Sau hai năm bùng nổ với mức tăng trưởng đáng kinh ngạc, thương mại điện tử được dự đoán sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp thay đổi chiến lược kinh doanh, gia tăng tiếp thị, tương tác với khách hàng. Ngoài những kênh truyền thống, TV, mạng xã hội, kênh livestream... cũng được tận dụng triệt để song song với gia tăng trải nghiệm tại cửa hàng.
Dưới đây là một số nhận định và dự đoán của loạt chuyên gia về những xu hướng mới, diễn biến và tiềm năng của thương mại điện tử trong năm nay. Các doanh nghiệp ngành này có thể linh hoạt điều chỉnh chiến lược thương mại theo các yếu tố dưới đây để dễ dàng tiếp cận khách hàng, tối ưu tốc độ phục hồi hậu suy thoái.
Cá nhân hóa
Hai năm gần đây, các sự kiện và chiến dịch ưu đãi nhằm kích cầu mua sắm hầu hết đều diễn ra theo mùa và ngày càng được mở rộng với quy mô lớn, dài ngày. Đơn cử có ngày "Thứ Hai điện tử" (Cyber Monday) nay được mở rộng thành "Tháng điện tử" (Cyber Month); hay các chương trình khuyến mãi hè của Amazon như "Prime Day", nay cũng được nhiều thương hiệu hưởng ứng và kéo dài thời gian ưu đãi suốt tuần.
Năm 2022, trải nghiệm mua sắm của người dùng sẽ tiếp tục được phát triển và tối ưu theo hướng cá nhân hóa nhiều hơn. Các chuyên gia gợi ý doanh nghiệp bán lẻ lẫn thương mại điện tử có thể tập trung phân tích các dữ liệu này để tăng lợi thế cạnh tranh, có chiến lược phù hợp và hiệu quả.
"Kết hợp cá nhân hóa với trải nghiệm khám phá sản phẩm giúp các nền tảng thương mại điện tử, thương hiệu và nhà bán hàng thu thập dữ liệu khách hàng. Từ đó, mỗi đơn vị có thể điều chỉnh những chiến dịch quảng bá, tiếp thị, chương trình ưu đãi sao cho phù hợp nhất, đảm bảo người dùng có trải nghiệm tiện lợi, tối ưu ở mọi cấp độ và mọi điểm chạm trên hành trình mua sắm", Phó Chủ tịch tập đoàn Qubit cho hay.
Trí tuệ nhân tạo (AI)
Không riêng ngành thương mại điện tử, bán lẻ, trí tuệ nhân tạo (AI) giờ đây xuất hiện ở hầu hết mọi khía cạnh trong đời sống hàng ngày. Với lĩnh vực thương mại, AI được xem là trợ thủ đắc lực, yếu tố giúp doanh nghiệp củng cố lợi thế cạnh tranh trên hành trình chuyển đổi số.
Bà Tracey Ryan O'Connor tiếp tục dự đoán rằng AI sẽ giúp quá trình cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm người dùng hoàn thiện hơn trong năm 2022. Nếu ứng dụng đúng nơi, đúng chỗ, doanh nghiệp có thể thu thập dữ liệu về người dùng, thói quen mua sắm của họ và nhu cầu tìm kiếm sản phẩm.
Từ đó, họ có thể thiết lập ngược lại những tính năng phù hợp, đáp ứng đúng những gì khách hàng đang cần tìm kiếm. Ngoài nắm rõ nhu cầu, đây còn là cách kết nối và giữ quan hệ với khách hàng bền chặt.
Bên cạnh đó, ứng dụng AI vào các dây chuyền phân loại hàng hóa, vận chuyển, xử lý đơn hàng... cũng giúp giảm bớt chi phi và nhân lực. Ưu điểm này đã được nhiều nền tảng thương mại điện tử lớn cả trong và ngoài nước nắm bắt và tận dụng hiệu quả, mang lại lợi ích cho cả ba bên thương hiệu - khách hàng - sàn thương mại điện tử.
Thương mại điện tử hợp nhất kênh bán truyền thống
Với tốc độ phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ hiện tại, bà Tracey cho rằng thương mại điện tử sẽ là yếu tố chính thúc đẩy sự hợp nhất của mô hình này với kênh bán hàng truyền thống. Bất chấp việc e-commerce đang có dấu hiệu giảm nhiệt do người dùng đang dần trở lại mua sắm trực tiếp tại cửa hàng, doanh số từ kênh bán online vẫn ở mức tăng trưởng ổn định. Lý do bắt nguồn từ thói quen mua sắm trực tuyến đã được hình thành trong thời dịch và giữ vững vị thế đến nay.
Trong năm 2022, bà Tracey nhận định các thương hiệu và nhà bán hàng có thể phải đối mặt với việc điều chỉnh trải nghiệm mua sắm theo hướng kết hợp trực tiếp với trực tuyến. Nếu thành công hợp nhất, vị Phó Chủ tịch tập đoàn Qubit tự tin đây sẽ là bước phát triển vượt bậc mà thương mại điện tử đạt được trong hai năm qua.
"Sự đổi mới này đặc biệt quan trọng với lĩnh vực bán lẻ, nơi người dùng vẫn thích mua sắm, trải nghiệm dịch vụ trực tiếp hơn trực tuyến, chẳng hạn như mua sắm thời trang hoặc chăm sóc sức khỏe, làm đẹp... Theo tôi, hiệu suất mua sắm trên thương mại điện tử sẽ không giảm chỉ vì các cửa hàng truyền thống mở cửa hoạt động trở lại trong bình thường mới", bà Tracey Ryan O'Connor chia sẻ.
Giải pháp tiếp cận toàn diện
Để hiện thực hóa mục tiêu hợp nhất kênh bán online - offline, bà Nikki Baird, Phó Chủ tịch mảng đổi mới bán lẻ của nhà cung cấp công nghệ bán lẻ Aptos, cho rằng các doanh nghiệp thương mại điện tử cần có giải pháp toàn diện cho vấn đề này.
"Thay vì tập trung gia tăng trải nghiệm tại cửa hàng truyền thống như trước đại dịch, giờ họ lại theo đuổi xây dựng hành trình mua sắm toàn diện, tập trung vào việc giúp người dùng thích nghi giữa tương tác vật lý và kỹ thuật số với thương hiệu của họ", bà Nikki Baird nói thêm.
Vị Phó chủ tịch Aptos gợi ý các doanh nghiệp bán lẻ lẫn thương mại điện tử có thể thử ứng dụng hình thức "tủ quần áo ảo". Người dùng có thể tạo một tủ quần áo online, thêm vào đó những sản phẩm ưng ý với số đo, màu sắc, kiểu dáng, chất liệu... tùy chỉnh tự động bằng AI. Khi đến cửa hàng, người dùng có thể tham chiếu tủ quần áo này khi mua sắm song song với lưu trữ những thiết kế họ thích tại cửa hàng.
Đa dạng hóa mua sắm trên mạng xã hội
Các nền tảng mạng xã hội từ lâu đã trở thành công cụ quảng bá hiệu quả cho các thương hiệu và sản phẩm. Trong năm 2022, giới thương mại điện tử dự đoán kênh kỹ thuật số này sẽ góp phần lớn vào nguồn doanh thu của doanh nghiệp bán lẻ. Rob Van Nuenen, Giám đốc điều hành nhà cung cấp giải pháp thương mại điện tử Channable, cho biết việc đa dạng hóa hoạt động mua sắm trên mạng xã hội sẽ là chìa khóa quan trọng với các doanh nghiệp ngành này.
"TikTok có thể chạm mốc 2 tỷ người dùng vào năm 2022. Trong khi Instagram và Pinterest đang không ngừng sáng tạo, mang đến trải nghiệm mua sắm ngay trên nền tảng của họ. Chưa kể đến doanh thu từ kênh bán hàng mạng xã hội gần như chạm ngưỡng 50 tỷ USD. Tất cả những yếu tố trên đã góp phần khẳng định chiến lược mở rộng kinh doanh trên mạng xã hội là một phần không thể thiếu trên hành trình chuyển đối số của các doanh nghiệp ngành này", vị Giám đốc nhận định.
Nhiều cải tiến thương mại điện tử mới được giới chuyên gia dự đoán sẽ tiếp tục xuất hiện trong năm 2022, thậm chí soán ngôi những xu hướng cũ trước đó. Họ đưa ra lời khuyên rằng các doanh nghiệp ngành này cần chú ý nắm bắt đúng thời cơ và lên chiến lược chặt chẽ, khảo sát thị trường, nhu cầu người dùng cẩn thận để có giải pháp phù hợp. Kết hợp các yếu tố AI, cá nhân hóa, thương mại xã hội (social commerce)... kể trên sẽ giúp xây dựng quan hệ với khách hàng chặt chẽ, bền vững hơn, đồng thời tăng hiệu quả sử dụng ngân sách của họ.
Thái Nghiên (Theo Marctech)