Trung Quốc tuần này thông báo kể từ 8/1, người nước ngoài đến nước này sẽ không còn phải cách ly, đánh dấu thay đổi lớn nhất trong chính sách "Không Covid" nghiêm ngặt, trong đó Trung Quốc gần như đóng cửa với thế giới kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) đã ngừng công bố ca Covid-19 hàng ngày, trong khi chính quyền một số tỉnh ghi nhận khoảng một triệu ca nhiễm mới mỗi ngày. Các bệnh viện bị quá tải và lực lượng y tế phải làm việc cật lực trước làn sóng lây nhiễm được cho là chưa đạt đỉnh.
Khi Covid-19 lây lan trong gần 1/5 dân số thế giới, hầu hết trong số họ chưa có kháng thể từ những lần lây nhiễm trước và nhiều người chưa được tiêm phòng, các chuyên gia lo ngại Trung Quốc có thể là nơi xuất hiện biến chủng mới của nCoV.
Antoine Flahault, giám đốc Viện Sức khỏe Toàn cầu tại Đại học Geneva, Thụy Sĩ, nói với AFP rằng cứ mỗi ca nhiễm mới lại càng làm tăng khả năng virus đột biến.
"Việc 1,4 tỷ người dân Trung Quốc đột ngột tiếp xúc với nCoV rõ ràng tạo điều kiện thuận lợi cho các biến chủng mới xuất hiện", Flahault cho hay.
Bruno Lina, giáo sư virus học tại Đại học Lyon, Pháp, cho rằng Trung Quốc có thể trở thành "môi trường đột biến tiềm tàng của virus". Soumya Swaminathan, cựu nhà khoa học trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết một bộ phận lớn dân số Trung Quốc dễ nhiễm virus một phần vì nhiều người cao tuổi chưa được tiêm vaccine hoặc tiêm mũi tăng cường.
"Chúng ta cần theo dõi chặt chẽ bất kỳ biến chủng mới đáng lo ngại nào", bà Swaminathan nói.
Để đối phó tình hình ca nhiễm gia tăng ở Trung Quốc, các nước Mỹ, Italy, Nhật Bản, Ấn Độ và Malaysia tuyên bố sẽ tăng cường các biện pháp giám sát y tế đối với người đến từ Trung Quốc. Mỹ yêu cầu người đến từ Trung Quốc trình kết quả xét nghiệm âm tính hoặc bằng chứng đã khỏi Covid-19 khi nhập cảnh từ ngày 5/1/2023.
Giới chức Mỹ cho rằng việc "thiếu dữ liệu minh bạch" từ Trung Quốc, đặc biệt dữ liệu giải trình tự gene virus, khiến quan chức y tế công cộng "ngày càng khó đảm bảo có thể xác định bất kỳ biến chủng mới tiềm năng nào và thực hiện các biện pháp nhanh chóng để giảm lây lan".
Ấn Độ và Nhật Bản cho biết họ sẽ yêu cầu xét nghiệm PCR bắt buộc đối với tất cả hành khách đến từ Trung Quốc. Flahault cho rằng biện pháp này có thể là phương án tình thế khi Trung Quốc chậm cung cấp thông tin về virus.
"Nếu chúng ta lấy mẫu và giải trình tự gene tất cả các loại virus được xác định từ bất kỳ du khách nào đến từ Trung Quốc, chúng ta sẽ biết gần như ngay lập tức nếu biến chủng mới xuất hiện và lây lan ở nước này", Flahault nói.
Trước những lo ngại về biến chủng mới xuất hiện tại Trung Quốc, Xu Wenbo, người đứng đầu viện kiểm soát virus tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, ngày 27/12 tuyên bố không phát hiện biến chủng mới nào của Delta hay Omicron xuất hiện ở nước này.
"Từ tháng 12, chúng tôi phát hiện 9 dòng phụ của nCoV lưu hành ở Trung Quốc, tất cả đều thuộc về Omicron", ông Xu nói trong cuộc phỏng vấn với Xinhua. "Dòng phụ BA.5.2 và BF.7 của Omicron vẫn chiếm ưu thế, chiếm 80% số ca nhiễm".
Ông Xu cũng cho hay các bệnh viện trên cả nước sẽ thu thập mẫu từ bệnh nhân và đưa thông tin giải trình tự gene lên cơ sở dữ liệu quốc gia, cho phép chính quyền theo dõi các chủng mới có thể xuất hiện theo thời gian thực.
Dù vậy, chuyên gia Flahault cảnh báo rằng hơn 500 biến thể phụ mới của Omicron đã được xác định những tháng gần đây, dù thường rất khó để biết mỗi biến thể mới xuất hiện lần đầu ở đâu.
"Bất kỳ biến chủng nào dễ lây lan hơn các biến chủng thống trị trước đó chắc chắn là mối đe dọa, vì chúng có thể gây ra những sóng lây nhiễm mới", ông nói. "Các biến chủng này đều không có nguy cơ gây bệnh nặng hơn, nhưng điều đó vẫn có thể xảy ra với các biến thể mới trong tương lai".
Huyền Lê (Theo AFP)