"Hai bên có thể đạt được một thỏa thuận cao cả, đầy cảm hứng nhưng lại thiếu thực chất hoặc các cơ chế thực hiện. Điều này không gây ngạc nhiên", chuyên gia Abigail Bard, Trung tâm Tiến bộ Mỹ, đánh giá khi trao đổi với VnExpress về cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Trump và lãnh đạo Triều Kim Jong-un, dự kiến vào ngày 12/6 tại Singapore.
Chuyên gia của Trung tâm Tiến bộ Mỹ cảm thấy "bất an" bởi đây cuộc gặp chưa từng có tiền lệ giữa lãnh đạo đương nhiệm của Mỹ và Triều Tiên, trong khi cả Trump và Kim lại là người khó đoán.
Theo Bard, lãnh đạo Mỹ - Triều dường như đều muốn tạo nên lịch sử với cuộc họp này nhưng không có gì đảm bảo về định hướng của nó. Nếu cuộc họp không diễn ra suôn sẻ, Trump có thể lại bắt đầu nói về hành động quân sự với Triều Tiên. Trump cũng có thể đồng ý giảm quân ở bán đảo Triều Tiên mà không nhận được gì từ Bình Nhưỡng.
Giáo sư Joseph DeThomas, Đại học Pennsylvania, Mỹ, nhận xét trong vài tháng qua có quá nhiều bất ngờ trên bán đảo Triều Tiên. Ông đánh giá Tổng thống Mỹ sẽ nỗ lực đạt được một thỏa thuận phi hạt nhân hóa với một lịch trình cụ thể và tương đối ngắn hạn. Ông cũng rất ngạc nhiên nếu Trump và Kim nhất trí được khái niệm thế nào là phi hạt nhân hóa và lãnh đạo Triều Tiên đồng ý từ bỏ tất cả vũ khí hạt nhân trong một thời gian ngắn.
"Vì thế tôi cho rằng kết quả của cuộc họp thượng đỉnh này chỉ là một tuyên bố chung về phi hạt nhân hóa, mà không chắc chắn cả về chi tiết và thời điểm của tiến trình", ông DeThomas nói.
Giáo sư này cảnh báo toàn bộ tiến trình hòa đàm có thể sẽ bị sớm đổ vỡ nếu lãnh đạo Triều Tiên nói rõ khái niệm phi hạt nhân hóa của mình, khác xa với điều Tổng thống Mỹ đinh ninh. Trong khi Washington thúc giục Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược, Triều Tiên lại chưa đưa ra cam kết công khai rằng họ sẽ thực hiện đầy đủ điều đó. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã có một số dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng như tuyên bố dừng thử tên lửa và hạt nhân, đóng cửa điểm thử hạt nhân Punggye-ri - nơi từng diễn ra 6 cuộc thử nghiệm.
Ông DeThomas cho rằng nếu không đạt được thỏa thuận thực chất, hai nhà lãnh đạo sẽ đưa ra một tuyên bố chung chung, cho phép ông Kim tiếp tục "tranh thủ" Hàn Quốc và Trung Quốc, trong khi Trump tự họa chân dung mình là một nhà đàm phán vì hòa bình, người làm nên lịch sử.
Cho rằng việc lãnh đạo Triều Tiên Kim giải trừ vũ khí hạt nhân là điều khó xảy ra, David Axe, nhà phân tích của trang War is Boring, nói "sẽ sốc" nếu ông Kim thực hiện cam kết đó.
"Lãnh đạo Triều Tiên đã phát triển vũ khí hạt nhân làm một đảm bảo an ninh cho nước này. Tại sao ông ta lại từ bỏ chúng? Chúng giúp bảo đảm rằng Mỹ sẽ không bao giờ tấn công Triều Tiên", ông Axe lý giải.
Có chung nhận định rằng Triều Tiên không dễ từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, ông Frank Pabian, nhà phân tích của trang 38North, cho rằng Mỹ - Triều chỉ có thể đưa ra một khung thời gian cho việc phi hạt nhân hóa nếu Triều Tiên cho phép đại diện của Cơ quan Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) vào xem xét cơ sở hạ tầng ở cơ sở hạt nhân Yongbyon, đặc biệt là các lò phản ứng, nhà máy làm giàu uranium và các cơ sở chu trình nhiên liệu khác. Triều Tiên cũng cần trở lại Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và thực hiện các nghĩa vụ khác như ký Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT).
Ông Pabian cho rằng trở ngại lớn nhất giữa Mỹ và Triều Tiên là sự thiếu tin cậy lẫn nhau. Triều Tiên trong quá khứ từng cho thấy có thể dễ dàng vi phạm thỏa thuận và đổi chiều hoàn toàn mà hầu như không có cảnh báo gì.
"Có rất nhiều vấn đề khó khăn cần phải giải quyết trước, trong và sau cuộc họp thượng đỉnh giữa Trump và Kim. Khó hình dung là sẽ có bất cứ điều gì khác ngoài biểu tượng và những lời hứa, nhưng tôi rất vui nếu mình sai", ông Pabian nói.
Khả năng bình thường hóa quan hệ
Theo chuyên gia Axe, Kim Jong-un có thể muốn bình thường hóa quan hệ với Mỹ, nhưng không dễ vì Bình Nhưỡng khó từ bỏ chương trình hạt nhân.
Bà Bard thì lo ngại Trump có thể phạm sai lầm nếu đồng ý bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên mà không nhận lại được gì thực chất về cam kết phi hạt nhân hóa và giảm trừ vũ khí của Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, giáo sư DeThomas cho rằng đây có thể là thời điểm Mỹ - Triều bàn đến bình thường hóa quan hệ, điều mà hai bên đã thảo luận trong quá khứ. Nếu hai nước có ý chí chính trị thì việc thực hiện sẽ dễ dàng, có thể bắt đầu bằng việc hai bên mở văn phòng liên lạc ở thủ đô của nhau, sau đó là trao đổi đại sứ. Mỹ và Triều Tiên có thể bàn về việc này riêng hoặc trong đàm phán về hiệp ước hòa bình chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.
DeThomas nhận định cả hai nhà lãnh đạo này đều là người khó dự đoán và không theo quan điểm truyền thống. Trong diễn biến mới nhất, Triều Tiên đã hủy cuộc gặp với Hàn Quốc vào hôm nay do Mỹ - Hàn tiến hành cuộc tập trận thường niên ngày 14-25/5 và dọa xem xét lại cuộc họp thượng đỉnh Trump - Kim nếu bị Washington ép về vấn đề hạt nhân.
"Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra, nhưng không phải tất cả những điều bất ngờ đều tốt", ông DeThomas nói.
Khánh Lynh