho thấy sức ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới vẫn lớn, bất chấp thực tế nước này vi phạm UNCLOS.
"Trung Quốc đang rất tích cực tham gia và tác động vào các tổ chức, định chế quốc tế để tạo ảnh hưởng, phục vụ mục đích và tham vọng của mình", ông Việt nói.