Thứ sáu, 23/12/2016, 12:04 (GMT+7)
Thứ sáu, 23/12/2016, 12:04 (GMT+7)

Chuyên gia Lịch sử: 'Sau 30 năm, Việt Nam cần bước nhảy vọt mới'

"30 năm qua cơ bản là gạt bỏ những trói buộc với nền kinh tế, đến nay động lực phát triển như vậy đã hết. Tình hình đòi hỏi Việt Nam phải có bước nhảy vọt mới để giải quyết căn bản một số vấn đề chiến lược", GS.TS Vũ Minh Giang (Phó chủ tịch Hội khoa học lịch sử) nói.

ong-vu-minh-giang-buoc-ngoat-o-dai-hoi-vi-tranh-cu-roi-xuong-vuc-tham

Đại hội VI của Đảng đã quyết định đường lối Đổi mới đất nước. Ảnh: TTXVN

- Dưới góc độ người nghiên cứu lịch sử, ông nhìn nhận thế nào về ý nghĩa Đại hội VI của Đảng cộng sản Việt Nam?

- Đây là một mốc hết sức quan trọng. Để hiểu vì sao như vậy thì chúng ta phải nhìn lại hơn 30 năm trước. Nói ngắn gọn lúc bấy giờ Việt Nam đang lâm vào khủng hoảng toàn diện, tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Nếu không có một quyết định mang tính bước ngoặt thì việc đất nước rơi xuống vực thẳm là điều có thể xảy ra. Đại hội VI đã tạo ra được bước ngoặt đó.

Dù không phải sau một đêm mọi khó khăn biến mất, nhưng nhờ đường lối đổi mới mà tình hình chuyển biến rất mau lẹ. Lòng tin được phục hồi, tạo nên sức sống mới cho nền kinh tế và toàn xã hội. Chỉ sau một thập niên (1986 - 1996), từ thế “dựa chân tường”, Việt Nam đã một vị thế hoàn toàn khác cả trong nước cũng như trên bản đồ thế giới. 30 năm qua là thời kỳ mà câu ước nguyện "Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước" được hiện thực từng ngày.

Từ cột mốc đó, điều quan trọng nhất mà Việt Nam đạt được là gì?

- Cùng với những thành tựu có thể nhìn thấy bằng mắt thường như nhà cửa, cầu đường…, điều mà chúng ta đạt được đầy ấn tượng là sự trưởng thành về nhận thức, rằng “vận động xã hội phải đi đúng quy luật”.

Cách quản lý kinh tế và xã hội trong “đêm trước đổi mới” là đi trái quy luật. Chẳng hạn như quy luật cung cầu đâu dành riêng cho chế độ nào. Nhưng lúc bấy giờ các nhà quản lý vẫn cố “nắn dòng” bằng kế hoạch hóa, bằng chế độ phân phối; hoặc trong khi kinh tế muốn phát triển thì phải liên thông, ở ta lại cấm chợ ngăn sông, ngăn cản thị trường một cách duy ý chí. Có một nhà nghiên cứu đã nhận xét rằng, những phản ứng từ cuộc sống không dễ dập tắt chỉ bằng mệnh lệnh, lại càng không thể chỉ bằng một nhát đập bàn của ai đó. Chính vì vậy những câu nói quen thuộc thời bấy giờ là “cởi trói”, “phá rào”, “bung ra” tìm đường sống.

Chúng ta cũng đã đạt đến một nhận thức quan trọng là phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, và với nhận thức này thì đường lối phát triển rõ ràng hơn. Trước Đổi mới, chúng ta quá chú ý đến mô hình, bị trói buộc bởi lý thuyết rất nhiều, sợ làm khác đi thì đụng đến mô hình cho dù cách làm cũ đang gây tác hại ghê gớm.

- Trên trường quốc tế, hình ảnh Việt Nam đã thay đổi ra sao?

- Sau 30 năm, người Việt Nam trở nên tự tin hơn rất nhiều trên trường quốc tế. Có giai đoạn chúng ta cứ nghĩ nước này, nước kia là “hòn đá tảng” trong quan hệ, dựa vào họ. Nhưng nay Việt Nam đã mạnh mẽ tuyên bố đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và hội nhập. Việc người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam hội đàm chính thức với tổng thống Mỹ trong phòng Bầu Dục (nơi chỉ tiếp nguyên thủ quốc gia), là một biểu hiện rất sinh động về vị thế đất nước cũng như thành tựu ngoại giao.

Đời sống vật chất và tinh thần của người dân đều có những bước phát triển vượt bậc. Không khí dân chủ, thông tin đa chiều, tính phản biện xã hội ngày càng cao là biểu hiện của sự trưởng thành công dân. Trên các diễn đàn cũng như mạng xã hội, người dân bàn luận về bất cứ vấn đề nào mà họ quan tâm, nhiều ý kiến từ cộng đồng nhanh chóng được chính quyền lắng nghe. Những vụ việc được lãnh đạo Chính phủ phản ứng nhanh như “Cà phê Xin chào”, “đánh người ở sân bay”…, là không thể có cách đây 30 năm. Nhà nước đã và đang chuyển mạnh từ quản lý sang phục vụ.

Chúng ta còn nhiều điều chưa hài lòng, nhưng nhìn lại cả quá trình thì có thể nói rằng sự trưởng thành trong quản lý đất nước, sự trưởng thành của xã hội là những thành tựu lớn của công cuộc đổi mới.

- Đâu là những thách thức đặt ra sau Đại hội?

- Chúng ta không còn đói ăn, không còn bỡ ngỡ với những điều căn bản, nhưng khó khăn, thách thức thì còn rất nhiều ở phía trước và theo tôi có mặt khó lường. Những vấn đề lớn đặt ra là bên trong phải tiếp tục đà tăng trưởng kinh tế đi liền với đảm bảo môi trường sống; bên ngoài triển khai đường lối đối ngoại đúng đắn trong bối cảnh quốc tế đầy biến động.

Lúc này người dân cũng yêu cầu cao hơn về các quyền tự do, dân chủ đã được ghi trong Hiến pháp, đòi hỏi việc quản trị đất nước làm sao vừa giữ được kỷ cương, vừa mở rộng không gian phát triển.

- Đó là câu chuyện 30 năm của đất nước, còn cá nhân ông thì sao?

- Đúng năm 1986 thì tôi trở về nước sau 6 năm theo học tại Đại học quốc gia Moscow Lomonoxop. Cảm giác đầu tiên của tôi như lạc vào xứ sở nào đó kỳ dị, tất cả cửa hàng đều trống trơn, đi đến đâu cũng bị người ta quở “ông này béo thế”. Có lẽ vì mọi người thấy tôi da dẻ hồng hào vì được ăn bơ sữa trong thời gian dài. Tâm trạng xã hội lúc đó khá bi quan, trong đầu tôi thoáng suy nghĩ “thế này không biết có điều kiện mà làm việc không?”. Về nhà được ít thời gian thì ăn bữa hôm lo bữa mai, cái quạt, cái bàn là mang về dùng phải đem đi bán dần.

30 năm sau, tôi cũng giống nhiều người khác, khó khăn không bao giờ hết cả, nhưng những câu chuyện thời bao cấp kể lại giống như cổ tích. Nói cho bọn trẻ nghe, chúng chỉ cười và không tin. Hiện nay thì giao lưu quốc tế hết sức bình thường, “tây ba lô” đi khắp Hà Nội. Nhưng lúc bấy giờ, có một ông bạn học người Nga sang Việt Nam làm tuỳ viên văn hoá, tôi muốn mời về nhà chơi phải làm giấy cam đoan nộp lên phường. Khi ông ấy đỗ chiếc xe Volga ở cửa khu tập thể Giảng Võ nơi tôi ở, nhìn xuống thấy công an phường đứng đầy ở dưới.

- Việt Nam cần làm gì tiếp theo trong giai đoạn hậu Đổi mới?

- Đổi mới là quá trình liên tục. Không phải có một đại hội VI rồi, sau 30 năm làm tiếp một lần đổi mới nữa mà trong suốt những năm qua chúng ta đã có nhiều bước cải cách, sửa sai. Có ý kiến cho rằng, 30 năm đổi mới vừa qua, cơ bản là gạt bỏ những trói buộc, cản trở đối với nền kinh tế đất nước, đến nay động lực phát triển như vậy đã hết dư địa. Tình hình đòi hỏi Việt Nam cần phải có một bước nhảy mới, thậm chí là nhảy vọt để giải quyết căn bản một số vấn đề về quan hệ quốc tế, về kiểm soát quyền lực, và cụ thể hoá hơn nữa mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" mà Việt Nam hướng tới. Đây là mục tiêu, nhưng đường đi thế nào thì cần có lời giải chi tiết hơn nữa. 

Võ Văn Thành - Hoàng Phương

Xem thêm:

Ông Phan Diễn: Chúng ta đã vượt qua sự 'kiêu ngạo cộng sản'

Người nắm giữ 'chìa khoá' Đổi mới

Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và một thời 'ba chìm bảy nổi'

 
Chia sẻ bài viết qua email