"Tôi cho rằng Harry và Meghan có thể đã sốc khi thấy Nữ hoàng xử lý vấn đề theo cách cứng rắn như thế", Penny Junor, nhà nghiên cứu về hoàng gia Anh hơn 35 năm, nói với VnExpress.
Hoàng tử Anh Harry và Công nương Meghan hôm 9/1 bất ngờ tuyên bố rút khỏi vai trò cấp cao hoàng gia và thành lập tổ chức từ thiện mới. Sau cuộc họp gia đình bốn ngày sau, Nữ hoàng Anh Elizabeth đồng ý để vợ chồng Harry rời hoàng gia.
Điện Buckingham thông báo Harry và Meghan sẽ không còn mang danh hiệu hay tham gia các hoạt động của hoàng gia Anh, không đại diện cho Nữ hoàng Elizabeth II khi tới các sự kiện. Hoàng tử Harry phải rút khỏi tất cả các vai trò trong quân đội. Dù vẫn được giữ tước hiệu Công tước và Nữ Công tước xứ Sussex, chưa biết Harry và Meghan có thể tiếp tục hoạt động với tư cách Hoàng gia Sussex (SussexRoyal) hay không. Một số chuyên gia cho rằng thương hiệu trên có thể giúp họ kiếm hàng triệu USD.
Richard Fitzwilliams, nhà bình luận về hoàng gia Anh, miêu tả việc mất các mối liên hệ trong quân đội là "điều khó khăn" với Harry, vì anh từng hai lần phục vụ trong quân ngũ ở Afghanistan.
Vợ chồng Harry phải hoàn lại khoản tiền tu sửa dinh thự Frogmore Cottage, trị giá hơn 3,1 triệu USD. Họ cũng phải trả tiền thuê cho Hoàng gia khi đến ở trong tương lai.
"Đây là một hình thức lưu vong, Harry đã bày tỏ nỗi buồn nhưng mọi việc sẽ được xem xét lại sau một năm", Fitzwilliams nói.
Hôm 19/1, Harry cho biết vợ chồng anh hy vọng tiếp tục phục vụ Nữ hoàng, Khối Thịnh vượng Chung và các tổ chức quân sự mà không cần viện trợ từ cộng đồng. Tuy nhiên, đó là điều không thể.
Fitzwilliams đánh giá việc Harry - Meghan đưa ra thông báo rút khỏi Hoàng gia Anh mà không báo trước với các thành viên cấp cao, gồm cả Nữ hoàng, thể hiện sự "thiếu trách nhiệm".
Cả Fitzwilliams và Junor đều cho rằng mong muốn của Harry và Meghan về cuộc sống "bán thời gian ở Hoàng gia" là điều phi thực tế.
Junor cho rằng việc Harry - Meghan rời đi có tác động lớn đến Hoàng gia Anh. Hai người được coi là "tài sản quý" của Hoàng gia, là cặp đôi vàng. Harry từng là "thành viên được yêu quý nhất" trong một thời gian dài, sau Nữ hoàng. Thái tử Charles, cha của Harry, đang có kế hoạch thu nhỏ nền quân chủ trong tương lai, trong đó hai con trai của ông và gia đình của họ chiếm phần lớn trong mô hình đó.
Khi Harry - Meghan rút khỏi Hoàng gia, các thành viên còn lại (gồm Thái tử Charles, Công tước Camilla, Hoàng tử William và Công nương Kate) sẽ phải cáng đáng nhiều việc. Ít thành viên Hoàng gia sẽ đi gây quỹ cho các tổ chức từ thiện, dưới sự bảo trợ của Hoàng gia. Do đó các tổ chức từ thiện sẽ bị bỏ sót.
Nhà phân tích Fitzwilliams bày tỏ sự tiếc nuối. Ông cho rằng nền quân chủ nước này cần một người có thể đem đến sự đổi mới như Meghan, một nhà hoạt động xã hội năng động. Việc Harry - Meghan rời đi khiến Hoàng gia tạm thời bị mất đi sự yêu mến của người dân nhưng khó gây thiệt hại trong dài hạn.
Nền quân chủ là một phần quan trọng trong đời sống của nước Anh. Nền quân chủ còn lại nhóm cốt lõi gồm Nữ hoàng, Thái tử Charles, Công tước Camilla, Hoàng tử William cùng vợ và các con. "Họ nên giữ được sự ủng hộ của người dân, với hình ảnh là một khối đoàn kết của quốc gia, trong một đất nước đang bị chia rẽ bởi Brexit", Fitzwilliams gợi ý, đề cập đến việc Anh sắp rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Junor nhận định khi Nữ hoàng cho phép Harry và Meghan giữ các tước hiệu của Hoàng gia, có nghĩa cánh cửa vẫn mở. Họ có thể quay trở lại trong tương lai. Nếu Harry cùng vợ rời đi mà cảm thấy bị tổn thương hay tức giận, họ sẽ gây nên thiệt hại cho Hoàng gia.
"Việc họ mất nhiều hơn được vẫn là điều gây tranh cãi", Junor nói.