- Hà Nội đang cạn quỹ tên đường phố, ông nhìn nhận thế nào về công tác đặt tên đường phố ở thủ đô hiện nay?
- Trước hết cần khẳng định ý nghĩa chính của việc đặt tên đường phố, đánh số nhà là tìm địa danh, địa chỉ trong đô thị. Hiện tên đường phố Hà Nội nặng về danh nhân hơn địa danh lịch sử.
Thực ra, tên đường phố không nhất thiết phải dùng tên danh nhân. Có danh nhân xứng đáng đặt tên ở nhiều nơi, nhưng có danh nhân đặt ở địa danh nào đó thì có ý nghĩa, sang nơi khác người dân không biết là ai. Lâu nay chúng ta vẫn nghĩ các danh nhân triều Lý thì nên đặt ở khu vực này, nhà Trần thì phải ở chỗ kia. Đến khi đặt xong xuôi, thấy còn sót vài vị, đặt ra chỗ khác lại sợ không phù hợp. Cách tư duy này rất văn hóa, nhưng không hợp với thực tiễn. Đặt tên đường phố trong đô thị cần dễ tìm, dễ nhớ, dễ hiểu.
Tên đường và biển số nhà là hai thông tin hết sức quan trọng. Vì thế, việc đặt tên đường phố, đánh số nhà liên quan mật thiết với nhau để xác định địa điểm cụ thể trong một đô thị. Tuy nhiên lâu nay hai việc này lại bị tách rời. Tên đường phố liên quan đến ngành văn hóa, biển số nhà lại là của ngành xây dựng.
- Ông nghĩ sao về việc lãng phí tên đường phố ở Hà Nội khi một tuyến đường dài đi qua nhiều quận huyện và mang rất nhiều tên?
Tiến sĩ Lưu Đức Hải: "Đặt tên đường phố Hà Nội đang nặng về câu chuyện văn hóa hơn là quản lý đô thị". |
- Việc này đánh dấu sự phát triển của đô thị qua các thời kỳ. Nhiều người không hiểu thì cho rằng lộn xộn, thiếu khoa học khi đánh số, đặt tên đường. Nhưng nghĩ kỹ thì đó chính là ranh giới của đoạn đường phố mới được mở rộng ra. Trong quá khứ, đoạn đường chỉ mở rộng đến điểm này, được người ta đánh số và ấn định ở một số cuối cùng nào đó.
Qua quy hoạch, con đường tiếp tục nối dài, người ta không thể đánh số tiếp nữa nên đành phải đổi tên khác dù vẫn ở trên con đường ấy, thành ra mới có những cái tên như Nguyễn Văn Huyên kéo dài, Nguyễn Phong Sắc kéo dài (sau đặt là Trần Thái Tông)... Vì thế, không nên ngạc nhiên khi đường mở rộng, kéo dài có nhiều tên mà cho rằng thành phố vô trách nhiệm hay yếu kém trong quản lý.
Nhưng cũng phải nói thêm rằng, nhà quản lý cần thông tin, hướng dẫn cho người dân biết vì sao lại thay đổi. Đôi khi, bàn cứ bàn, đặt tên cứ đặt với nhau trong hội nghị mà không thông tin thì sao người dân hiểu. Bên cạnh thông tin danh nhân này ở thời đại nào, chiến công ra sao thì sao không nói rõ con đường này được mở rộng từ khi nào, nối dài đến đâu? Học lịch sử thì cần biết sự phát triển của thành phố qua các thời kỳ mới có ý nghĩa.
- Hà Nội đề xuất lập ngân hàng tên đường phố, theo ông ngân hàng này nên như thế nào?
- Cùng sự mở rộng đô thị thì cạn quỹ tên đường là điều dễ hiểu. Chúng ta coi trọng danh nhân thì cũng cần có thêm nhiều tên địa danh lịch sử để tạo dấu ấn về mảnh đất ấy trong quá khứ và đặt tên đường sao cho khoa học, dễ nhớ, dễ tìm.
Đối với khu vực phát triển từ nông thôn lên thành thị, nên tận dụng địa danh của nơi con đường đó đi qua, vừa có thêm tên, vừa bảo tồn được địa danh cổ, như Đường Cái, Xóm Hạ Hồi... Đó cũng là cách giữ gìn lịch sử, văn hóa bởi những tên thân thuộc ấy sẽ dần biến mất nếu chúng ta không quan tâm.
Những khu đô thị cũ cải tạo trong nội đô thi thoảng mới có con đường mới. Quỹ tên danh nhân nên dành đặt cho nơi ấy. Còn trong khu đô thị mới xây có nhiều đường ngang đường dọc, nếu đặt tên danh nhân rất khó nhớ, nên đặt theo tên của đô thị mới cộng đuôi là số (cho đường ngang) hoặc chữ cái (cho đường dọc). Ví dụ đối với khu đô thị Trung Hòa, đường ngang có thể đặt Trung Hòa 1, Trung Hòa 2, Trung Hòa 3…, phố dọc đặt là Trung Hòa A, Trung Hòa B, Trung Hòa C. Đặt như vậy vừa giữ được địa danh Trung Hòa của khu đô thị ấy và rất dễ tìm, dễ nhớ. Người đi đường có thể tìm quanh khu đô thị đó là ra ngay và không bao giờ sợ thiếu quỹ hay hết tên cả. Còn con đường trung tâm của khu đô thị ấy thì có thể đặt tên vị bí thư, lãnh đạo thành phố có công xây dựng, phát triển.
- Hà Nội có thể học tập gì từ việc đặt tên đường phố của các đô thị lớn trên thế giới?
- Thủ đô Hà Nội và nhiều đô thị khác ở Việt Nam đều chú trọng đặt tên đường phố từ tên danh nhân, các nước trên thế giới cũng vậy. Nhưng những thành phố lớn, đường ngang lối dọc ở Trung Quốc, Mỹ, Pháp cũng chưa bao giờ cạn quỹ tên vì họ có cách riêng: đặt tên danh nhân, đặt theo cả số và địa danh.
Có hai cách mà thế giới vẫn thường áp dụng, hoặc đặt theo tên danh nhân, anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước. Cách thứ hai là đặt theo số, chữ cái để tìm trong hệ tọa độ đường ngang - đường dọc. Đường ngang theo số thứ tự tăng dần, còn chiều kia thì đặt theo bảng chữ cái để người dân dễ tìm. Ở New York (Mỹ), tất cả đường ngang được đánh số 1, 2, 3; đường dọc đặt là a, b, c... Còn đường trục Bắc - Nam lâu đời nhất được đặt Broadway là tên chữ.
Ở nhiều thành phố, để cho người dân dễ tìm được số nhà, dưới bảng tên đường phố còn có mũi tên chỉ sang phải đến số nhà bao nhiêu, chỉ sang trái đến số nhà bao nhiêu. Cách làm này rất tiện, giúp người dân dễ tìm được số nhà.
Vấn đề đặt tên đường và sự phát triển đô thị liên quan mật thiết với nhau. Vì thế, trong quá trình đặt tên đường phố, phải làm sao cho dễ tìm, dễ nhớ, dễ hiểu và đặt kịp thời với sự phát triển của khu vực mới mở rộng.
Hoàng Phương thực hiện